Thanh Hóa: Khai thác khoáng sản vượt mốc giới Công ty CP Đại Lâm bị phạt nặng
30/05/2024TN&MTVới hành vi khai thác khoáng sản vượt ra ngoài mốc giới với diện tích khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản Công ty CP Đại Lâm bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt 170 triệu đồng và truy thu hơn 76 triệu đồng số tiền thu lợi bất hợp pháp từ các hành vi vi phạm nêu trên.
Ngày 29/05/2024 UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 2194/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đại Lâm có trụ sở chính: Thôn Trường Thanh, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa vì hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản.
Công ty CP Đại Lâm bị xử phạt và truy thu 246 triệu đồng (ảnh minh họa)
Theo quyết định xử phạt, Công ty CP Đại Lâm đã có hành vi vi phạm hành chính vì đã khai thác khoáng sản là mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Trường Lâm và xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,5 ha đến dưới 01 ha (vượt 9.022,9 m2).
Hành vi trên đã vi phạm quy định tại: Điểm b, khoản 5 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 2 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo báo cáo và đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 720/TTr-STNMT ngày 02/5/2024 và Tờ trình số 845/TTr-STNMT ngày 19/5/2024, kèm theo Biên bản vi phạm hành chính số 14/BB-VPHC ngày 24/4/2024 UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định xử phạt Công ty CP Đại Lâm 170.000.000 đồng mức phạt Không thuộc trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần (quy định tại khoản 9, Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP).
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa còn buộc Công ty CP Đại Lâm thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn (quy định tại điểm a, khoản 10 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP). Công ty CP Đại Lâm còn phải chi trả kinh phí đo đạc cho Đoàn Mỏ - Địa chất Thanh Hóa theo quy định tại điểm c, khoản 10 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP)
Đồng thời, buộc Công ty CP Đại Lâm nộp số lợi bất hợp pháp do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm theo quy định tại điểm b, khoản 10 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP là 76.394.500 đồng (do đơn vị xác định tại Báo cáo số 19/BC-ĐL ngày 22/4/2024).
Quyết định số 2194/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đại Lâm
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn về việc xác định khối lượng khai thác ra ngoài, chi phí trực tiếp cho việc khai thác, nên chưa đủ cơ sở để xác định số lợi bất hợp pháp; do đó số tiền 76.394.500 đồng là tạm thu, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường có đủ cơ sở xác định sẽ lập hồ sơ truy thu (nếu số lợi bất hợp pháp được xác định lớn hơn 76.394.500 đồng).
Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do Công ty cổ phần Đại Lâm chi trả. Tổng số tiền Công ty cổ phần Đại Lâm phải nộp vào ngân sách nhà nước là 246.394.500 đồng (Hai trăm bốn mươi sáu triệu, ba trăm chín tư nghìn, năm trăm đồng).
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến các hoạt động khai thác khoáng sản xảy ra trên địa bàn.
Cụ thể, Quyết định 898/QĐ - XPHC xử phạt đối với Công ty CP Công nghệ mỏ Thanh Hóa địa chỉ tại phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, số tiền 500 triệu đồng. Do công ty này khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm, nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 126/GP-UBND ngày 03/4/2017 từ 100% trở lên. Cụ thể, năm 2022, Công ty Công nghệ mỏ Thanh Hóa khai thác vượt công suất 321%, năm 2023 vượt 80,6%; trung bình trong 2 năm vượt 200,8%.
Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn, địa chỉ tại số 45 phố Cao Sơn, phường An Hưng, thành phố Thanh Hoá, bị UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 658/QĐ - XPHC xử phạt hành chính với số tiền xử phạt là 350 triệu đồng. Công ty này đã khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 1 ha đến dưới 1,5 ha (vượt 14.108 m2). Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 11,25 tháng, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, buộc cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.
Tương tự UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 715/QĐ - XPHC về xử phạt hành chính 170 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tùng Lâm địa chỉ tại thôn Lương Điền, xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, vì công ty đã khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,5 ha đến dưới 01 ha (vượt 9.582,6m2). Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa buộc Công ty TNHH Tùng Lâm thực hiện giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.
Cùng với các hành vi trên UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 761/QĐ - XPHC xử phạt vi phạm đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hưng Hào địa chỉ tại phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, số tiền 150 triệu đồng. Công ty thực hiện hành vi vi phạm hành chính khi quá từ 6 tháng trở lên kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 803/QĐ - XPHC xử phạt Công ty TNHH Tân Hồng Phúc địa chỉ phố Tân Cộng, phường Đông Tân, thành phố Thanh Hóa số tiền 70 triệu đồng. Công ty này thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, như: chưa xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước mưa; chưa xây dựng bãi thải chứa đất đá thải phát sinh từ quá trình khai thác, chế biến.
Kiều Vượng