Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo Xanh ở Việt Nam
30/12/2023TN&MTĐổi mới sáng tạo Xanh là một hướng tiếp cận để thúc đẩy phát triển ở các nước trên thế giới. Việc triển khai đổi mới sáng tạo Xanh sẽ là một động lực mạnh mẽ để mở rộng thị trường và phát triển kinh tế bền vững.
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trong những từ khóa quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua và đã được thể hiện trong các Chiến lược phát triển quốc gia, Kế hoạch hành động của Chính phủ, trong các hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN). Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) do WIPO công bố năm 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia/vùng lãnh thổ, tiếp tục giữ thành tích vượt trội năm thứ 12 liên tiếp, duy trì vị trí top 3 nền kinh tế ĐMST hàng đầu trong các quốc gia/vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cũng là mục tiêu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và lộ trình cắt bỏ nhiệt điện than, thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra định hướng “Xây dựng nền kinh tế xanh, Kinh tế tuần hoàn (KTTH) thân thiện với môi trường”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030) đã nhấn mạnh: “Phát triển mô hình Kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng”. Ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 của ngành TN&MT đã được Bộ TN&MT ban hành tại Quyết định số 3756/QĐ-BTNMT ngày 13/12/2018. Với mục tiêu thực hiện thành công các SDGs ngành TN&MT năm 2030, Kế hoạch hành động đã đề ra 17 mục tiêu phân thành 6 nhóm lĩnh vực đi kèm với 40 chỉ tiêu cụ thể để giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu. Lộ trình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu SDGs ngành TN&MT được quy định theo các mốc thời gian thực hiện SDGs quốc gia cũng như của LHQ là năm 2020, 2025 và 2030.
Việc khuyến khích những đổi mới phù hợp sẽ đòi hỏi sử dụng nhiều ưu đãi mà ảnh hưởng đến việc đầu tư cả về chi phi lẫn doanh thu. Điều này vừa là thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những thách thức, áp lực không nhỏ về yêu cầu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường (BVMT), giữ gìn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Xu hướng đổi mới sáng tạo Xanh trên thế giới
Đổi mới sáng tạo Xanh là một hướng tiếp cận để thúc đẩy phát triển ở các nước trên thế giới. Việc triển khai đổi mới sáng tạo Xanh sẽ là một động lực mạnh mẽ để mở rộng thị trường và phát triển kinh tế bền vững.
Cộng hòa liên bang Đức là nước tiên phong về các chính sách phát triển xanh, là một trong những quốc gia đầu tiên cắt giảm phát thải khí nhà kính: Năm 2009 giảm phát thải khí CO2 xuống 23% so với mức phát thải năm 1990; tiêu thụ năng lượng từ các nguồn tái tạo tăng lên gấp 5 lần kể từ năm 1990 đến năm 2010. Đức hiện có công suất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới; là nước định hình cho sự phát triển bền vững ở châu Âu, là trung tâm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường: ở Đức đã loại bỏ dần điện hạt nhân. Hiện nay, nguồn năng lượng tái tạo chiếm 1/10 tổng mức tiêu thụ điện cuối cùng, chủ yếu là điện sinh khối (7,7%), điện gió (1,5%, thủy điện (0,8%). Công suất quang điện mặt trời hiện nay của Đức chiếm 44% của thế giới và công suất điện gió lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Đức coi công nghệ tăng trưởng xanh là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong tương lai và đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng. Đức cũng lập kế hoạch cắt giảm 80% phát thải khí nhà kính vào năm 2050, so với mức của những năm 1990. Các nguồn năng lượng tái tạo được thiết lập để cung cấp 60% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở Đức có thể xem xét các chính sách môi trường như một cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2016, Nhật Bản công bố “Chiến lược dài hạn cho đổi mới công nghệ xanh”; Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố dự thảo "Chiến lược Đổi mới Năng lượng/Môi trường" tại cuộc họp lần thứ tư của Nhóm nghiên cứu Xây dựng Chiến lược đổi mới Năng lượng/Môi trường ngày 24 tháng 3 năm 2016. Liên quan đến sản xuất năng lượng thế hệ tiếp theo, chiến lược đặt mục tiêu tăng gấp đôi hiệu suất chuyển đổi và giảm chi phí sản xuất điện xuống 7 yên/kWh hoặc thấp hơn.
Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc bao gồm một loạt các chiến lược đầu tư vào công nghệ giảm khí CO2 được quốc tế công nhận (như trong IEA Blue Map, Bản đồ xanh của IEA). Chính phủ Hàn Quốc đã lựa chọn 27 công nghệ xanh cốt lõi và đã tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực này. Danh sách công nghệ xanh của Hàn Quốc bao gồm nhiều mặt hàng liên quan đến IT. Điều đó cho thấy, công nghệ thông tin đã được coi như công nghệ xanh; nhiều công nghệ thông minh dựa trên IT sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên và năng lượng. Sau khi lựa chọn các công nghệ xanh, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (NC&PT) xanh, với mục tiêu trung bình hàng năm đầu tư cho NC&PT công nghệ xanh tăng 18,3 %. Qua đó cho thấy, chính phủ Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ công nghệ xanh.
Đồi mới sáng tạo xanh ở Việt Nam
Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon trung tính vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang từng bước chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu hóa thạch. Và khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là giải pháp trọng tâm. Các chính sách, cơ chế, giải pháp của Việt Nam thời gian qua được tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0.
Nhà nước đã có chính sách phát triển thị trường ĐMST xanh bao gồm: chính sách tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn sản phẩm (13 Quy chuẩn Việt Nam, 59 Tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường); chính sách về khí hậu (Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; quy định hỗ trợ về hiệu quả sử dụng năng lượng); chính sách hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng xanh (Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Luật BVMT năm 2020 quy định về mua sắm xanh, kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Chương trình Nhãn xanh Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp (DN) thiết kế và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; Luật Thuế thu nhập DN hiện hành quy định nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích DN ĐMST, hướng đến tăng trưởng xanh,... Bên cạnh các chính sách về khí hậu và bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng và triển khai các chính sách nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó xác định, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Hiện nay ở Việt Nam, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup ecosystem) đã hình thành và phát triển nhanh, đa dạng, gồm 79 cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp, 40 tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, 138 trường đại học có không gian sáng tạo dành cho sinh viên khởi nghiệp, 291 khu công nghiệp, 4 khu công nghệ cao quốc gia,...
Ngoài ra, tại Việt Nam, hiện có một số chương trình thúc đẩy ĐMST xanh nổi bật như: Green Innovation Fellowship - tìm kiếm, xúc tiến và ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo xanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho DN Việt Nam và khu vực; triển lãm Green Growth Show 2023 - giới thiệu hơn 100 công nghệ của tổ chức, doanh nghiệp, cung cấp các giải pháp sản xuất, dịch vụ tiết kiệm năng lượng, tái chế nguyên liệu, bảo vệ môi trường; Net Zero Challenge - tìm kiếm giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững; Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam - thiết kế theo hình thức đối tác công tư, hướng tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN nhỏ và vừa) ĐMST xanh,...
Giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo Xanh ở Việt Nam
Đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế phát triển mới của đất nước hiện nay, mang lại hiệu quả của nền kinh tế xét trong dài hạn để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Để phát triển đất nước bền vững, công nghệ xanh sẽ là nhân tố quyết định cho việc tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững, theo đó có thể ứng dụng một số giải pháp như sau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo Xanh ở Việt Nam:
Một là, cần ưu tiên tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục và nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo Xanh trong cộng đồng, bao gồm việc xây dựng và triển khai các chiến dịch truyền thông; tổ chức các cuộc thi, triển lãm, hội thảo về đổi mới sáng tạo xanh; tích hợp đổi mới sáng tạo Xanh vào giáo dục và đào tạo; xây dựng các tài liệu hướng dẫn; kịp thời khen thưởng và biểu dương các tổ chức và cá nhân có thành tích trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo xanh.
Hai là, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo Xanh (đặc biệt ưu tiên để phát huy vai trò, tính hiệu lực, hiệu quả của các công cụ chính sách đã được quy định trong pháp luật BVMT và pháp luật khác có liên quan), bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư; các chính sách về thị trường, tiêu dùng; các chính sách về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển; chính sách phát triển công nghiệp môi trường đối với các sản phẩm, thiết bị và công nghệ phục vụ cho thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, các công cụ chính sách khác và các chính sách khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh.
Ba là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng thành quả của KHCN và Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, gắn với áp dụng đổi mới sáng tạo Xanh ngay từ giai đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải; tạo dựng ngày càng nhiều các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao và thân thiện với môi trường.
Trong đó, tập trung vào hướng dẫn thiết kế sinh thái, thiết kế để áp dụng chuyển đổi sáng tạo Xanh với các lĩnh vực tiềm năng như nông lâm ngư nghiệp, khai khoáng và năng lượng; công nghiệp chế biến chế tạo (thực phẩm, dệt may, hóa chất, điện tử,…); khu công nghiệp và khu đô thị. Đặc biệt, ưu tiên thực hiện các công nghệ trong quản lý chất thải, xem chất thải là tài nguyên trong mọi quá trình sản xuất, kinh doanh; từng bước phát triển thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến đổi mới sáng tạo Xanh và kinh tế tuần hoàn (nguyên vật liệu thứ cấp, dịch vụ thiết kế sinh thái,…); phát triển ngày càng nhiều các mô hình tiên tiến, điển hình trên thực tiễn.
Bốn là, nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất của Nhà nước đối với các chương trình, dự án liên quan đến BVMT; đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường; tháo gỡ những rào cản đối với đầu tư xanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ quản trị rủi ro, phát triển kỹ năng và kinh nghiệm trong các dự án xanh; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững;
Năm là, khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo Xanh bao gồm việc tham gia vào các diễn đàn, mạng lưới, sáng kiến về đổi mới sáng tạo Xanh; huy động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và phi chính phủ; trao đổi kinh nghiệm và học tập các mô hình tốt từ các quốc gia tiên tiến trong đổi mới sáng tạo xanh.
Ngoài vai trò trọng tâm của cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong thúc đẩy thực hiện đổi mới sáng tạo Xanh và Kinh tế tuần hoàn cũng cần lưu ý đến các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.
Trong bối cảnh tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn Đổi mới sáng tạo Xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm xanh, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.
PGS.TSKH. Nguyễn Xuân Hải
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ
Bộ Tài nguyên và Môi trường
(Bài đã đăng trên số Chuyên đề KHCN 2/2023)