Thanh Hóa: Chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn và xâm nhập mặn
17/03/2022TN&MTTheo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ nay đến giữa tháng 6-2022, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Lưu lượng dòng chảy cơ bản trên các sông chính trong mùa cạn năm 2022 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 đến 40%, có nơi trên 40%. Tại vùng cửa sông ven biển cũng được dự báo chịu ảnh hưởng của thủy triều, xâm nhập mặn so với trung bình nhiều năm và dự báo năm 2022 sẽ có khoảng 55 trạm bơm tưới bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
Trạm bơm Đông Văn, huyện Đông Sơn vận hành bơm tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở dự báo thời tiết, đánh giá mực nước trên hệ thống sông, ngòi so với trung bình nhiều năm, tình hình tích nước tại các hồ chứa, Chi cục Thủy lợi tỉnh nhận định, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 27.000 ha - 32.000 ha có khả năng thiếu nước, tập trung vào thời điểm cuối vụ đông xuân và đầu vụ thu mùa. Trong đó, diện tích có khả năng xảy ra hạn, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng khoảng 13.900 ha - 16.410 ha, tập trung ở các khu vực, như: vùng hồ, đập lớn có nguy cơ thiếu nước từ 5.500 ha đến 7.500 ha; vùng tưới bằng bơm điện từ 4.800 ha đến 6.000 ha; vùng tưới bằng hồ, đập công trình nhỏ miền núi và trung du khoảng 2.800 ha.
Căn cứ vào nhận định cụ thể về những vùng có nguy cơ thiếu nước, chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn của Chi cục Thủy lợi tỉnh, ngay từ đầu vụ đông xuân, ngành nông nghiệp đã cùng với các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn và xâm nhập mặn.
Theo đó, hàng loạt các giải pháp đã và đang được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện, như: Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu tác động của biến đổi khí hậu đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm, tính tất yếu của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vận động người dân tích cực tham gia làm thủy lợi mùa khô, phát dọn kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Theo dõi tình hình khí tượng thủy văn; kiểm tra, nắm chắc tình hình nguồn nước, khu tưới, đánh giá, cân đối khả năng cấp nước của từng công trình đầu mối, có kế hoạch bố trí thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Tăng cường công tác quản lý, vận hành, trữ nước trong các ao, hồ, kênh mương, các trục kênh tiêu. Tổ chức tưới luân phiên trên các cấp kênh trong từng hệ thống, công khai lịch tưới, phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau, nhất là vào thời điểm căng thẳng về nguồn nước.
Để giúp các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã xây dựng các giải pháp cụ thể cho từng vùng tưới. Theo đó, vùng tưới bằng hồ, đập lớn thực hiện điều hòa, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm trên cơ sở kế hoạch tưới được xây dựng chi tiết đến từng tiểu vùng bảo đảm lịch cấp nước cho hệ thống, tránh tình trạng tranh chấp nước trên hệ thống, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí. Điều hòa, bổ sung nguồn nước giữa các công trình, các hệ thống công trình có liên quan, như: bổ sung nguồn nước tưới giữa hệ thống sông Mực và hệ thống Bái Thượng qua kênh N8; sử dụng trạm bơm tưới Trường Minh để tưới cho vùng đuôi kênh Nam hồ Sông Mực, dành nước hồ Sông Mực để cấp cho hồ Yên Mỹ và kênh Bắc. Đối với vùng tưới bằng trạm bơm điện, có phương án vận hành đối với các trạm bơm khó khăn về nguồn nước; đồng thời, tăng cường bơm nước vào giờ thấp điểm, tranh thủ bơm nước trữ vào đồng để tránh tình trạng gây hạn giả tạo vào thời kỳ khô hạn từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 kéo dài đến đầu vụ thu mùa. Đóng mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn, xác định chính xác độ mặn để có kế hoạch lấy nước tưới phù hợp và biện pháp xử lý mặn kịp thời. Cùng với đó, bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm chịu ảnh hưởng của thủy triều, xâm nhập mặn vận hành. Nắm bắt kịp thời lịch vận hành phát điện của các nhà máy thủy điện để chủ động vận hành các trạm bơm trên dòng chính sông Mã bảo đảm lấy, trữ nước phục vụ tưới và chống hạn. Vùng tưới bằng hồ, đập, công trình thủy lợi nhỏ miền núi và trung du thực hiện tưới theo kế hoạch đối với các hồ chứa đã tích đầy nước. Các hồ chứa tích chưa đầy nước cần cân đối, rà soát diện tích tưới để có kế hoạch chuyển đổi sang trồng màu hoặc cây trồng khác sử dụng ít nước.
Căn cứ vào các giải pháp mà Chi cục Thủy lợi tỉnh đã định hướng, các đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã, để bảo đảm nguồn nước tưới cho gần 29.000 ha cho các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn và một phần của TP Thanh Hóa, công ty đã xây dựng phương án tưới cho vụ đông xuân 2021-2022; trong đó, đề ra các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn theo diễn biến cụ thể của thời tiết và có giải pháp riêng cho từng vùng tưới.
Tại Nga Sơn, để chủ động đối phó với tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước tưới cho 6.900 cây trồng vụ đông xuân và hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản, ngay từ đầu vụ huyện đã phối hợp với đơn vị thủy nông thực hiện trữ nước đệm trên các kênh tiêu liên xã, các kênh tiêu nội đồng của các xã để tạo nguồn cho các trạm bơm địa phương và các máy bơm nhỏ tưới cục bộ. Huyện đã tổ chức đắp đập tạm ngăn mặn sông Càn tại cầu Điền Hộ, xã Nga Phú, xây dựng kế hoạch nạo vét kênh mương, tu bổ các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, vớt bèo, vật cản trên các kênh tưới tiêu. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Sông Mã thực hiện đóng âu Báo Văn để ngăn mặn, giữ nước ngọt; đắp đập ngăn sông Càn trên địa bàn xã Nga Điền ngăn mặn và tích trữ nước ngọt hồi quy từ thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và tỉnh Ninh Bình về tưới cho đồng ruộng Nga Sơn.
Theo baothanhhoa.vn