Tầm quan trọng của cảnh báo thiên tai
06/06/2024TN&MTTheo Liên hợp quốc (LHQ), số người chết vì thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn cầu sẽ ít hơn nhờ cảnh báo sớm, kế hoạch ứng phó và khả năng phục hồi tốt hơn.
Nắng nóng gay gắt ở Guwahati, Ấn Độ
Ông Kamal Kishore - Trợ lý Tổng thư ký LHQ, người đứng đầu văn phòng LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai cho rằng, thế giới chưa thực sự nhận ra rằng loại bão từng giết chết hàng chục hoặc hàng trăm nghìn người giờ chỉ cướp đi sinh mạng của một số ít người. Tuy nhiên, ông Kishore cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn những thảm họa đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói cùng cực.
Ông Kishore cho biết trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào giữa tháng 5: “Ít người chết vì thiên tai hơn và nếu bạn nhìn con số đó theo tỷ lệ trên tổng dân số thì thậm chí còn ít hơn. 20 năm trước không có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần ngoại trừ một khu vực nhỏ trên thế giới. Giờ đây, sau trận sóng thần năm 2004 khiến khoảng 230.000 người thiệt mạng ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan, cả thế giới được bao phủ bởi hệ thống này”.
Theo ông Kishore, thế giới đang nhận được những cảnh báo tốt hơn về lốc xoáy nhiệt đới, vì vậy hiện nay, khả năng tử vong do bão nhiệt đới ở một nơi như Philippines chỉ bằng khoảng 1/3 so với 20 năm trước.
Với tư cách là cựu Giám đốc thảm họa của Ấn Độ, ông Kishore chỉ ra cách đất nước của ông đã cắt giảm số ca tử vong nhờ những cảnh báo tốt hơn và sự chuẩn bị của cộng đồng, chẳng hạn như các bệnh viện sẵn sàng ứng phó với tỷ lệ sinh tăng vọt trong một cơn bão. Năm 1999, một siêu bão tấn công miền đông Ấn Độ, khiến gần 10.000 người thiệt mạng. Sau đó, một cơn bão có quy mô gần tương tự đổ bộ vào năm 2013 nhưng chỉ giết chết vài chục người. Năm ngoái, với sự giám sát của mình, ông Kishore nhận thấy, trận Lốc xoáy Biparjoy chỉ khiến dưới 10 người thiệt mạng. Điều tương tự cũng xảy ra với những cái chết do lũ lụt.
Nhà dịch tễ học thảm họa Debarati Guha-Sapir thuộc Đại học Công giáo Louvain ở Brussels - người đã tạo ra cơ sở dữ liệu thảm họa toàn cầu cho biết, dữ liệu đã cho thấy ông Kishor đúng. Cơ sở dữ liệu của bà cho thấy, số ca tử vong trên toàn cầu trong mỗi đợt bão đã giảm từ mức trung bình khoảng 10 năm là 24 vào năm 2008 xuống mức trung bình 10 năm là khoảng 8 vào năm 2021. Số ca tử vong do lũ lụt trong mỗi đợt bão đã giảm xuống 10, trong khi mức trung bình hàng năm là gần 72 đến khoảng 31.
Bà Guha-Sapir cho biết, mặc dù số ca tử vong do thảm họa trên toàn cầu ít hơn nhưng vẫn có những trường hợp tử vong ở những quốc gia nghèo nhất, đặc biệt là ở châu Phi, nơi số ca tử vong ngày càng trầm trọng hơn hoặc ít nhất là không thay đổi. Theo bà Guha-Sapir, nó giống như những nỗ lực của cơ quan y tế công cộng nhằm loại bỏ bệnh sởi, thành công ở hầu hết các nơi, nhưng những khu vực ít có khả năng đối phó nhất lại không được cải thiện.
Bà Guha-Sapir cho biết, Ấn Độ và Bangladesh là những quốc gia tiêu biểu trong việc ứng phó tốt hơn với thiên tai và ngăn ngừa tử vong, đặc biệt là do lốc xoáy. Năm 1970, một cơn bão đã giết chết hơn 300.000 người ở Bangladesh trong một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất thế kỷ 20 và giờ đây Bangladesh đã thực hiện thành công việc giảm thiểu rủi ro thiên tai trong nhiều năm.
Trong khi các quốc gia như Ấn Độ và Bangladesh đã tạo ra các hệ thống cảnh báo, tăng cường các công trình như bệnh viện và biết phải làm gì để chuẩn bị và ứng phó với thảm họa sau đó, thì phần lớn điều đó cũng chỉ là do các quốc gia này ngày càng giàu hơn và được giáo dục tốt hơn, vì vậy, họ có thể xử lý thảm họa tốt hơn và tự bảo vệ mình. Các nước và người dân nghèo hơn thì không thể.
“Ít người chết hơn, nhưng đó không phải vì biến đổi khí hậu không xảy ra. Đó là bất chấp biến đổi khí hậu và đó là vì chúng tôi đã đầu tư vào khả năng phục hồi, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm” - ông Kishore nói.
Ông Kishore công nhận rằng, biến đổi khí hậu đang khiến công việc của ông trở nên khó khăn hơn, nhưng nó không quá khó như việc “đẩy một tảng đá khổng lồ lên đồi".
“Chúng ta đang gặp phải nhiều mối nguy hiểm khốc liệt hơn, thường xuyên hơn ở các khu vực địa lý mới” - ông Kishore nói và cho biết, những nơi như Brazil trước đây không quá lo lắng về lũ lụt thì giờ đây đang bị tàn phá nặng nề. Điều tương tự cũng xảy ra với tình trạng nắng nóng cực độ, trước đây chỉ là vấn đề ở một số quốc gia nhưng giờ đây đã lan rộng ra toàn cầu, dẫn đến gần 60.000 ca tử vong do sóng nhiệt ở châu Âu vào năm 2022.
Ông Kishore cho rằng, việc cắt giảm tỷ lệ tử vong chỉ là một phần của cuộc chiến giảm thiểu rủi ro. Chúng ta đang làm tốt hơn việc cứu mạng sống nhưng đối với sinh kế của người dân thì chưa. Dù có ít người chết hơn, nhưng hãy nhìn vào những người bị mất nhà cửa, công việc kinh doanh hay sinh kế. Họ có thể sống sót nhưng không còn lại gì, không hạt giống, không thuyền đánh cá….
“Việc bảo vệ sinh kế cho mọi người chưa được làm tốt. Chúng ta vẫn xác định rằng tổn thất sẽ xảy ra, nhưng chúng có thể được giảm thiểu ở mức độ tốt hơn” - ông Kishore nói.
Ấn Độ - nơi nhiệt độ thường dao động ở mức 50 độ C vào mùa Hè đã giảm số ca tử vong do nắng nóng bằng các kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, với tình trạng nhiệt độ khắc nghiệt mới mà chúng ta đang chứng kiến, mọi quốc gia cần phải nỗ lực gấp đôi để ứng phó. Và điều đó có nghĩa là phải xem xét môi trường xây dựng của các thành phố.
Theo daidoanket.vn