Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời quy định Luật Đất đai năm 2024
20/11/2024TN&MTỦy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có ý kiến chỉ đạo về tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Việc chỉ đạo này nhằm đảm bảo kịp thời triển khai những quy định của Luật Đất đai năm 2024; Nghị định 101/2024 về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định 102/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024. Đồng thời, hạn chế gây xáo trộn trong công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Chủ động và thận trọng trong triển khai Luật đất đai 2024 và các quy định liên quan
Theo Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, sau khi Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua, điều chỉnh thời gian có hiệu lực (từ ngày 1/8/2024), UBND Thành phố đã có Kế hoạch số 1754 ngày 21/5/2024 để triển khai đồng bộ, kịp thời trên toàn địa bàn. Các đơn vị liên quan đã chủ động thông tin những điểm mới, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân được quy định,… đặc biệt những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 có tác đông lớn đến người dân thành phố như là có quy định chi tiết việc tách thửa, hợp thửa; hạn mức công nhận đất ở, giá đất. Trước những vấn đề này, Thành phố đã làm hết sức thận trọng. Thành phố đã tổ chức các hội nghị lắng nghe tiếp thu các ý kiến. Đối với vấn đề giá đất, Sở TN&MT đã trình Hội đồng thẩm định Bảng giá đất Thành phố vào ngày 30/7/2024. Sau khi Hội đồng thẩm định thông qua, Sở đã tiếp thu, hoàn chỉnh, trình Sở Tư pháp thẩm định để UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định.
Liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng chí Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ, theo Luật Đất đai năm 2024, cá nhân, hộ gia đình được giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 đến nay không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều 140 Luật Đất đai năm 2024. Các trường hợp sử dụng đất sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2014 do được giao đất không đúng thẩm quyền khi cấp Giấy chứng nhận phải phù hợp quy hoạch. Đối với trường hợp có nhà tạm trước thời điểm 01/7/2006 đang không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 148. Đối với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, theo Khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai năm 2024, thì việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân chỉ căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà không cần phải đăng ký vào Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đây là công tác đã và đang được chính quyền Thành phố hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để các cơ quan liên quan kịp thời triển khai nhanh chóng, nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Ngoài việc vừa phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu vực giải tỏa (phải có nguồn nhà tái định cư trước để người dân lựa chọn), hạn chế thấp nhất khiếu nại, tố cáo của người dân, công tác tái định cư còn thể hiện quyết tâm chính trị, trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền Thành phố đối với người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, theo khoản 6 Điều 91 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất”.
Để chuẩn bị tốt cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành, các đơn vị liên quan tổ chức rà soát nhu cầu phát sinh tăng vốn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi áp dụng quy định (sau ngày 1/8/2024).
Đảm bảo được quyền lợi, nghĩa vụ của người dân
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, TP. Hồ Chí Minh hết sức chủ động tổ chức triển khai Luật Đất đai năm 2024 trên tinh thần bảo quyền, nghĩa vụ của người dân. Thành phố xác định, khi tổ chức triển khai luôn luôn có sự lắng nghe và có sự điều chỉnh, tham mưu ban hành kịp thời trong quá trình triển khai. Đến nay, ngoài luật, các nghị định, thông tư, Thành phố ban hành 14 văn bản dưới Luật, trong đó 13 văn bản thuộc quyền của UBND Thành phố và 1 văn bản thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố. Các bước thực hiện vừa qua đã theo đúng các trình tự, thủ tục trong ban hành có văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến để triển khai, có nhiều nội dung thời gian qua, nhất điều chỉnh bảng giá đất của Thành phố được người dân và doanh nghiệp quan tâm,…
Để ban xây dựng, triển khai kịp thời Luật và các quy định liên quan, trong quá trình TP. Hồ Chí Minh tham gia, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2024 có sự đóng góp rộng rãi các tầng lớp nhân dân các tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, hiệp hội,... giúp Thành phố có tổng hợp, kiến nghị sát với thực tiễn của Thành phố. Quá trình ban hành, thể hiện sự thống nhất, khả thi và phù hợp yêu cầu thực tiễn và sự cần thiết triển khai Luật Đất đai năm 2024 để giải phóng nguồn lực đất đai Thành phố, tạo thêm động lực mới trong quá trình phát triển cũng như tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng bộ phục vụ cho nhân dân, doanh nghiệp.
Đối với một số nội dung cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới như: bồi thường, tái định cư; việc tách thửa, hợp thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và tài sản trên đất; nhóm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai,... Thành phố tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giải đáp đảm bảo mục tiêu phù hợp các quy định Luật Đất đai năm 2024, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương trong quá trình triển khai và tháo gỡ các vấn đề phát sinh. Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND Thành phố trình Thường trực HĐND Thành phố xem xét chấp thuận đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Trên tinh thần nhanh chóng đưa Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống, TP. Hồ Chí Minh thống nhất chủ trương thực hiện văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với các văn bản quy định chi tiết triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 do Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Sở Lao động TB&XH thực hiện.
Sở TN&MT có nhiệm vụ tham mưu, trình UBND Thành phố điều chỉnh Quyết định số 1754/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 trên địa bàn, điều chỉnh lại thời gian thực hiện phù hợp và chủ trì soạn thảo một số nội dung liên quan theo thẩm quyền. Ngoài ra, Văn phòng UBND Thành phố tham mưu nội dung kiến nghị của Sở TN&MT liên quan đến Nghị quyết của HĐND quy định chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
HUYỀN THANH
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 17 (Kỳ 1 tháng 9) năm 2024