Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam
15/05/2024TN&MTThủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương cần kiên trì đề ra các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các chính sách ưu đãi tôn vinh, trọng dụng, khuyến khích họ dấn thân trong khoa học; khuyến khích sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đối với các nhà khoa học cần đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, với những trọng trách lớn, dám hy sinh, chấp nhận rủi ro.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự buổi lễ và phát biểu chỉ đạo
Năm 2024 là năm kỷ niệm 65 Ngày thành lập Bộ KH&CN kể từ khi Ủy ban Khoa học Nhà nước (tiền thân của Bộ KH&CN) được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 04/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể thấy, trong dòng chảy 65 năm, các thành tựu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu của đất nước, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.
Ngày KH&CN Việt Nam được Quốc hội thống nhất thông qua và được ghi trong Luật KH&CN năm 2013. Đây là dịp để tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN, đồng thời nêu cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy sự đam mê sáng tạo của đội ngũ khoa học và công nghệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Đồng thời để các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trình diễn, giới thiệu thành tựu nghiên cứu, sáng tạo KH&CN với công chúng, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách mới về KH&CN, giới thiệu rộng rãi về thành tựu ở trong và ngoài nước…
Theo đó, Lễ chào mừng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ năm nay có chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia".
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng BộThông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh; Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh, cùng đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, tổ chức quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ KH&CN, cùng các bộ, ngành tham quan triển lãm công nghệ
Ảnh: Ngọc Thành
Cùng rất nhiều khách mời là lãnh đạo các địa phương, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà khoa học, cán bộ quản lý KH&CN qua các thời kỳ cùng tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận lại chặng đường 65 năm phấn đấu và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử của Bộ KH&CN. Theo đó, trong những chặng đường qua, pháp luật về KH&CN luôn được quan tâm xây dựng và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn quản lý, có thể kể đến Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, 2013; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; 2017; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đo lường năm 201,...
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã khẳng định, các đạo luật này cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng hoàn thiện, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ hơn cho hoạt động khoa học nghệ và quản lý.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc. Ảnh: Ngọc Thành
Trong gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động KH&CN cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam đến nay đã trở thành ngày hội của tất cả những người làm nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Do vậy, đã có nhiều hoạt động đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo.
Tại buổi lễ kỷ niệm, ở lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã khẳng định, KH&CN đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế chung, trong đó làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, việc gia tăng giá trị nông nghiệp sẽ được tích lũy trên hành trình tri thức, áp dụng KHCN; áp dụng trong phòng thí nghiệm, khởi nguồn từ những câu hỏi đời sống hàng ngày. Ngành nông nghiệp Việt Nam luôn trăn trở là làm sao để nông sản đạt chất lượng cao hơn, tối ưu hóa sản phẩm trên một diện tích, thu nhập đời sống của người nông dân tốt hơn,...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Ngọc Thành
Theo đó, các nhà khoa học nông nghiệp luôn trăn trở về các đề tài, công trình nghiên cứu, tìm hiểu những khó khăn tồn tại trong nông nghiệp, nông thôn để tìm ra những giải pháp mới. Nhiều nhà khoa học nông nghiệp được vinh danh tại giải thưởng Tạ Quang Bửu. Họ tích cực ra đồng, về làng để trò chuyện, trao đổi các nghiên cứu mới với bà con nông dân, giúp khoa học và cuộc sống xích lại gần nhau hơn. Đó là cách tri thức hóa nông dân trong cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ 4.
Để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình với ngành nông nghiệp của đất nước, Bộ NN&PTNT đã kết hợp Bộ KH&CN trong rất nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách,...Dự định trong những năm tới, cả hai Bộ sẽ phát triển cơ chế ghi danh và liên kết công nghệ với nông nghiệp,... giúp kết nối cung và cầu, ghi nhận, lắng nghe phản ánh về các sản phẩm khoa học công nghệ nông nghiệp.
Ông Phan Xuân Dũng nói về vai trò của đội ngũ trí thức. Ảnh: Ngọc Thành
Gắn bó với ngành hơn 40 năm, chứng kiến sự trưởng thành của nền khoa học và công nghệ nước nhà, ông Phan Xuân Dũng ghi nhận đóng góp của ngành trong công cuộc xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt làm rạng danh đất nước, không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới mà còn tạo nên thứ bậc ngày càng cao và có uy tín trên thế giới. Hiện Liên hiệp Hội Việt Nam thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng trên 2,2 triệu trí thức, chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước.
Và để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Phan Xuân Dũng mong muốn các lãnh đạo Bộ tiếp tục tạo điều kiện, tin tưởng và trao cho họ dũng khí dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám hành động hơn nữa.
Đại diện cho nhà khoa học nữ, đã có nhiều thành tích và công trình nghiên cứu, trong đó có những nghiên cứu được vinh danh thế giới, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển sinh học nông nghiệp tiên tiến, trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã dẫn báo cáo tổ chức Liên hiệp quốc, số lượng phụ nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học đang dần tăng lên trên toàn cầu. Nhưng sự tiến bộ này vẫn còn rất hạn chế chỉ có 18% tỷ lệ nhà khoa học nữ giới giữ vai trò lãnh đạo cấp cao ở châu u và chỉ 12% thành viên của các học viện khoa học quốc gia trên toàn cầu là phụ nữ. Tại Việt Nam, số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày một tăng, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình.
Để tạo điều kiện hơn nữa cho phụ nữ Việt Nam tham gia và đam mê với nghiên cứu khoa học, PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân mong muốn lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ ban ngành sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thông qua những chính sách, cơ chế thúc đẩy khuyến khích lĩnh vực khoa học và công nghệ nguồn nhân lực đội ngũ trí thức, nhà khoa học nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng.
PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân đề nghị, thời gian tới có quỹ khoa học công nghệ dành cho các nhà khoa học nữ hay các cơ chế chính sách ưu tiên trong các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm của quốc gia để tạo điều kiện nhà khoa học nữ phát huy năng lực, tri thức.
PGS Hồ Thanh Vân phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Ngọc Thành
Cũng tại buổi lễ có rất nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, khối doanh nghiệp ứng dụng khoa học cũng tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến vì sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
Phần cuối buổi lễ là màn vinh danh hai nhà khoa học được Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024, cả khán phòng đồng loạt vỗ tay khi tên PGS.TS Trần Mạnh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Thanh được xướng lên. Hai nhà khoa học được tôn vinh vì có nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực hoá học và vật lý.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sự kiện kỷ niệm có ý nghĩa đặc biệt. Thủ tướng chúc mừng hai nhà khoa học được giải, cho rằng đây là những tấm gương của các nhà khoa học thể hiện sự cống hiến, đam mê, hy sinh và trân trọng đối với khoa học. Đây cũng là dịp nhìn lại sự hình thành và phát triển của ngành khoa học, tri ân sự cống hiến của bao thế hệ nhà khoa học cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng trong mỗi giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Theo đó, khoa học và công nghệ hiện diện trong các công trình lớn của quốc gia như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La hay Lai Châu... "đều là nhờ các nhà khoa học dám dấn thân thực hiện cùng sự đóng góp của nhiều người". Vừa qua, Việt Nam tự thực hiện làm cầu Mỹ Thuận 2 từ khâu thực hiện, giám sát và có được cây cầu to, đẹp, rẻ và tiết kiệm thời gian hơn. Tất cả đều nhờ khoa học giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sự quyết tâm của các nhà khoa học, sự quản lý của các lãnh đạo giúp họ biến cái không thể thành có thể và biến khó thành dễ,..
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc nhở, kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cũng có sự đóng góp của khoa học công nghệ nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, giúp hòa nhập quốc tế. Nhìn lại quá trình phát triển của đất nước, 5 bài học được rút ra là kiên trì, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng. Các bài học kinh nghiệm rút ra đều có sự đóng góp của các nhà khoa học, xã hội và nhân văn.
Ghi nhận ngành khoa học, công nghệ đạt nhiều thành quả, Thủ tướng đã chỉ ra những hạn chế "nhận thức về khoa học chưa đầy đủ, nhất là khoa học xã hội và nhân văn, sự phát triển chưa tương xứng với tầm vóc; cơ chế quản lý còn chưa phù hợp, chưa có cơ chế xứng đáng giữ chân nhân tài...". Bên cạnh đó, đầu tư còn hạn hẹp, thị trường khoa học công nghệ phát triển còn chậm; cơ chế thương mại hóa còn hạn chế...
Thủ tướng mong các nhà khoa học chủ động đề xuất thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực với các cơ quan nhà nước để có nguồn lực thực hiện nghiên cứu. Các cơ quan ban ngành cần có cơ chế chính sách, hạ tầng chiến lược thông suốt, quản trị thông minh, đổi mới sáng tạo là nền tảng.
Thủ tướng cho rằng, nếu tài nguyên thiên nhiên hữu hạn thì khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là vô hạn. Phát triển nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy tăng trưởng, có ý nghĩa sống còn để bứt phá. Do đó, cần xây dựng cơ chế phát triển khoa học công nghệ, đầu tư thích đáng cho hạ tầng khoa học; nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt chú ý đến nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ, những người ở vùng sâu vùng xa; tăng cường thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương cần kiên trì đề ra các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các chính sách ưu đãi tôn vinh, trọng dụng, khuyến khích họ dấn thân trong khoa học; khuyến khích sự đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đối với các nhà khoa học cần đặt lợi ích của quốc gia lên trên hết, với những trọng trách lớn, dám hy sinh, chấp nhận rủi ro.
Kết thúc buổi lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là định hướng quan trọng với sự phát triển của ngành Khoa học và Công nghệ trong thời gian tới. Bộ trưởng gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng vì đã đánh giá cao, ghi nhận vai trò của KH&CN trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN sẽ quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng với 6 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và khắc phục những yếu kém của ngành.
Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ KH&CN tổ chức chuỗi các hoạt động: Triển lãm: Con đường 65 năm đổi mới; sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; 10 năm Giải thưởng Tạ Quang Bửu; gian hàng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam; Kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN; Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024; Lễ trao Giải thưởng báo chí về KH&CN 2023; Hội nghị các nhà khoa học trẻ và Lễ trao Giải cuộc thi sáng kiến khoa học năm 2024.
Diệp Anh
Nguồn ảnh: Ngọc Thành