Thanh Hóa: Hiệu quả từ bán tín chỉ carbon
27/06/2024TN&MTXác định tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ carbon rừng, Thanh Hóa là 1 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ trong năm 2023 đã chuyển nhượng thành công tín chỉ Carbon rừng thông qua Ngân hàng thế giới để thu về hơn 160 tỉ đồng.
Thanh Hóa hiện có trên 647.437 ha rừng, trong đó trên 393.361 ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng 53,75%, chất lượng rừng ở Thanh Hóa còn khá tốt. Rừng tự nhiên của tỉnh chủ yếu được giao cho các ban quản lý rừng đặc dung phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp, các đồn Biên phòng, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã,… quản lý, bảo vệ.
Để bảo vệ rừng theo hướng bền vững, ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (KNK) vùng Bắc Trung bộ.
Xác định tiềm năng và thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ carbon rừng, Thanh Hóa là số ít tỉnh đã sớm đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham gia dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ (REDD+ là sáng kiến nhằm giảm phát thải KNK thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng carbon rừng.
Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng tại Thanh Hóa
Theo đó, tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải khí nhà kính, giảm suy thoái rừng, tăng cường các hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ trong năm 2023 đã chuyển nhượng thành công tín chỉ Carbon rừng thông qua Ngân hàng thế giới để thu về một nguồn tiền không nhỏ. Từ việc bán tín chỉ Carbon rừng, Thanh Hóa đã thu về 162,5 tỷ đồng. Năm 2023, toàn bộ 393.000 ha rừng tự nhiên tại Thanh Hóa đều đã tham gia thành công vào việc bán tín chỉ Carbon rừng, cho thấy công tác bảo vệ, quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được quan tâm, hiệu quả bởi theo các chuyên gia, tín chỉ Carbon rừng chỉ được tạo ra khi rừng tốt lên, nhiều thêm, rừng không bị suy giảm diện tích hoặc suy thoái về chất lượng.
Với sự quyết tâm của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Quỹ FCPF, giai đoạn 2023-2025, Thanh Hóa được phân bổ từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên hơn 162 tỷ đồng. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải KNK trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Quỹ BV-PTR mở tài khoản để quỹ Trung ương phân bổ theo quy định; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng rà soát diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho việc chi trả giảm phát thải KNK. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục chú trọng phát triển thâm canh rừng trồng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng và phát triển các loại cây lâm nghiệp chủ lực, có lợi thế của từng địa phương.
Ảnh minh họa
Thực hiện Nghị định số 107 tại tỉnh Thanh Hoá có ý nghĩa quan trọng trong việc thực thi cam kết của Việt Nam với Quốc tế về giảm phát thải, gắn với thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hướng tới phát triển rừng bền vững. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định thí điểm của Chính phủ trên địa bàn tỉnh là nguồn lực và cơ hội để Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa bổ sung thêm nguồn lực tài chính quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện đời sống người dân miền núi.
Triển khai Nghị định 107, trong thời gian qua, UBND tỉnh và các Sở, ngành, UBND các huyện, các chủ rừng tại Thanh Hóa đã khẩn trương triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả nhất định như: ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định; Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị triển khai cấp tỉnh; UBND các huyện, các chủ rừng tổ chức đã rà soát diện tích rừng tự nhiên, đối tượng hưởng lợi trình cấp thẩm quyền phê duyệt; Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng tỉnh đã thông qua, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tài chính ERPA năm 2023; Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng tỉnh đã thực hiện giải ngân, chi trả 48,99 tỷ đồng đến các chủ rừng, đối tượng hưởng lợi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, song quá trình thực hiện Nghị định số 107 tại Thanh Hóa vẫn còn vấp phải những vướng mắc, khó khăn. Điển hình như mức chi trả từ ERPA trên địa bàn tỉnh thấp (130.000đ/ha/năm), chi trả đến từng hộ thì lại rất nhỏ; toàn tỉnh hiện còn 847 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn không nhận tiền chi trả với tổng số tiền chi trả đến thời điểm báo cáo là 335,68 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là: chủ rừng đi làm ăn xa, số tiền chi trả cho từng hộ ít, địa bàn đi lại khó khăn nên các hộ không đến nhận tiền, trong đó riêng huyện Mường Lát là 218 triệu đồng/633 hộ, cộng đồng.
Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP quy định nguyên tắc tài chính: Chi phí triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước.
Việc Nghị định số 107 quy định không chồng chéo nguồn với ngân sách nhà nước đang hỗ trợ nguồn khoán bảo vệ rừng của các Chương trình mục tiêu, trong khi đó nguồn thu từ ERPA là nguồn thu dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng được hưởng; mặt khác mức chi trả từ ERPA đang rất thấp cũng cần có thêm nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Ngoài ra, thực hiện Nghị định 107 trong giai đoạn thí điểm từ năm 2023-2025, tuy nhiên kinh phí năm 2023 từ TW chuyển về Quỹ tỉnh vào thời điểm cuối năm. Do đó, kế hoạch năm 2023 của các chủ rừng chưa được phê duyệt chuyển nguồn; mặt khác các biện pháp lâm sinh phải được thực hiện 04 năm (01 năm trồng, 03 năm chăm sóc rừng). Hiện nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ NN&PTNT trình cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thí điểm đến hết năm 2027.
Hoàng Anh