Thách thức về biến đổi khí hậu với Mỹ Latin và Caribe
01/10/2022TN&MTBiến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết bất thường đang xảy ra ngày một nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội của các quốc gia Mỹ Latin và Caribe. Nhiều giải pháp cấp bách được chính phủ các nước trong khu vực đề xuất và áp dụng nhằm khắc phục và hạn chế hậu quả của các vấn đề môi trường hiện nay.
Tình trạng hạn hán ngày càng phổ biến tại Mexico.
Trong báo cáo mới nhất, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's bày tỏ lo ngại rằng, biến đổi khí hậu sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như chất lượng tín dụng tại khu vực Mỹ Latin và Caribe. Theo Phó Chủ tịch của Moody’s Barbara Mattos (B.Mát-tốt), các hiện tượng thời tiết cực đoan như mực nước biển dâng cao, hỏa hoạn, hạn hán hay lũ lụt có thể gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động hoặc chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, kho vận (logistics) và viễn thông… của các quốc gia Mỹ Latin và Caribe, đồng thời tạo ra rủi ro tín dụng đối với ngành ngân hàng trong khu vực.
Tại Brazil, khủng hoảng khí hậu đe dọa mùa màng, gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Với khoảng 67% tổng lượng điện tiêu thụ được sản xuất từ thủy điện, các chuyên gia lo ngại vấn đề khí hậu cũng sẽ gây rủi ro đối với các dịch vụ cung cấp năng lượng của quốc gia này. Theo Moody's, giải pháp cấp bách hiện nay với Brazil là tăng cường thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, từ đó giúp giảm đến mức thấp nhất những rủi ro liên quan năng lượng.
Moody’s nhận định, hạn hán là một trong những nguy cơ lớn gây ảnh hưởng mạnh đến ngành sản xuất nông nghiệp của Mexico, nhất là với ngô - loại cây lương thực chính ở quốc gia này. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp của Mexico sử dụng nước làm nguyên liệu chính, như sản xuất đồ uống và nước giải khát, sẽ phải đối mặt vấn đề chi phí ngày càng tăng cao do khan hiếm nguồn nước. Những trận bão lớn và bất ngờ thời gian qua cũng khiến các công ty dầu mỏ của Mexico và khu vực Caribe gặp rất nhiều khó khăn.
Còn tại Chile, các hoạt động khai thác, nông nghiệp và thủy điện đang chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc "khủng hoảng nước", bắt nguồn từ lượng mưa thấp trong vài năm trở lại đây ở quốc gia này. Với Peru và Colombia, theo Moody’s, hai nước này hiện phải đối mặt nguy cơ ngày càng tăng do sự xáo trộn các dòng hải lưu. Trong khi thời tiết khô hạn và các đợt nắng nóng kéo dài đã tác động mạnh tới năng lực sản xuất ngũ cốc của Argentina, một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia, Argentina đang phải đối mặt thời tiết khô hạn nhất trong gần 30 năm qua ở một số vùng nông nghiệp chủ chốt. Hạn hán cũng khiến việc gieo trồng ngô và lúa mì tại Argentina trở nên khó khăn tương tự vụ mùa năm 2008, thời điểm quốc gia Nam Mỹ hứng chịu tình trạng đại hạn hán khiến sản lượng ngô giảm tới 40% so vụ mùa trước, trong khi thu hoạch đậu tương giảm 33%.
Trong phát biểu mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) gửi đi thông điệp nhấn mạnh các quốc gia cần nhanh chóng ứng phó biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh, những người dân nghèo đang phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng do lượng khí thải nhà kính khổng lồ mà các doanh nghiệp xả ra môi trường trong vài chục năm gần đây. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định, những nỗ lực ứng phó khủng hoảng khí hậu hiện nay là chưa đủ để giải quyết những hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu. Theo ông, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần cắt giảm khí thải hằng năm để sớm đạt được mục tiêu mức tăng nhiệt độ toàn cầu được kiểm soát ở mức cao hơn 1,50C so thời tiền công nghiệp, từ đó mở ra hy vọng kiểm soát được vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay.
Theo nhandan.vn