Mới đây, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Trong báo cáo tổng kết, ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT cho biết, trong năm 2022, Tạp chí xuất bản 24 số, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo kế hoạch, nhiệm vụ đặt hàng của Bộ TN&MT, đăng tải 568 bài; 40 tin; 286 ảnh, vượt mức số lượng theo nhiệm vụ đặt hàng của Bộ về các lĩnh vực TN&MT. Trong đó, Tạp chí xuất bản 1 số Xuân và 1 số Tết nguyên đán năm 2022, 1 Kỷ yếu “20 năm tạo dựng nền tảng, hướng tới tương lai”, 1 Kỷ yếu Khoa học trẻ ngành TN&MT… với nhiều bài viết có tính lý luận, thực tiễn cao của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học uy tín về công tác QLNN trong lĩnh vực TN&MT. Tạp chí duy trì các chuyên mục, có sự đổi mới nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng tin, bài, ảnh, duy trì các chuyên mục. Đặc biệt, Tạp chí tập trung tuyên truyền chuyên sâu các sự kiện của ngành như: Ngày Nước Thế giới; Ngày Môi trường Thế giới; Tháng hành động Vì môi trường Việt Nam; Tuần lễ Biển và Hải đảo; Ngày Đa dạng sinh học,...
Phó Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT, ThS. Trần Thị Cẩm Thúy báo cáo tổng kết năm 2022
Bên cạnh Tạp chí in, Tạp chí TN&MT điện tử đã cập nhật, đăng tải hàng nghìn bài viết về các vấn đề, sự kiện của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành và các lĩnh vực Ngành TN&MT. "Nhiều bài viết về các lĩnh vực BĐKH, đất đai, môi trường, khoáng sản đã có lượng lớn bạn đọc cập nhật... một lượng lớn tin, bài, ảnh, video, emagazine được Bộ đánh giá có chất lượng cao", Phó Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT chia sẻ.
Trong năm qua, Tạp chí tổ chức thành công cuộc tọa đàm truyền hình “Bỏ khung giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường”, thực hiện Diễn đàn Môi trường với chủ đề “Quản lý chất thải và trách nhiệm của doanh nghiệp”, tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao: Giải pháp cho phát triển bền vững”... là những sự kiện nổi bật với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia uy tín. Bên cạnh đó, Tạp chí còn phối hợp với Vụ KH&CN xuất bản 2 số chuyên đề với nội dung "Ghi nhận những thành tựu 20 năm về KH&CN". Đặc biệt, trong năm 2022, Tạp chí đã xuất bản cuốn Kỷ yếu chào mừng 20 năm thành lập Bộ TN&MT mang tên "20 năm: Tạo dựng nền tảng, khẳng định vị thế, đổi mới phát triển". Với đóng góp to lớn của mình, Tạp chí đã có 1 tập thể và 3 cá nhân được Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng Bằng khen có thành tích trong phong trào thi đua nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ TN&MT.
Những hoạt động nổi bật của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường năm 2022
Tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Tạp chí TN&MT, TS. Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, Tổng cục và Tạp chí TN&MT đã có nhiều năm hợp tác trong lĩnh vực truyền thông. TS. Hoàng Đức Cường rất ấn tượng với những thành tựu và kết quả đạt được của Tạp chí trong năm 2022. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như sự suy giảm kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với nhiệm vụ chuyên môn của mình, Tạp chí đã xuất bản được nhiều ấn phẩm hay, có dấu ấn, trong đó nổi bật nhất phải kể đến là cuốn Kỷ yếu “20 năm: Tạo nền tảng, khẳng định vị thế, đổi mới phát triển” nhân dịp 20 năm thành lập Bộ TN&MT. "Đây là một ấn phẩm lớn và có ý nghĩa của Tạp chí nói riêng và ngành TN&MT nói chung. Tôi nghĩ ít nhất 10 năm, hoặc có thể 20, 30 năm nữa mới có được bộ sản phẩm xuất sắc như vậy", ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.
TS. Hoàng Đức Cường chia sẻ thêm, mặc dù rất bận công việc nhưng ông luôn theo dõi và đọc Tạp chí mỗi lần ra số mới. Ông nhận thấy trong 24 số Tạp chí trong năm 2022, tất cả các số đều đăng tải và chia sẻ những thông tin về ngành KTTV. Đó có thể là những thông tin về hoạt động của lãnh đạo Tổng cục, những thành tựu nổi bật của ngành, hoặc khơi dậy đam mê sáng tạo của những nhà khoa học trẻ... TS. Cường dẫn chứng thêm: "Trên tay tôi là Tạp chí số 1+2/2023 (Số Tết), thật ấn tượng khi xem qua đã thấy có ít nhất 3 bài viết liên quan đến ngành KTTV. Điều này cho thấy, Tạp chí đã phối hợp rất chặt chẽ với ngành để truyền tải những thông tin, chia sẻ những kiến thức chuyên môn của ngành đến đông đảo bạn đọc".
Trong năm 2022, ngành KTTV Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công, được đánh giá cao về mọi mặt trong lĩnh vực của mình. Các cơ quan truyền thông, trong đó đặc biệt Tạp chí đã góp phần đưa những thành công, thành tựu của ngành KTTV được phổ biến rộng rãi hơn, những sự kiện lớn của ngành đều được Tạp chí nhanh chóng đăng tải thông tin tức thì và xuyên suốt trong cả năm.
Ngành KTTV vinh dự và tự hào khi đóng góp 2 trong số 9 sự kiện lớn, nổi bật của ngành TN&MT trong năm 2022. Đó là chuyến thăm của ngài Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres và hệ thống cảnh báo sớm phát huy hiệu quả trong giảm nhẹ thiên tai. Những sự kiện này đều được Tạp chí đăng tải kịp thời, mang tính thời sự cao. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng thường xuyên thông tin về những kết quả của ngành KTTV trong đánh giá tài nguyên năng lượng tái tạo, biến năng lượng gió, bức xạ, năng lượng sóng và các dạng năng lượng tái tạo khác thành tài nguyên; cam kết Netzero vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam... Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV mong muốn Tạp chí tiếp tục chú trọng, quan tâm phổ biến và tuyên truyền theo hướng chuyên sâu hơn các lĩnh vực trong ngành, phục vụ việc chuyển đổi theo hướng xanh, sạch và hiệu quả trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Năm 2022, Tạp chí và Tổng cục KTTV đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số và công nghệ số trong lĩnh vực TN&MT phục vụ phát triển bền vững”. Đây là ý tưởng của Tạp chí, Tổng cục phối hợp thực hiện. Tiếp đó là sự ra mắt của Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ ngành TN&MT, là hoạt động rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay. Chúng ta cần tri thức, sự năng động của các nhà khoa học trẻ để tạo đột phá, chuyển biến, đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực TN&MT. Trong mạng lưới câu lạc bộ này, có rất nhiều nhà khoa học trẻ tiềm năng, trong đó có các nhà khoa học trẻ ngành KTTV. Theo TS. Hoàng Đức Cường: "Nghĩ ra ý tưởng ban đầu rất khó, nhưng duy trì và phát huy được những ý tưởng này mới là những thành quả tất cả chúng ta mong đợi. Rất mong Tạp chí với người đứng đầu là Tổng Biên tập cùng các nhà khoa học trẻ của ngành TN&MT nói chung, lĩnh vực KTTV nói riêng sẽ phát huy tính chủ động, sáng tạo để Câu lạc bộ hoạt động theo đúng mong muốn của Hội thảo đã đề ra".
Để sự hợp tác này được sâu, rộng và phát huy hơn nữa hiệu quả trong năm 2023, TS. Hoàng Đức Cường đề xuất một số ý như sau:
Thứ nhất, Tổng cục có tờ Tạp chí riêng là Tạp chí KTTV. Hiện nay, Tạp chí KTTV là đơn vị tự chủ nên khó khăn trong việc duy trì hoạt động theo hướng vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa có nguồn thu. Tạp chí KTTV cần học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận thông tin kiến thức và kỹ năng từ Tạp chí. TS. Cường mong muốn Tạp chí tổ chức giao lưu nhiều hơn nữa để Tạp chí KTTV có cơ hội học hỏi cách làm, phương thức hoạt động để áp dụng trong lĩnh vực của mình.
Những hoạt động nổi bật của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường năm 2022
Thứ hai, Tạp chí cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp với Tổng cục để tuyên truyền và phổ biến kiến thức về KTTV, về thiên tai và đặc biệt là kỹ năng phòng chống thiên tai ở vùng sâu, vùng xa. Vừa qua, ở Mường Xén (Nghệ An) có xảy ra lũ quét, đây là trận lũ quét không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại rất lớn về tài sản. Trước đó đã có hiện tượng nước trong lòng suối dâng cao, sau khi mưa lớn, nước trên thượng nguồn đổ về đã gây ra trận lũ quét vô cùng nghiêm trọng. Điều mà TS. Hoàng Đức Cường muốn nhấn mạnh chính là kỹ năng nhận biết và đánh giá được mức nguy hiểm của dạng thiên tai này. Kỹ năng này ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở vừng sâu vùng xa. Tạp chí cần chú trọng, quan tâm hơn việc này, tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, giảm tải những thiệt hại không đáng có trong thiên tai.
Thứ ba, Tạp chí đã tổ chức rất tốt các buổi Tọa đàm chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau. Trong năm tới, Tổng cục mong muốn sẽ phối hợp với Tạp chí tổ chức buổi Tọa đàm chuyên sâu về KTTV, dự báo về những diễn biến phức tạp, đặc biệt là phối hợp cùng nhau chia sẻ thông tin sớm, sâu, và rộng của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà quản lý đến với người dân.
Tham dự Hội nghị tổng kết của Tạp chí, GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của Tạp chí đã khiến GS.TS rất ấn tượng; việc tổ chức, mở ra những chuyên mục, tuyên truyền những sự kiện, cũng như truyền tải những văn bản, quy phạm pháp luật của ngành TN&MT… Ngoài ra, Tạp chí còn phối hợp với các đơn vị tổ chức những Hội thảo khoa học mang tính chuyên ngành như Hội thảo các nhà Khoa học trẻ ngành TN&MT, thành lập Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ… đó là những sự kiện có khối lượng công việc rất lớn trong khi lực lượng Tạp chí rất mỏng. "Tôi nghĩ có nhiều việc thực sự chưa thể hiện hết được trong báo cáo, tất cả những thành tích của Tạp chí trong năm 2022 rất là ấn tượng", GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương nhấn mạnh.
GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương chia sẻ thêm, ngoài công việc chính là tuyên truyền qua số báo định kỳ, Tạp chí còn tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học. Hiện nay, trường Đại học TN&MT Hà Nội đang cùng phối hợp với Tạp chí đang tổ chức một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. GS.TS mong Tạp chí và Trường sẽ phối hợp cùng nhau nhiều hơn để tuyên truyền sâu rộng hơn và quảng bá hơn nữa công việc của ngành đến với cộng đồng. GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương tâm sự, trước đây khi làm Phó Viện trưởng Viện KTTV và BĐKH, GS.TS. đã nhiều lần hợp tác và thường được đề nghị viết bài cho Tạp chí vào dịp cuối năm. "Điều này cho thấy Tạp chí rất chủ động trong việc đặt bài các đơn vị trong ngành, tích cực chia sẻ những thông tin, kết quả của từng đơn vị, từng lĩnh vực thuộc Bộ TN&MT - đó chính là sự nỗ lực rất lớn của Tạp chí".
Trường Đại học TN&MT Hà Nội vừa qua đã hỗ trợ Tạp chí nhiều trong việc thi tuyển viên chức trong năm 2022. Trong năm 2023, GS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương mong Tạp chí sẽ tuyển thêm những đợt tuyển viên chức mới, để củng cố nguồn cán bộ, ổn định tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có việc phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, đó là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà Tạp chí và Trường phối hợp cùng nhau.
Tham dự Hội nghị tổng kết, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chuyên viên Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) cho biết, năm 2020, Bộ TN&MT đã có quyết định phê duyệt đặt hàng hằng năm 2 số chuyên sâu về KHCN cho Tạp chí. Đây là dấu mốc đánh dấu việc hợp tác giữa Vụ KHCN và Tạp chí.
Theo bà Minh, 3 năm qua, Tạp chí đã truyền tải rất tốt kết quả nghiên cứu KHCN của các đơn vị trong và ngoài Bộ, góp phần rất lớn trong việc đưa kết quả đó đến gần với người đọc hơn. Vụ KHCN nhận thấy và ghi nhận sự phối hợp nhiệt tình và chu đáo của Tạp chí thể hiện qua việc hợp tác xuất bản các số chuyên sâu về KHCN.
Bà Minh cho biết, việc Tạp chí đã có phiên bản điện tử sẽ giúp những kết quả nghiên cứu KHCN được đưa lên trang thông tin điện tử, dễ dàng tiếp cận bạn đọc hơn. Bà Minh hy vọng năm 2023 và những năm tiếp theo, Tạp chí và Vụ KHCN sẽ phối hợp dịch chuyển các nghiên cứu, các kết quả KHCN lên trang điện tử nhiều hơn, những kết quả nghiên cứu khoa học được bạn đọc biết đến rộng rãi hơn.
ThS. Phạm Đình Tuyên, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Môi trường (Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT - Bộ TN&MT) cho biết, Tạp chí Môi trường và Tạp chí TN&MT từ lâu đã cùng chung trụ sở làm việc, đặc thù công việc giống nhau nhưng Tạp chí đã hoàn thành công việc với khối lượng lớn, hiệu quả và để lại ấn tượng như: Tổ chức những diễn đàn, tuyên truyền, phổ biến luật hoặc công việc khác như Chùa xanh, Ký ức mầm xanh, Xuân ấm mầm xanh, Tri ân các gia đình chính sách… những kết quả đạt được này khiến ông Tuyên không khỏi bất ngờ.
Trong bối cảnh hiện nay Bộ TN&MT cơ cấu lại tổ chức, các đơn vị báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, Tạp chí chưa đủ điều kiện để thành lập các phòng ban chuyên môn nên khâu tổ chức, hoạt động gặp nhiều khó khăn, công việc đòi hỏi phải có trị sự, quảng cáo, có ban biên tập hỗ trợ, nhưng hiện tại không có các phòng ban chuyên môn này nên rất khó điều hành. Ông Tuyên mong Tạp chí sớm hoàn thiện cơ cấu phòng ban để ổn định tổ chức và phát triển.
Từ 1/1/2023, Tạp chí Môi trường do ông Tuyên phụ trách chuyển về cơ quan chủ quản mới là Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT. Trước đây nhiệm vụ của Tạp chí Môi trường là tuyên truyền chuyên về vấn đề môi trường, giờ đây, khi chuyển cơ quan chủ quản mới, Tạp chí Môi trường có nhiệm vụ tuyên truyền về kết quả nghiên cứu khoa học của 9 lĩnh vực của Bộ. Ông Tuyên mong muốn Tạp chí Môi trường và Tạp chí TN&MT phối hợp với nhau hiệu quả hơn, mở rộng mạng lưới truyền thông của Bộ, kết nối với Câu lạc bộ nhà báo TN&MT để cùng truyền tải những kết quả khoa học của Bộ TN&MT đến với cộng đồng.
Lắng nghe những ý kiến nhận xét của các đại biểu, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT cảm ơn những chia sẻ, góp ý chân thành để giúp Tạp chí ngày một phát triển, Tổng Biên tập cũng cho biết, trong năm 2023, Tạp chí tiếp tục bám sát chủ trương, kế hoạch nhiệm vụ của Bộ, tập trung tuyên truyền trên 9 lĩnh vực quản lý. Xuất bản 24 số Tạp chí và các số ấn phẩm chuyên đề. Tập trung đăng tải các tin, bài, ảnh, video... trên tạp chí điện tử. Trọng tâm nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề: Các sự kiện, vấn đề quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngành TN&MT thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; phối hợp với các địa phương tổ chức các hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết 36 của Trung ương về phát triển kinh tế biển.
Các bài viết thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Bộ: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật TN&MT; triển khai thực hiện chính sách pháp luật TN&MT ở địa phương, cơ sở, trong đó đặc biệt chú ý đến triển khai Luật Đo đạc và Bản đồ, Luật bảo vệ Môi trường, Luật Đất đai; công tác CCHC; quản lý chất thải rắn; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; vấn đề quản lý đất đai; khai thác khoáng sản; xây dựng cơ sở dữ liệu Ngành Tài nguyên và Môi trường; công tác viễn thám,…tập trung xây dựng các số chuyên đề các lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tạp chí bám sát công tác tuyên truyền xây dựng thể chế, tham vấn hoàn thiện chính sách pháp luật Tài nguyên và Môi trường của Ngành để xây dựng các chuyên đề, các bài viết có nội dung chuyên sâu, có hàm lượng khoa học đáp ứng yêu cầu ngày một cao về lý luận, nghiệp vụ khoa học; Bảo đảm nâng cao chất lượng nội dung, hình thức của Tạp chí, Ban Biên tập chủ động xây dựng kế hoạch xuất bản theo từng năm, quý, tháng và từng số Tạp chí. Nội dung của mỗi số Tạp chí bám sát việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ của Bộ, thông tin những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm và thực tiễn cuộc sống.
Tạp chí điện tử tuyên truyền kịp thời về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và ngành TN&MT; tiếp tục thiết lập, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia uy tín tham gia viết bài cho Tạp chí; Tích cực phối hợp với các đơn vị trong Bộ TN&MT thực hiện các số chuyên đề các lĩnh vực quản lý nhà nước về Ngành TN&MT.
Năm 2023, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, đây là dịp để mỗi cán bộ viên chức, người lao động Tạp chí thi đua lập nhiều thành tích để xây dựng Tạp chí phát triển xứng đáng với sự kỳ vọng của Lãnh đạo Bộ, đồng thời là cơ quan truyền thông uy tín của Ngành Tài nguyên và Môi trường.
Tú Quyên