Thúc đẩy thực hành giảm nhựa trong các siêu thị và nhà bán lẻ
16/04/2024TN&MTXu hướng đẩy mạnh và lan tỏa phong trào tiêu dùng xanh trên khắp thế giới đã làm thay đổi tư duy sản xuất, phân phối và thương mại. Giá trị của sản phẩm không chỉ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá thành phù hợp mà còn phải thân thiện với môi trường. Do vậy, xu hướng sử dụng bao bì xanh trở thành tất yếu và hướng tới bắt buộc tại Việt Nam, Phú Yên đang là một trong những địa phương tiên phong.
Ảnh minh họa
Truyền thông và hành động
Các sản phẩm từ nhựa, ni-lông ra đời mang lại rất nhiều tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người chúng ta. Tuy nhiên, đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, ni-lông đã và đang gây rất nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường.
Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo, điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở quá trình phát triển của các loài động, thực vật…
Đứng trước thực tế này, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chính sách và đưa ra chế tài nhằm hạn chế túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Cụ thể, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã quy định rõ về trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất; quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam (Quyết định số 1316/QĐ-TTg) đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy.
Theo đó, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế không sử dụng túi ni-lông (ngày 3 tháng 7 hàng năm) tại các đơn vị bán lẻ là bước khởi đầu để triển khai thành công mục tiêu giảm ô nhiễm rác thải nhựa của Việt Nam; Các hoạt của Ngày không sử dụng túi ni-lông tại Việt Nam được triển khai rộng rãi với nhiều hình thức phong phú đã lan tỏa được thông điệp về giảm tiêu dùng túi ni-lông đến nhiều đối tượng,…
Rất nhiều siêu thị đã hạn chế sử dụng túi ni- lông bọc, bảo quản sản phẩm
Được biết, các thành viên của Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni-lông liên tục triển khai các hoạt động giảm túi ni-lông và rác thải nhựa. Tại TOPS Markets, hoạt động Ngày không túi ni-lông sẽ tiếp tục được triển khai vào Thứ 4 hàng tuần trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ. AEON Việt Nam thực hiện Ngày không túi ni-lông vào thứ 2 đầu tiên của mỗi tháng tại Trung tâm bách hóa siêu thị và tổng hợp Tân Phú và Long Biên,…
Ghi nhận tại Phú Yên
Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận đó là việc giảm túi ni-lông và xây dựng các cơ chế giảm túi ni-lông trong các siêu thị và Trung tâm thương mại đáp ứng các quy định về giảm túi ni-lông do Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” đã thực hiện nghiên cứu và xây dựng lộ trình giảm túi ni-lông tại siêu thị và Trung tâm Thương mại trên địa bàn Đà Nẵng và Phú Yên.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nghiên cứu, xây dựng lộ trình cũng như tiến tới thử nghiệm và thí điểm các phương án trong lộ trình giảm túi ni-lông, tháng 9/2023, Sở TN&MT tỉnh Phú Yên; Sở Công Thương tỉnh Phú Yên và WWF-Việt Nam đã ký Kế hoạch phối hợp về việc “Triển khai các hoạt động vận động giảm nhựa đối với nhóm siêu thị và Trung tâm Thương mại trên địa bàn tỉnh Phú Yên”. Với sự hỗ trợ của Sở TN&MT và Sở Công Thương, nhóm tư vấn đã thuận lợi thực hiện nghiên cứu, thu thập số liệu về thói quen, mức độ sử dụng túi ni-lông của người tiêu dùng và cơ sở pháp lý và thực tiễn cho vấn đề giảm túi ni-lông tại địa phương.
Đến tháng 12/2023, nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện nghiên cứu gửi bản thảo tham vấn cho các cơ quan quản lý từ đó làm cơ sở thống nhất lộ trình thực hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Dự án đã và đang nhận được nhiều đồng thuận trong lộ trình giảm túi ni-lông tại Phú Yên và sẽ thí điểm các biện phám giảm túi ni lông tại một số siêu thị hoặc Trung tâm Thương mại do địa phương lựa chọn từ quý 1/2024.
Bà Nguyễn Thị Trúc, nhân viên Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết: Siêu thị đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon trong nhiều năm qua; trưng bày túi nilon tự hủy và túi môi trường để phục vụ khách có nhu cầu. Một số sản phẩm nhựa tiện lợi, dùng một lần như ống hút, ly, chén, đĩa nhựa… đã được chúng tôi loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa, thay vào đó là các sản phẩm bằng chất liệu giấy, gạo, tre. Siêu thị cũng khuyến khích khách hàng không sử sụng sản phẩm nilon, có thể mang theo túi môi trường hay các vật dụng khác đến siêu thị để chứa hàng hóa, thực phẩm… bằng cách thực hiện chương trình khuyến mãi tích điểm thưởng cho khách hàng.
Những chiếc túi àm từ lưới cũ tặng cho phụ nữ phường 4 để đi chợ
Không chỉ tai các siêu thị, tại các con chợ nhỏ ở Phú Yên cũng đang góp phần làm nên những mảng xanh để bảo vệ môi trường. Mô hình mang giỏ nhựa đi chợ do Hội Liên hiệp phụ nữ phường 4, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phát động đã thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Mỗi ngày xách giỏ nhựa đi chợ, các bà, các mẹ tại phường 4, thành phố Tuy Hòa đã giảm được hàng trăm chiếc túi nilon. Hành động rất nhỏ này đã và sẽ mang lại lợi ích lớn cho môi trường.
Nhận thấy việc sử dụng túi nilon dùng một lần ngày càng nhiều, lại khó xử lý, Hội Liên hiệp phụ nữ phường 4 thành lập mô hình Phụ nữ sử dụng giỏ nhựa đi chợ, ban đầu với 40 thành viên, đến nay số thành viên đã tăng lên đáng kể. Hình ảnh chị em xách giỏ nhựa đi chợ xuất hiện mỗi ngày cũng góp phần nhắc nhớ nhau hạn chế đồ nhựa dùng một lần, túi nilon. Một chiếc giỏ nhựa thế này có giá hơn 30.000 đồng - bằng tiền 1kg túi nilong nhưng sử dụng được đến vài năm.
Là người phát động mô hình Xách giỏ nhựa đi chợ, đồng thời cũng là một trong những người tiên phong trong các hoạt động giảm chất thải nhựa, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố, chị Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 4, Thị trấn Tuy Hòa cho biết: Thời gian đầu, mô hình của Hội chỉ có 40 thành viên. Mỗi chị em phụ nữ là một tuyên truyền viên, thông qua các hoạt động của mình đã vận động các chị em khác thấy được lợi ích việc sử dụng giỏ đi chợ, giảm thiểu dùng túi nhựa, tiết kiệm chi phí sinh hoạt.Sau thời gian hoạt động, nhận thấy hiệu quả, nhiều người dân cũng đã tham gia, đến nay số hội viên tăng lên hàng trăm người. Bên cạnh việc phát triển mô hình, phát triển hội viên trong khu vực. Mỗi thành viên trong hội cũng tận tình hướng dẫn tiểu thương gói hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; vận động người dân khi đi chợ mang theo giỏ, hộp đựng dùng nhiều lần, túi tái chế hoặc túi làm từ nguyên liệu dễ phân hủy”.
Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy.
Theo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, số lượng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương 38 triệu túi nilon/ năm. Từ năm 2026 sẽ thực hiện xử phạt các siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp túi nilon dùng một lần cho khách hàng.
Đánh giá về hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa tại các hệ thống siêu thị, bán lẻ, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm nhựa của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đang tích cực thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, trong đó, khối doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Với sự chủ động tham gia của nhiều nhà sản xuất và bán lẻ, hy vọng, Ngày không sử dụng túi nilon tại Việt Nam năm nay sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng. Chỉ có hành động cùng nhau, chúng ta mới có thể hướng tới tiêu dùng bền vững và loại bỏ cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn diện.
Xuân Thành