
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát động trồng cây “Chùa xanh” ở chùa Núi Một, Côn Đảo
02/04/2022TN&MTNgày 2/4/2022, tại chùa Núi Một, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Công ty Truyền thông King Land tổ chức phát động lễ trồng cây chương trình “Chùa xanh”. Đây là dự án cộng đồng hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh - "Vì một Việt Nam xanh" của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại chùa Núi Một, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban tổ chức chương trình “Chùa xanh” đã phát động trồng cây xanh, bảo vệ môi trường và sẽ được triển khai trồng cây xanh ở các chùa, đền, khu di tích văn hóa tiếp theo. Đây là một chương trình mang ý nghĩa giá trị nhân văn sâu sắc và lan tỏa về tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường.
TS. Đào Xuân Hưng Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, Trưởng ban tổ chức chương trình "Chùa xanh" tặng cây tượng trưng cho Đại đức Thích Thiện Giác, chùa Núi Một, Côn Đảo
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban tổ chức chương trình “Chùa xanh” cho biết: “Hôm nay trên mảnh đất huyền thoại Côn Đảo, chương trình “Chùa xanh” của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát động chương trình trồng cây xanh với ý nghĩa tuyên truyền sâu rộng về việc trồng cây xanh bảo vệ môi trường, giữ gìn huyện đảo luôn xanh - sạch - đẹp.
Đây là một chương trình cộng đồng thu hút sự quan tâm chung tay của xã hội tham gia trồng cây xanh tại các chùa, đền, địa điểm di tích văn hóa. Nhằm góp phần tạo cảnh quan môi trường, không gian văn hóa xanh, sạch, đẹp cho các khu di tích, đền, chùa…Bảo vệ môi trường, mang lại bầu không khí trong lành, thanh tịnh cho nhân dân, phật tử, du khách tham quan…
Đồng thời góp phần tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể bằng những hành động thiết thực hiệu quả mang lại không gian xanh chốn tôn nghiêm. Thêm một cây xanh được trồng sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ hôm nay luôn thường trực ý thức trồng cây xanh, bảo vệ môi trường vì màu xanh của cuộc sống”.
Đại đức Thích Thiện Giác, chùa Núi Một, huyện Côn Đảo cho biết “Chương trình “Chùa xanh” rất là ý nghĩa, thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là tết trồng cây…”, bởi xã hội ngày nay môi trường ngày càng ô nhiễm, tia UV, phóng xạ đang làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người. Tầng Ô zon đang bị hủy hoại bởi khí thải công nghiệp, nên chương trình "Chùa xanh" trồng cây xanh này rất ý nghĩa chống lại sự tàn phá của môi trường. Rất mong rằng những chương trình như này sẽ trồng được nhiều cây xanh hơn nữa để bảo vệ môi trường, bảo vệ non sông đất nước của chúng ta”.
Thông điệp của chương trình “Chùa xanh”- Vì môi trường xanh, nhằm phát huy tinh thần chung tay của cộng đồng, của các cá nhân, tổ chức, trong huy động sức mạnh tổng hợp nhân rộng hoạt động trồng cây nhiều hơn nữa để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Qua đó, góp phần quan trọng lan tỏa ý nghĩa của việc trồng cây đến đông đảo các tăng ni, phật tử, nhân dân trong việc cải thiện môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, mang lại một cuộc sống trong lành và khỏe mạnh cho nhân dân.
Mục tiêu của chương trình, không chỉ là ở số lượng cây được trồng, mà chính là công tác chăm sóc cho cây xanh phát triển, sinh xôi nảy nở và đơm hoa kết trái, nên rất cần có sự đồng hành của Giáo hội Phật giáo, Ban quản lý các khu di tích văn hóa, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, chính quyền địa phương, các nhà tu hành trong tự viện các tỉnh, thành trên cả nước và sự đồng hành phối hợp hiệu quả của Công ty Truyền thông King Land.
Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) tọa lạc trên Núi Một huyện Côn Đảo, do Mỹ ngụy xây dựng năm 1964. Nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình của những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ trên đảo, bên cạnh đó còn mục đích mỵ dân, trá hình che mắt báo chí và dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo của chế độ Mỹ ngụy.
Từ năm 1960 ở nhà tù Côn Đảo, địch ra sức tăng cường mức độ bóc lột khổ sai bằng hình thức tổ chức “lao động cộng đồng” vào các ngày Chủ nhật.
Tháng 4/1965, địch bắt tù nhân án chung thân bị cấm cố ở Trại 2 (Phú Hải) đi xây Chùa Núi Một, người tù phải khuân vật liệu: cát, đá, xi măng… từ dưới chân núi lên đỉnh núi. Tại hiện trường tù nhân phản đối quyết liệt, trật tự theo dõi, nhăn mặt nhưng không có phản ứng gì.
Đến chiều khi về trại giam, địch không cho tù nhân tắm, cho ăn cơm như thường lệ mà bắt tù nhân chào cờ nhốt vào phòng giam, sau đó chúng thanh lọc ra 63 người cho là cốt cán, cầm đầu nhốt vào xà lim (hầm đá) Trại II, 63 người tù bị nêm chật trong 2 hầm đá xếp đứng hình như không còn chỗ cử động, không khí không đủ để thở, địch dùng bao bố bịt lổ thông hơi, hòng biến 2 hầm đá thành hai nấm mồ tập thể, nhiều người tù bị ngạt thở. Đồng chí Mai Văn Xinh quê Bến Tre đã bị chết ngạt tại hầm đá trại 2 vào ngày 01/5/1965 (hiện nay mộ đ/c yên nghỉ tại khu C Nghĩa Trang Hàng Dương, Côn Đảo).
Sau năm 1975, chùa là nơi thờ Phật của người dân trên đảo, là công trình văn hóa nằm trong quần thể khu di tích lịch sử, danh thắng của huyện Côn Đảo, đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh theo quyết định số 4025/QĐ-UBND ngày 04/12/2009.
Là một di tích lịch sử gắn liền với địa danh Côn Đảo. Về cơ bản, việc xây dựng, tôn tạo chùa Núi Một bằng nguồn vốn xã hội hóa để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và chính quyền địa phương có tác dụng gắn kết việc phát huy giá trị di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo với việc xây dựng, tôn tạo chùa Núi Một để địa danh này trở thành một điểm danh lam thắng cảnh phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân, đồng thời phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.
Đến nay, chương trình “Chùa xanh” đã trồng được 6.782 cây xanh ở các chùa, đền: 1113 cây ở chùa Thắng Phúc, Hải Phòng; 1115 cây ở chùa Đại Tuệ, Nghệ An; 1015 cây ở chùa Đồng, Thanh Hóa; 1005 cây ở chùa Kim Dung, Hà Tĩnh; 1003 cây ở đền Sóc Sơn, Hà Nội; 1008 cây ở chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh; 523 cây ở chùa Phúc Lạc, Hà Nam.
Sỹ Tùng