Sống xanh, tiêu dùng xanh để gìn giữ môi trường
30/03/2024TN&MTTrong những năm gần đây, tiêu dùng xanh đang chuyển dịch là một trong những xu hướng tất yếu. Việc làm này có vai trò rất quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế xanh bền vững của đất nước nói riêng và toàn cầu nói chung.
ảnh minh họa
Xu hướng xanh hóa trong tiêu dùng
Tiêu dùng xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu và đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ đông đảo người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, ở nước ta, trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Những chế tài pháp lý về bảo vệ môi trường được quy định chi tiết trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngoài ra có có những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao.
Cụ thể, ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này nhằm mục tiêu thúc đẩy người dân có nhận thức và hành vi tiêu dùng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050.
Theo khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ Việt Nam, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Cùng với đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Khảo sát xu hướng tiêu dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu khi có, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa,… Đáng lưu ý, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường,…
Những con số nêu trên như một minh chứng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến môi trường, đến vấn đề “xanh” và “sạch”, coi trọng hành vi mua thân thiện với môi trường.
Là người thường xuyên mua sắm tại Go Thăng Long, chị Thanh cho biết : “Khoảng vài năm trở lại đây mình đã thay đổi thói quen mua sắm tiêu dùng, mình sẽ mang những hộp thủy tinh từ ở nhà đi để đựng thực phẩm thay vì sử dụng túi nilon hay hộp nhựa. Bên cạnh đó, mình cũng ưu tiên mua các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm của doanh nghiệp có chứng nhận xanh…”
Theo chị Lê Mai Linh (Mễ Trì, Nam Từ Liêm ), thực phẩm là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Do đó, chị thường tìm mua từ các cửa hàng uy tín. Đối với các loại thực phẩm đóng gói, chị luôn xem kỹ nguồn gốc, cũng như nhãn mác, phải có đầy đủ ngày sản xuất, hạn sử dụng,…
Anh Tuấn sống tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm cho biết: “Anh đã chuyển sang sử dụng xe điện từ nhiều năm nay, anh thấy di chuyển bằng phương tiện này rất tiện lợi và dễ dàng, vừa tiết kiệm được chi phí nhiên liệu và sửa chữa vừa bảo vệ môi trường”
Tiêu dùng xanh mang lại lợi ích không nhỏ cho người tiêu dùng và môi trường sống. Song, để các sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn nhiều khó khăn và thách thức .
Cần những giải pháp đồng bộ để khuyến khích, thúc đẩy
Trên thương trường luôn có sự cạnh tranh khốc liệt hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đòi hỏi các doanh nghiệp, cần chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; chủ động đổi mới, sáng tạo công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, luôn phải đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng là trọng tâm của việc phát triển sản phẩm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, mà có thể thông qua những hành động đơn giản như: Chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện và ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường.
Bên cạnh sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp của Nhà nước là vô cùng cần thiết trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.
Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia đảm bảo tính thống nhất, minh bạch. Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về tăng trưởng xanh. Phát huy vai trò định hướng thị trường, dẫn dắt sản xuất và tiêu dùng xanh của các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện và áp dụng nghiêm túc, triệt để các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh, nâng cao thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà sản xuất xanh, sản phẩm xanh và người tiêu dùng xanh.
Vũ Duyên
Đại học Văn hoá Hà Nội