Thanh Hóa: Phát động hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân huỷ
31/08/2024TN&MTSáng 30/8/2024, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa tổ chức phát động phong trào hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt. Lễ phát động nhằm kêu gọi mọi người dân, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, cùng chung tay hành động đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa.
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường và con số này vẫn đang ngày càng gia tăng, đe doạ nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khoẻ của con người và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Những đặc tính của rác thải nhựa là bền, khó phân hủy đã và đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu; nếu không có các giải pháp đồng bộ, kịp thời thì những tác động tiêu cực sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, khôn lường.
Tại Thanh Hóa, trung bình 1 ngày người dân thải ra môi trường khoảng 345 tấn rác thải từ nhựa (tương đương 0,1kg/người), trong đó, chỉ khoảng 2,2% rác thải được tái chế. Lượng chất thải này ngày càng khó kiểm soát, có chiều hướng gia tăng theo sự phát triển của kinh tế - xã hội. Mặc dù, thời gian qua, công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai thực hiện cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác quản lý rác thải nhựa nhựa nhằm giảm tác động xấu đến môi trường vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Phát biểu tại buổi Lễ ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa kêu gọi các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp quản lý, khai thác các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cùng chung tay hành động đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa. Bên cạnh đó ông Lê Trọng Hân cũng nhấn mạnh: Để góp phần đẩy lùi ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa rất cần có sự chung tay của tất cả các đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại, hệ lụy của rác thải nhựa đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Để từ đó, người dân thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, chuyển sang dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng.
Ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi lễ
Cùng với đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế và tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân hủy do đơn vị mình quản lý; khuyến khích người tiêu dùng mang túi, bao gói khi mua sắm hàng hóa; không cấp phát miễn phí túi ni lông cho khách hàng.
Đối với các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp liên quan đến sản phẩm nhựa cần cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, ưu tiên sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; dần loại bỏ các sản phẩm hoặc bao bì nhựa không thực sự cần thiết bằng cách đổi mới mô hình kinh doanh từ sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần sang sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng. Cung cấp các thông tin về độ bền của sản phẩm một cách minh bạch và đáng tin cậy đến người tiêu dùng.
Liên quan đến nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa thải ra, gây ra ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm gần đây chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990 lên 41 kg/năm/người vào năm 2015 và hiện nay khoảng 54 kg/năm/người. Việc tiêu thụ nhựa ngày càng nhiều dẫn đến gia tăng chất thải nhựa, tăng nguy cơ ô nhiễm trắng (là ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và túi ni lông gây ra), tăng sức ép tới hệ thống quản lý môi trường nếu không được quản lý hiệu quả, khoa học.
Các đại biểu tham gia buổi lễ
Nhận thức rõ tác hại của chất thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, tham gia nhiều diễn đàn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế thể hiện sự chủ động và khẳng định quyết tâm giảm thiểu rác thải nhựa. Cụ thể ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa...
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký ban hành Quyết định số 538/QĐ-BTNMT ngày 7 tháng 3 năm 2024 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động thực hiện nhiệm vụ 'Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP) và tham gia các diễn đàn quốc tế về rác thải nhựa năm 2024'.
Kế hoạch nhằm mục đích tăng cường vai trò điều phối của cơ quan đầu mối Chương trình NPAP nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong bối cảnh chuyển giao và tăng cường vai trò của cơ quan chủ quản ở quốc gia hướng đến phát triển bền vững và hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan.
Hỗ trợ và tăng cường hiệu quả hoạt động của các nhóm kỹ thuật được thành lập trong khuôn khổ Chương trình NPAP dựa trên 6 trụ cột chính bao gồm: đổi mới sáng tạo, tài chính, chính sách, bình đẳng giới và phát triển bao trùm, truyền thông và nâng cao nhận thức.
Đảm bảo việc phối hợp với các đối tác xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu thông qua các hội thảo tham vấn, các sự kiện bên lề tại những phiên đàm phán liên chính phủ, thể hiện quyết tâm trong vấn đề giảm thiểu chất thải nhựa thông qua cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn; những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp tích cực của các bên liên quan trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cùng hướng tới một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (dự kiến thông qua vào năm 2024).
Đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường trên phạm vi toàn cầu, đồng thời thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thường trực Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, có trách nhiệm chủ trì đàm phán và tiến tới thực thi Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sau khi được thông qua.
Kiều Vượng