Thanh Hóa: Chính quyền các huyện miền núi tổ chức sơ tán hàng chục hộ dân do sạt lở
23/09/2024TN&MTMưa lớn liên tục khiến nước lũ dâng cao, nhiều huyện miền núi Thanh Hóa xẩy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã phải tiến hành tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ dân.
Mưa lũ gây chia cắt tại xã Mường Chanh, huyện Mường Lát
Theo thông tin từ UBND huyện Mường Lát, Thanh Hóa, từ đêm 21/9, trên địa bàn xã Mường Chanh có mưa lớn, nước từ thượng nguồn biên giới Việt - Lào đổ về, gây ngập lụt một số nơi trên địa bàn. Sáng cùng ngày, tỉnh lộ 521E nối với trung tâm huyện Mường Lát bị ngập. Nhiều đập tràn đi các khu dân cư trên địa bàn xã Mường Chanh bị ngập sâu hơn 2m. Hiện, 8/9 bản của xã biên giới Mường Chanh bị cô lập.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, chính quyền xã Mường Chanh phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, dân quân tự vệ đến các điểm nguy cơ sạt lở, vận động di dời, sơ tán khẩn cấp 18 hộ dân với 69 nhân khẩu sinh sống ven suối Sim đến nhà văn hóa, trạm y tế xã để tránh trú.
Tại huyện Quan Sơn, mưa lũ khiến 21 nhà dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất; xuất hiện vết nứt dài khoảng 300m, rộng 50-70cm phía sau đồi bản Cha Khót, xã Na Mèo, nguy cơ cao ảnh hưởng đến 8 hộ, 34 khẩu.
Nước suối Xim dâng cao gây sạt lở đất, áp sát nhà dân tại xã Mường Chanh (huyện Mường Lát)
Mưa lũ cũng khiến 60m tường rào Trường Tiểu học Sơn Thủy (Quan Sơn) bị sập. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm đổ 3 cột điện cao thế tại bản Trung Sơn, xã Sơn Thủy. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức sơ tán 1 xưởng sơ chế tăm tại bản Trung Sơn, xã Sơn Thủy,…
Về giao thông, mưa lũ cũng gây sạt lở tại km192+400, quốc lộ 217 bị sạt lở với khối lượng khoảng 50 m3 đất; tuyến đường Sơn Hà - Tam Lư - Tam Thanh ở đầu bản Sại bị sạt lở; đường nối từ QL 217 đi bản Ngàm tiếp tục sụt, sạt lở; ngầm tràn bản Hát, xã Tam Lư bị ngập; ngầm tràn đi bản Xa Mang, bản Bun, bản Na Hồ, xã Sơn Điện bị ngập,... hiện tại người và phương tiện chưa lưu thông được.
Tại huyện Bá Thước, đến 17h ngày 22/9, toàn huyện có 11 điểm tràn bị ngập thuộc tại các xã: Ban Công, Thiết Kế, Cổ Lũng, Lương Trung, Hạ Trung, Lương Nội, Lương Ngoại, Lũng Cao, Điền Trung, Điền Quang và Điền Trung. Đặc biệt, tại thôn Rầm Tám, xã Điền Trung, nước sông dâng cao làm ngập và chia cắt thôn Rầm Tám với khoảng 60 hộ/200 nhân khẩu.
Hiện tại, 14 hộ/55 nhân khẩu tại thôn Khung, xã Thiết Kế; thôn Tân Thành, xã Thành Lâm; thôn Nủa, xã Lũng Cao; thôn Né, xã Đền Hạ và thôn Quang Trung, xã Lương Trung đã sơ tán đến nơi ở an toàn do nguy cơ sạt lở đất, đá và nước sông Mã dâng, gây ngập nhà ở, không an toàn.
Bộ đội Biên phòng hỗ trợ học sinh Trường PTDTBT - THCS Trung Lý di dời ra khỏi KTX bị sạt lở
Tại huyện Ngọc Lặc, hiện có 26 ngầm tràn tại các xã: Mỹ Tân, Kiên Thọ, Minh Tiến, Đồng Thịnh, Ngọc Liên, Thúy Sơn, Thạch Lập, Nguyệt Ấn, Cao Thịnh, Minh Sơn, Vân Am, Cao Ngọc, Ngọc Sơn, Quang Trung và thị trấn Ngọc Lặc vẫn chưa lưu thông được do mực nước dâng cao, chảy xiết khoảng 25-50cm. Riêng tràn bến Đệch nối giữa 2 xã Ngọc Trung và Minh Sơn bắc qua sông Cầu Chày, mực nước dâng 1,5-2m. Để bảo đảm an toàn, huyện đã chỉ đạo các các địa phương cắm biển cảnh báo và cử lực lượng canh gác 24/24.
Đến chiều 22/9, huyện Ngọc Lặc đã sơ tán tạm thời 11 hộ với 37 nhân khẩu ở các thôn Trung Sơn, xã Thúy Sơn; thôn Kiên Minh, xã Kiên Thọ và thị trấn Ngọc Lặc đến vị trí an toàn
Kiều Vượng