Thế giới vứt bỏ 3 triệu khẩu trang y tế mỗi phút: Một núi rác tích tụ thành quả bom nổ chậm gây ra thảm họa môi trường
23/02/2022TN&MTKhẩu trang y tế đã trở thành một biểu tượng trong thời kỳ dịch bệnh. Nhưng kể từ khi những thành phố đầu tiên trên thế giới bước vào phong tỏa, giới chuyên gia đã nhìn thấy một viễn cảnh khác, nơi khẩu trang trở thành một thảm họa cho môi trường.
Sự cần thiết của khẩu trang để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là không thể chối cãi. Nhưng với bản chất "chỉ dùng một lần", nó đồng nghĩa với việc lượng khẩu trang y tế thải bỏ cũng là rất nhiều. Báo cáo trên Science Daily cho biết, ước tính cả thế giới sử dụng khoảng 129 tỉ chiếc khẩu trang mỗi tháng - tương đương tầm 3 triệu chiếc mỗi phút. Khẩu trang đã sử dụng vì thế xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ vỉa hè chốn đô thị cho đến hang cùng ngõ hẻm, lên cả Internet. Chúng trôi dạt vào bờ biển đảo Soko tại Hong Kong, cho đến ngoài khơi vùng biển của nước Pháp.
Giới khoa học đã cảnh báo về cơn sóng thần "rác khẩu trang" này ngay từ đầu. Họ sớm thấy được sự ảnh hưởng nghiêm trọng của chúng đến hệ sinh thái nếu lọt ra ngoài môi trường. Chẳng hạn, những chiếc quai bằng cao su trên khẩu trang sẽ khiến rùa, chim chóc và nhiều loài vật khác mắc kẹt. Cá có thể nhấm nháp các sợi nhựa từ khẩu trang. Và ngay cả sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng, một khi khẩu trang bắt đầu phân hủy.
Thế giới vứt bỏ 3 triệu khẩu trang y tế mỗi phút: Một núi rác tích tụ thành quả bom nổ chậm gây ra thảm họa môi trường - Ảnh 1.
2 năm trôi qua, chính phủ các nước buộc phải đối mặt với một vấn đề mới: Làm sao để giữ an toàn cho cộng đồng trước virus mà tránh gây ra thảm họa cho môi trường? Nhưng thay vì làm theo lời cảnh báo của giới chuyên gia và chấp nhận đầu tư vào thế hệ khẩu trang dễ phân hủy sinh học, đa số đều chọn cách lờ đi.
Thảm họa ở cấp độ tế bào
Tháng 12/2021, một nghiên cứu cho biết lượng khẩu trang bị vứt bỏ tại Anh đã tăng đến 9000% trong vòng 7 tháng đầu đại dịch. Và khi các biến thể dễ lây nhiễm như Delta hay Omicron xuất hiện, người dân chuyển sang sử dụng các loại khẩu trang an toàn hơn như KN95 hay N95 (cũng là loại dùng 1 lần) và bỏ qua khẩu trang vải, rõ ràng là sẽ có thêm nhiều rác khẩu trang nữa xuất hiện trong những tháng kế tiếp.
Bước vào năm Covid thứ 3, giới khoa học không chỉ lo ngại về việc khẩu trang sẽ làm ô nhiễm nguồn nước mà còn đề cập đến những mối lo mới. Sarper Sarp, giáo sư ngành kỹ thuật hóa tại ĐH Swansea (xứ Wales) đã thực hiện một nghiên cứu về mức độ ô nhiễm của 9 loại khẩu trang dùng 1 lần. Sau khi ngâm chúng vào nước, Sarp nhận thấy tất cả đều thải ra hạt nhựa với kích cỡ từ micro đến nano.
Mỗi phút, có 3 triệu khẩu trang bị vứt bỏ trên toàn cầu
Ngoài ra, đội nghiên cứu của Sarp còn phát hiện khẩu trang thải ra các hạt phân tử nano silicon và kim loại nặng - như chì, đồng, cadmium và thậm chí là cả arsenic (thạch tín). Sarp cho biết ông đã rất sốc với số lượng hạt mà khẩu trang thải ra - mỗi chiếc tung ra tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phân tử độc hại, với tiềm năng gây rối loạn chuỗi thức ăn dưới đại dương và làm ô nhiễm nguồn nước uống của con người.
Trong đó, sự tồn tại của các hạt nano silicon là điều đáng ngại. Silicon là vật liệu phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dễ khử trùng và bảo quản. "Nhưng ở kích cỡ nano thì khác," - Sarp nhận xét.
Các hạt vi nhựa (microplastic) có thể xuất hiện ở bất kỳ loại nhựa dùng 1 lần nào - từ chai nhựa cho đến túi nylon. Dù có thể lọt vào cơ thể người, nhưng Sarp cho rằng các hạt vi nhựa có thể được lọc bỏ phần lớn qua hệ tiêu hóa và phổi của chúng ta. Nhưng ở cấp độ nano, chúng sẽ xuyên được qua thành tế bào và tấn công vào ADN, gây ảnh hưởng đến các dạng sống ở cấp tế bào.
Theo kenh14.vn