Tấp nập khách đến lễ đền Trần đầu năm
13/02/2024TN&MTĐền Trần (Nam Định) những ngày đầu xuân luôn tấp nập khách thập phương tới du xuân.
Đi chùa, đến đình, phủ… là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Năm nay, thời tiết 4 ngày Tết miền Bắc thuận lợi, nắng ấm nên người dân thảnh thơi đến chốn linh thiêng vừa du xuân, vừa xin lộc với mong muốn một năm mới mưa thuận gió hòa, sức khỏe và may mắn.
Đền Trần từ sáng Mùng 1 Tết du khách đến du xuân. Có mặt tại đền Trần từ sớm, chị Nguyễn Thị Thu Hằng từ Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết sau 30 năm được trở lại mảnh đất thân thuộc đón Tết cảm giác thật thiêng liêng, xúc động.
Chị Hằng vẫn không quên nếp đi lễ đền Trần đầu năm xuân mới của gia đình. Ông Vũ Thế Vinh, du khách đến từ Quảng Ninh cho biết năm nào đầu xuân cũng đến đền Trần để xin sức khỏe, bình an, cầu lộc cầu tài cho gia đình và bản thân.
Đền Trần là nơi thờ các vị vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần, trong đó có Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng từ năm 1695, gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa.
Ngoài ra, trong quần thể di tích đền Trần, du khách còn có thể đến vãng cảnh, du xuân tại đền Bảo Lộc. Đền Bảo Lộc còn được biết đến là đền An Lạc, vì khi xưa vùng này gọi là ấp An Lạc, đền được dựng trên cùng đất “thang mộc” tức nơi phát tích của An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Hưng Đạo và là anh trai của Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần.
Tương truyền, ấp An Lạc là nơi Đức Thánh Trần được sinh ra và lớn lên. Để tưởng nhớ công ơn của Ngài, người dân vùng Nam Định đã lập đền Bảo Lộc ở đây nhằm thờ phụng và tôn kính.
Năm nay, Ban quản lý di tích văn hóa lịch sử đền Trần, chùa Tháp đã chuyển hai bãi trông giữ xe trong khuôn viên trước cửa đền ra chỗ khác, đồng thời hàng quán hai bên cửa đền cũng đã được dẹp bỏ, trả lại không gian cho du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Quanh đền được quản lý chặt chẽ, không xảy ra tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách hay hình ảnh ăn xin, ăn mày phản cảm.
Tại đền Thiên Trường, đã xuất hiện tấm băng-rôn lớn chờ đón Lễ khai ấn đền Trần sẽ diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng Âm lịch.
Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp thông tin Lễ khai ấn đền Trần năm Giáp Thìn sẽ lần đầu tổ chức hàng loạt hoạt động mới tại Quảng trường Đông A, công trình được thi công sắp hoàn thiện trong Dự án Khu trung tâm lễ hội, thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần.
Khuôn viên hai bên cổng đền Trần đã được trả lại cho du khách.
Cụ thể, dự kiến du khách về dự lễ được thưởng thức nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống như trình diễn chơi cờ bỏi, tổ tôm điếm, lân sư rồng, biểu diễn võ thuật, diều sáo, hát văn, hát xẩm, múa rối nước…
Bên cạnh đó, Quảng trường Đông A cũng là nơi sẽ trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Nam Định, tổ chức hội chợ sinh vật cảnh và triển lãm Hành cung Thiên Trường - Dấu ấn vàng son cũng như trưng bày ảnh du lịch tiêu biểu của tỉnh.
Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội, công an thành phố Nam Định đã xây dựng phương án, huy động các lực lượng bố trí các vòng an ninh trong và chung quanh khu vực Đền Trần, đồng thời làm nhiệm vụ phân làn giao thông, phòng, chống cháy nổ để người dân dự lễ an vui.
Năm nay, lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định được tổ chức từ ngày 20-25/2, tức từ ngày 11-16 tháng Giêng Âm lịch. Từ 23h15 ngày 14 tháng Giêng thực hiện nghi thức khai ấn. Từ 5h ngày 15 tháng Giêng tổ chức phát ấn tại 3 địa điểm: nhà trưng bày, nhà Giải Vũ và đền Trùng Hoa.
Theo Tiền Phong