Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

03/04/2024

TN&MTChỉ rõ 4 định hướng lớn và 6 biện pháp cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024 với tinh thần: "Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Thủ tướng chủ trì Hội nghị với trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024

Chiều tối 2/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và lãnh đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Thủ tướng gợi mở một số nội dung để các đại biểu thảo luận

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, đúc rút các việc đã làm được và bài học kinh nghiệm về triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua; phân tích, đánh giá sâu về các tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân chủ quan; xác định các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, sát thực tiễn, cả trước mắt và lâu dài để tăng cường và tạo đột phá đối với các trọng tâm của ngoại giao kinh tế thời gian tới, đưa ngoại giao kinh tế trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của đối ngoại, trở thành động lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước như tinh thần của Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, góp phần đưa đất nước bứt tốc để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ. Trong 18 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 5 hội nghị ngoại giao kinh tế (hội nghị này là lần thứ 6).

Từ năm 2023 tới nay, công tác ngoại giao kinh tế đạt 3 kết quả nổi bật: Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện ngoại giao kinh tế được triển khai kịp thời, bài bản hơn; ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước; ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp vào các kết quả tích cực của kinh tế đối ngoại và hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, từ năm 2023 tới nay, công tác ngoại giao kinh tế đạt 3 kết quả nổi bật

Xuất siêu và vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước đến nay

Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá, triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, công tác ngoại giao kinh tế đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, mở ra các hướng đi mới, mang tính đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác được xác lập. Trong đó, nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, tăng cường thu hút nguồn lực trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động... được lồng ghép trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Nam Á, Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh. Công tác huy động nguồn lực của cộng đồng trí thức, doanh nhân kiều bào được quan tâm, đẩy mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, đúc rút các việc đã làm được và bài học kinh nghiệm về triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tăng cường xúc tiến, quảng bá, đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại. Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi.

Các bộ, ngành, cơ quan đại diện tăng cường hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp tham gia các hoạt động đối ngoại, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến ở trong và ngoài nước, kết nối với các đối tác quốc tế, qua đó mở rộng thị trường, vận động đầu tư FDI chất lượng cao, thu hút ODA thế hệ mới. Công tác thông tin về tình hình và các xu thế của kinh tế thế giới, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để hỗ trợ các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đáp ứng các xu thế và quy định mới được đẩy mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Đồng thời thường xuyên theo dõi, cảnh báo về việc các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; vận động UNESCO công nhận các di sản thiên nhiên và văn hóa, nâng số lượng di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận lên 62 và phát huy các di sản để thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương.

Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp triển khai 16 FTA đã ký kết; thúc đẩy đàm phán CEPA với UAE, các FTA với EFTA, Mercosur...; tích cực vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; chủ động, tích cực tham gia và đóng góp trách nhiệm, hiệu quả tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương quan trọng như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, Mekong, G7, G77, WEF...; thúc đẩy các sáng kiến và khả năng hợp tác mới; tham mưu chủ trương tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia.

Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế như việc cụ thể hóa và tận dụng các khuôn khổ quan hệ đã được thiết lập, nâng cấp và cam kết, thỏa thuận đạt được trong thời gian qua còn hạn chế, có độ trễ trong triển khai. Việc giải quyết các vướng mắc tồn đọng với một số đối tác còn kéo dài, chưa dứt điểm. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đôi lúc chưa đồng bộ; tính kết nối, liên kết vùng giữa các địa phương chưa cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ cùng các cơ quan với sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển mạnh từ tư duy "buôn chuyến" sang làm ăn đường dài hơn

Các đại biểu đề xuất tiếp tục thúc đẩy triển khai quyết liệt các cam kết, thoả thuận đã đạt được; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế; đổi mới mạnh mẽ trong phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế...

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin cho biết qua làm việc, nhiều đối tác nước ngoài nhận định "Việt Nam là quốc gia được chọn và nguồn nhân lực Việt Nam được chọn" để tham gia hệ sinh thái bán dẫn của thế giới.

Phân tích lý do, ông Khoa cho biết Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, trong đó có gần 500 nghìn kỹ sư phần mềm, sẵn sàng chuyển sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn. Ngành bán dẫn và công nghệ thông tin trên toàn cầu đang thiếu hụt nguồn lực, vì hầu hết thanh niên ở các nước mạnh về bán dẫn đang tập trung cho các lĩnh vực khác như tài chính, logistics… Mặt khác, lĩnh vực AI, bán dẫn, chip sẽ là xu hướng của tương lai.

Ông đề xuất "ngoại giao tổng lực" cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh kết nối với các trường đại học nước ngoài để chuyển giao chương trình, đào tạo nhân lực; xây dựng chính sách thu hút FDI bán dẫn; đẩy mạnh truyền thông hình ảnh Vệt Nam gắn với ngành bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sẽ cùng các cơ quan với sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển thị trường nông sản để biến "sản phẩm" thành "thương phẩm", thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển mạnh từ tư duy "buôn chuyến" sang làm ăn đường dài hơn.

Tranh thủ cơ hội nhưng không lợi dụng lúc đối tác khó khăn

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chuyển lời thăm hỏi, chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các đại biểu dự cuộc họp, mong các đại biểu, trong đó có các đồng chí trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục làm hết sức mình vì sự phát triển của đất nước.

Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng mong muốn, đề nghị các chủ thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, các hoạt động trên tinh thần 3 cùng: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển.

Thủ tướng cũng đề nghị các chủ thể đẩy mạnh "3 phát huy": Phát huy thế và lực của đất nước để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư; phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân, phát triển du lịch; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Theo Thủ tướng, thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, công tác ngoại giao kinh tế còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên ngoài, kinh tế thế giới phục hồi chậm; căng thẳng địa chính trị gia tăng, xu hướng chính trị hóa hợp tác kinh tế tiếp tục lan rộng; tình trạng phân hóa, phân mảnh, đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng…

Trong nước, sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là về thị trường, tiếp cận vốn, chi phí. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là cho các ngành, lĩnh vực mới nổi. Thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; một số cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi. Hạ tầng chiến lược trên một số lĩnh vực còn hạn chế…

Thủ tướng cho rằng chúng ta phải luôn giữ thăng bằng, "thắng không kiêu, bại không nản", giữ vững bản lĩnh, bĩnh tĩnh, kiên trì, không quá say sưa với thắng lợi và khi thuận lợi, không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức, tuân thủ và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp tình hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024

Thủ tướng yêu cầu tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn

Cho rằng công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các đối tác, Thủ tướng lấy ví dụ, hiện nay giá một số mặt hàng nông sản như gạo đang tốt thì chúng ta vừa phải tranh thủ cơ hội phát triển bền vững; vừa phải lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các đối tác, không lợi dụng khi các đối tác khó khăn; vừa tránh phát triển nóng, chú trọng xây dựng, giữ gìn thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, với giá cả hợp lý, không "ăn xổi ở thì".

"Càng lúc này thì các mặt hàng Việt Nam càng phải củng cố vị thế, uy tín. Giá cao thì mình cạnh tranh lành mạnh nhưng chú ý đến tình người, đạo đức kinh doanh. Khi họ khó khăn mà mình không chia sẻ với đối tác thì lúc mình khó khăn, ai sẽ chia sẻ với mình? Khi hợp tác làm ăn thì cả hai bên đều phải có lợi, lợi dụng lúc đối tác khó khăn để "đục nước béo cò" thì văn hóa Việt Nam không như vậy", Thủ tướng phát biểu.

Tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới

Thủ tướng chỉ rõ 4 định hướng lớn với ngoại giao kinh tế thời gian tới.

Thứ nhất, tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại. Trong đó, cần xác định rõ các sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, khả thi với từng đối tác để thúc đẩy triển khai.

Thứ hai, cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (thương mại, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI…).

Thứ ba, khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Cần nghiêm túc rà soát, theo dõi và thúc đẩy quá trình triển khai các cam kết với các đối tác quốc tế.

Thứ tư, đẩy mạnh huy động nguồn lực hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước. Phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới.

Về các biện pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, thứ nhất, tích cực, chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam.

Thứ hai, đôn đốc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã ký kết. Trong quá trình xây dựng báo cáo định kỳ về tình hình triển khai Chỉ thị 15, Nghị quyết 21 về công tác ngoại giao kinh tế, các bộ, ngành, địa phương phải lượng hóa, báo cáo rõ về những kết quả cụ thể đã đạt được, nếu có khó khăn thì phải xác định rõ kiến nghị giải quyết, cấp có thẩm quyền giải quyết.

Thứ ba, củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác như UAE, Trung Đông - Châu Phi, thị trường Halal…

Thứ tư, tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, năng lượng...; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn công tác của các tổ chức doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp….

Thứ năm, tổ chức thiết thực, hiệu quả Diễn đàn Trí thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài cùng với Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài sắp tới để các chuyên gia, trí thức Việt kiều chia sẻ, đóng góp cho những vấn đề về phát triển của đất nước.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế - xã hội; tập trung vào các xu thế mới, xu hướng điều chỉnh chính sách, ưu tiên mới của các đối tác, "những thứ họ cần chứ không phải thứ mình có".

"Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024 với tinh thần: "Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững", Thủ tướng phát biểu.

Theo baochinhphu.vn

Tin tức

Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Diễn đàn Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo Pháp ngữ Franco Tech

Việt Nam - Nhật Bản: Nâng tầm hợp tác hướng tới phát triển bền vững

Việt Nam - Australia: Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Việt Nam đang tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn

Tài nguyên

Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập ngành quản lý đất đai (3/10/1945 - 3/10/2024): Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

Bài 1: Một số ghi nhận về tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, điều tra cơ bản tại các tỉnh, thành ven biển

Diễn đàn về khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên biển và hải đảo Việt Nam năm 2024: ‘Các giải pháp xanh cho kinh tế biển bề vững tại Việt Nam’

Đề xuất xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn

Môi trường

Gỡ vướng trong phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt

Bắc Giang công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đất ở nhiều địa phương

Tiêu hủy đàn hổ chết do dính cúm A/H5N1 ở Đồng Nai

Bắc Ninh: Tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp

Video

Điều chỉnh bảng giá đất phải tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2024/NĐ-CP

Kết quả bước đầu kiểm tra 2 cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức

Bộ TN&MT phổ biến các Nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024

Bộ TN&MT mong muốn được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Luật Đất đai 2024

Khoa học

Đất ô nhiễm thủy ngân: Tính chất, nguồn gốc, ảnh hưởng lên sức khỏe con người và các phương pháp xử lý 

Bộ TN&MT đầu tư xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu của ngành

Vận động quần chúng nhân dân bảo vệ môi trường góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước của lực lượng công an cơ sở

Thực trạng công tác tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Chính sách

Thuận Thành - Bắc Ninh: Có thông báo số 792/TB-TU, chấp thuận phương án cưỡng chế đất phục vụ Khu công nghiệp Thuận Thành III - phân khu B

Thanh Hóa: Rà soát hoạt động tận thu thực hiện dự án chống sạt lở

Vi phạm về môi trường Công ty Dabaco Thanh Hoá bị đề nghị xử phạt hơn 200 triệu đồng

Phân công nhiệm vụ các bộ, địa phương xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Phát triển

Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình

Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á sở hữu Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới

TPHCM: Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt giữ chức Phó Giám đốc Sở TN&MT

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành TT&TT

Diễn đàn

Thời tiết ngày 4/10: Bắc Bộ có sương mù, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa lớn

Lâm nghiệp là lĩnh vực giảm phát thải tốt nhất

Bán tín chỉ Carbon tại Quảng Bình: Lợi ích kép nhưng còn nhiều vướng mắc

Lan tỏa lối sống xanh, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường và an toàn sức khỏe