
Thanh Hóa: Quá trình thi công Dự án nạo vét sông Hoạt tồn tại nhiều bất cập
06/06/2023TN&MTQuá trình thi công Dự án nạo vét sông Hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã bộc lộ nhiều bất cập về môi trường, nạo vét vượt quá độ sâu cho phép. Trước sự việc này, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp kiểm tra thực tế, chỉ đạo khắc phục.
Trong quá trình triển khai dự án, hoạt động thi công nạo vét đã bộc lộ nhiều bất cập
Ngày 25/9/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 11541/UBND-NN về việc chấp thuận phương án nạo vét sông Hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Hà Trung. Cụ thể, giao Công ty TNHH Bắc Giang (nhà đầu tư) tự bỏ vốn thực hiện phương án và được thu hồi đất để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất gạch nung, với các nội dung chính gồm:
Mục tiêu của phương án: Nạo vét lòng sông Hoạt phục vụ công tác tiêu thoát lũ, tạo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Phạm vi nạo vét: Nạo vét lòng sông từ K0+242 (xã Hà Tiến) đến K6+963 (xã Hà Bắc). Chiều rộng nạo vét từ (60 -140 m), phạm vi nạo vét cách chân đê từ (50 - 75) m; chiều sâu nạo vét từ (0,6 - 2,25) m. Mỗi đợt thi công đều được đắp đê quai dẫn dòng và đường thi công, đảm bảo vừa thi công vừa phục vụ tạo nguồn nước tưới và tiêu úng.
Bùn, đất đỏ quạch trên tỉnh lộ 523 và tường rào nhà dân
Đào đất và thi công các đê quai bằng máy xúc đào 1,6 m3, máy ủi 110CV, máy đầm 25 tấn, vận chuyển bằng ô tô 10 tấn. Khối lượng đất bùn hữu cơ: 148.737 m3; khối lượng đất đào thu hồi phục vụ sản xuất gạch nung: 564.0836 m3. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021 (vào mùa khô hàng năm).
Sau 3 năm chậm tiến độ, ngày 8/6/2020 UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 7349/UBND-NN để điều chỉnh phương án nạo vét sông Hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện Hà Trung. Cụ thể, gia hạn thời gian đến hết năm 2024, cho phép triển khai thi công đồng loạt đoạn từ K1+987-K2+068,5 (phía thượng lưu của tuyến nạo vét) thuộc địa phận xã Hà Tiến. Khối lượng chính: Khối lượng đất bùn hữu cơ là 128.265 m³; khối lượng đất đào thu hồi phục vụ sản xuất gạch nung là 468.625 m³.
Đơn vị thực hiện nạo vét vượt quá độ sâu cho phép
Trong quá trình triển khai dự án, hoạt động thi công nạo vét đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế khiến dư luận quan tâm như: Mật độ xe ra vào nhiều đã để vương vãi bùn, đất, khiến một đoạn đường tỉnh lộ 523 đỏ quạch, tường rào nhà dân bị bụi bám dày đặc, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, trong thời điểm thực hiện dự án, dù chỉ được vận chuyển bằng ô tô 10 tấn, nhưng đơn vị đã sử dụng nhiều xe có trọng tải lớn để vận chuyển đất từ vị trí nạo vét tới nhà máy gạch của Công ty TNHH Bắc Giang đóng trên địa bàn huyện Hà Trung.
Đáng chú ý, tại khu vực thực hiện dự án, nhiều vị trí nạo vét có dấu hiệu vượt quá độ sâu cho phép trong phương án đã được phê duyệt, hầu như chỉ tập trung thu hồi nguyên liệu đất đào phục vụ sản xuất gạch. Điều này là hoàn toàn có sơ sở, bởi ngày 28/4/2023, Đoàn kiểm tra của huyện Hà Trung đã tiến hành kiểm tra thực hiện phương án nạo vét lòng sông Hoạt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại biên bản hiện trường nêu rõ: Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị đang thi công ô số 13-14 (cọc số 9-10), có 2 máy đào tập trung đào phạm vi diện tích khoảng 2.000m2. Chiều sâu nạo vét phạm vi (2.000m2) trung bình từ 4,2 - 4,7 m (trong phương án 0,6 - 2,25m). Phần diện tích xung quanh đã bóc hữu cơ khoảng 01m. Đề nghị đơn vị thi công tuân thủ quy định chiều sâu nạo vét đã được phê duyệt.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa (người đứng giữa, đội mũ cối xanh) kiểm tra những bất cập tại Dự án nạo vét sông Hoạt, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Hà Trung cho biết: Dự án nạo vét sông Hoạt, xã Hà Tiến do Công ty TNHH Bắc Giang làm chủ đầu tư, đơn vị tự bỏ vốn để thực hiện. Qua kiểm tra, đơn vị thi công có nạo vét độ sâu hơn 4,2m. Chúng tôi đã yêu cầu Công ty phải nghiêm túc thực hiện đúng theo phương án thiết kế đã được phê duyệt.
Trước sự việc trên, ngày 2/6/2023, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã trực tiếp kiểm tra Dự án nạo vét sông Hoạt tại xã Hà Tiến, huyện Trung. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Việc thực hiện Dự án nạo vét sông Hoạt là cần thiết để đảm bảo tiêu thoát lũ, tăng khả năng tích nước chống hạn. Vì vậy, trong quá trình thi công, công ty phải đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu, phải tuyệt đối chấp hành các quy định của pháp luật, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường, người dân ở mức thấp nhất, thi công đến đâu phải sạch sẽ, gọn gàng đến đấy, đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong vấn đề tai nạn đuối nước.
Khối lượng đất đào thu hồi phục vụ sản xuất gạch nung lên tới 468.625 m³
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa kết luận: Những phản ánh của dư luận về quá trình thi công Dự án còn tồn tại bất cập về xe quá tải, ô nhiễm môi trường, nạo vét vượt quá độ sâu cơ bản là đúng thực tế. Yêu cầu công ty phải nghiêm túc chấp hành thi công theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, nếu có vướng mắc phải báo cáo Sở để điều chỉnh phương án. Đối với khối lượng đất đào vượt quá độ sâu, yêu cầu công ty làm việc cơ quan chức năng để thực hiện nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Đề nghị UBND huyện Hà Trung theo dõi giám sát quá trình thi công, nếu phát hiện vi phạm phải báo cáo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Thanh Hóa. Kiên quyết dừng thi công, xử lý theo quy định của pháp luật nếu Công ty không chấp hành, để xảy ra sai phạm.
Tại khoản 4, Điều 37, Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định: Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,1 hà đến dưới 0,5 ha; vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao) từ 01 m đến dưới 02 m trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên cụ thể như sau:
a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;
b) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
c) Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hoàng Anh - Sỹ Tùng