Thanh Hóa: Phát triển ngành công nghiệp không khói từ tài nguyên rừng
25/10/2024TN&MTRừng được ví như những “lá phổi xanh khổng lồ” có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ vào năng lực hấp thụ lượng lớn khí thải CO2 và vật chất gây ô nhiễm không khí, đồng thời cung cấp ra môi trường lượng lớn khí oxy giúp làm giảm sự ấm lên của Trái Đất. Bên cạnh đó rừng còn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn và lưu giữ nước mưa, điều hòa dòng chảy của lớp thảm thực vật góp phần làm giảm thiểu nguy cơ sói mòn và rửa trôi làm bạc màu tài nguyên đất và sạt lở. Bên cạnh đó còn thúc đẩy phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với việc bảo vệ phát triển rừng, giúp nhiều bà con nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho khu vực miền núi.
Phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với việc bảo vệ phát triển rừng
Thanh Hoá nằm trong danh sách 5 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước sở hữu hơn 648 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp có hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú, là nơi tập trung và phân bố của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Vì vậy việc bảo tồn, phục hồi, nâng cao diện tích và chất lượng rừng, đang được các cấp ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm, đặc biệt là ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt, sạt lở đất.
Những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với việc bảo vệ phát triển rừng, giúp nhiều bà con nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho khu vực miền núi. Trong đó phải kể đến Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tại huyện Bá Thước. Năm 2002, Dự án bảo tồn đa dạng sinh học Pù Luông - Cúc Phương do Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế FFI đã hỗ trợ cho các hộ dân của 10 bản thuộc vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông làm du lịch. Đến nay, huyện Bá Thước đã có hơn 100 cơ sở lưu trú, trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng, tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng.
Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến với Bá Thước ngày một tăng. Đến tháng 9/2024, tổng số khách du lịch đạt hơn 259 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế đạt gần 50 nghìn lượt. Doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 560 tỷ đồng.
Chị Lò Thị Hoài, (chủ homestay tại bản Báng, xã Thành Sơn), tổ trưởng tổ du lịch cộng đồng xã Thành Sơn cho biết: “Dựa vào rừng để làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái giúp bà con dân bản nâng cao nhận thức, thu nhập. Nhiều thanh niên trong làng không còn phải bỏ xứ đi làm ăn xa, thay vào đó, họ được làm việc tại các điểm lưu trú. Các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt của bà con có đầu ra ổn định, nhiều gia đình trong bản đã thoát nghèo".
Ẩm thực đồng bào dân tộc ở Pù Luông
Ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có Vườn quốc gia Bến En và một phần Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên gồm Xuân Liên, Pù Hu, hai khu bảo tồn loài Nam Động, Sến Tam Quy, 8 ban quản lý rừng phòng hộ và 11 khu bảo tồn danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Mỗi cánh rừng ở các địa phương đều có những thế mạnh riêng để phát để phát triển du lịch.
Theo số liệu thống kê từ ngành lâm nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 30 khu du lịch sinh thái, đặc biệt một số nơi đã khai thác, thu hút đông đảo khách du lịch như Vườn quốc gia Bến En mỗi năm đón khoảng 30 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu trên 1 tỷ đồng. Các Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu, Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh, Hàm Rồng - Núi Đọ, Trường Lệ, An Tiêm, Di tích lịch sử Lam Kinh, rừng Sến Tam Quy và các khu, điểm du lịch sinh thái tại các huyện miền núi mỗi năm cũng đón hàng nghìn lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm...
Theo ông Trịnh Quang Tuấn - Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết: Để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát triển, bảo vệ rừng, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện chính sách quản lý và khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, những năm qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương, các ban quản lý rừng, chủ rừng Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, giữ vững cảnh quan môi trường, bảo đảm và nâng cao tính đa dạng sinh học đến đông đảo người dân và khách du lịch.
Kiều Vượng