Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến công tác dự COP28
04/12/2023TN&MTTrưa 3/12 theo giờ địa phương, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn lãnh đạo Việt Nam đã rời Dubai, UAE về Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị COP28.
Sau 5 ngày hoạt động liên tục, hiệu quả, trưa 3/12 theo giờ địa phương,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28, tiến hành một số hoạt động song phương tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Hội nghị COP28 năm nay đã trở thành Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử, với sự tham dự của gần 140 Nguyên thủ và Thủ tướng chính phủ cùng khoảng 97.000 đại biểu đăng ký tham dự.
Qua tham gia và đóng góp của Đoàn, nhất là việc Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới, chủ trì, đồng chủ trì, phát biểu tại các sự kiện đa phương cấp cao, đã truyền tải được những thông điệp lớn về quan điểm, chính sách của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế đề ra trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chuyến công tác cũng là bước triển khai cụ thể Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và những quan điểm chỉ đạo quan trọng trong cuốn sách mới ra mắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Chuyến công tác thể hiện được tầm vóc, vai trò, vị thế của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới. Đoàn Việt Nam đã đề cao với bạn bè quốc tế về trách nhiệm và cam kết của mình trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu. Ảnh: VOV
Thông qua việc nêu bật 12 biện pháp lớn, toàn diện Việt Nam đã triển khai kể từ Hội nghị COP26 nhằm giảm phát thải khí nhà kính đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế; đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đã thu hút sự quan tâm cao và cam kết ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế.
Triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động hết sức đa dạng, phong phú, toàn diện, hiệu quả, tranh thủ tối đa dịp này để gặp gỡ, tiếp xúc nhiều đối tác quốc tế; qua đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước, đồng thời góp phần thúc đẩy giải quyết các quan tâm và lợi ích của ta, tháo gỡ, xử lý một số tồn tại.
Tại các cuộc gặp, các đối tác đều đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói tích cực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Các nước cũng đánh giá cao cam kết và tinh thần “nói là làm” của Việt Nam. Trong nhiều cuộc trao đổi, Việt Nam được nhiều lần nhắc đến như một hình mẫu thành công cần được nhân rộng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều nước khẳng định sẽ hỗ trợ và đồng hành với Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực thích ứng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam và bảo vệ hành tinh chung.
PV (tổng hợp)