Tăng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2
15/06/2024TN&MTMột nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng, các chính phủ cần trồng thêm cây xanh và triển khai các công nghệ giúp tăng gấp 4 lần lượng khí carbon dioxide (CO2) bị loại bỏ khỏi khí quyển mỗi năm, từ nay đến năm 2050, nhằm đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.
Rừng trồng gần thủ đô mới Nusantara của Indonesia
“Loại bỏ CO2” (CDR) gồm loạt các biện pháp can thiệp nhằm cô lập CO2 đã có trong không khí. Trong đó, có các phương pháp thông thường như trồng lại rừng, các giải pháp tiềm năng trên quy mô lớn như nhiên liệu sinh học, nuôi trồng tảo trong đại dương và sử dụng các bộ lọc thu giữ trực tiếp CO2 trong khí quyển.
Theo một nghiên cứu, hiện tại CDR loại bỏ khoảng 2 tỷ tấn CO2 khỏi khí quyển mỗi năm, nhưng con số này cần phải tăng lên khoảng 7-9 tỷ tấn nếu muốn giữ nhiệt độ tăng dưới ngưỡng là 1,5OC. Theo ông Gregory Nemet, giáo sư tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) và là một trong những đồng tác giả báo cáo nói trên, lượng khí thải nhà kính ròng toàn cầu là khoảng 55 tỷ tấn/năm (vào năm 2022) và lượng khí thải tích tụ trong khí quyển tương đương. Hơn 50 nhà nghiên cứu cho biết, bên cạnh việc giảm nhanh lượng khí thải, vốn vẫn là “chiến lược giảm thiểu quan trọng nhất”, việc loại bỏ CO2 khỏi khí quyển “cũng là điều cần thiết” để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Cho đến nay, chỉ có Mỹ công bố một kế hoạch trị giá 3,5 tỷ USD, dành riêng cho việc thu hồi CO2.
Các tác giả cho biết, cần có các chính sách mới để thúc đẩy nhu cầu về CDR, trong khi nguồn tài trợ cho các công nghệ mới đã giảm kể từ năm 2020. Năm 2023, chỉ 856 triệu USD đầu tư vào các công ty khởi nghiệp mới giảm thải CO2, chiếm khoảng 1% tổng chi tiêu cho công nghệ khí hậu. Công ty khởi nghiệp thu giữ CO2 Climeworks, có cơ sở lưu trữ ngầm rộng rãi ở Iceland, nằm trong số những công ty được hưởng lợi từ nhu cầu cắt giảm CO2. Hai nhà máy của công ty hiện thu giữ và lưu trữ 10.000 tấn CO2 mỗi năm nhờ nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ tư nhân và việc bán tín chỉ CO2. Để đạt được 1 triệu tấn, Climeworks cho biết, cũng như các công ty khởi nghiệp khác, họ sẽ cần vài tỷ USD, nhưng nguồn tài trợ như vậy không chắc chắn ở giai đoạn hiện nay.
Đánh giá mới nhất của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên hợp quốc cho biết, CDR sẽ đóng vai trò trong việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, nhưng tồn tại những rủi ro khi triển khai các phương pháp mới và chưa được thử nghiệm trên quy mô lớn. Mặt khác, nhiều phương thức CDR có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, an ninh lương thực và nguồn nước. Các phương pháp công nghệ CDR bao gồm thu hồi trực tiếp không khí bằng lưu trữ carbon (DACCS), thu giữ sau khi đốt sinh khối (BECCS), chuyển đổi sinh khối thành than sinh học hoặc rắc đá nghiền nát hấp thụ carbon trên đất liền hoặc trên biển. Theo các nhà khoa học, một số kỹ thuật, chẳng hạn như DACCS, gây ra rủi ro lớn cho hệ sinh thái và cộng đồng.
Trong khi kêu gọi phát triển nhanh chóng các công nghệ thu hồi carbon, các nhà khoa học cho biết, CDR là cần thiết nhưng không nên làm chệch hướng sự chú ý khỏi những nỗ lực giảm lượng khí thải. Bất kể chúng ta loại bỏ bao nhiêu CO2, vẫn cần phải nhanh chóng giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và ngăn chặn nạn phá rừng.
Theo sggp.org.vn