Sớm triển khai, lắp đặt các trạm quan trắc để kịp thời ứng phó với động đất
25/08/2022TN&MTChiều 24/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành và 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam để bàn các giải pháp ứng phó với tình hình động đất trong 2 ngày 23 và 24/8 tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum báo cáo tại buổi họp trực tuyến.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, trong các trận động đất xảy ra trong 2 ngày 23 và 24/8, có trận động đất vào lúc 14 giờ 8 phút 4 giây có độ lớn 4,7 độ Richter, tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ bắc, 108.209 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km là cao nhất từ trước tới nay.
Qua rà soát, kiểm tra và tổng hợp báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông, đến thời điểm hiện tại, các trận động đất chưa gây thiệt hại về người và tài sản.
Để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do động đất có thể gây ra, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự cấp huyện, cấp xã kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học, y tế và các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện.
Kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời.
Tại cuộc họp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết: Trước tình hình diễn biến của động đất, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương, đặc biệt là huyện Kon Plông: Tăng cường công tác kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện kịp thời phát hiện và đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện khắc phục sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình trong quá trình khai thác vận hành; kiểm tra công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện, giảm tích nước hồ chứa thủy điện để an toàn hồ đập, chuẩn bị phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Tổ chức khảo sát, xác định và chuẩn bị các khu vực sơ tán an toàn cho nhân dân; chủ động xây dựng kế hoạch sơ tán dân của từng thôn, làng và sẵn sàng triển khai thực hiện khi có động đất; dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế đảm bảo cho công tác cứu trợ nhân dân trong khu vực bị động đất.
Có kế hoạch chuẩn bị lực lượng tại chỗ (Đội xung kích phòng, chống thiên tai) để hỗ trợ kịp thời Nhân dân bị thương vong, mất tích trong vùng bị động đất. Đồng thời, có kế hoạch huy động với các lực lượng vũ trang hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn khi động đất có cường độ lớn, xảy ra trên phạm vi rộng.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đã có văn bản tuyên truyền phổ biến sổ tay kiến thức về động đất, hướng dẫn cho nhân dân các kỹ năng phòng, tránh động đất.
Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phổ biến sổ tay kiến thức về động đất, cung cấp tờ rơi đến tận người dân để biết, chủ động phòng tránh, vận động nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng động đất để ổn định tư tưởng tránh hoang mang.
Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; đề nghị Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum và Công ty Thủy điện Đăk Đrinh khẩn trương xem xét phương án và sớm tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động theo kiến nghị của Viện Vật lý Địa cầu-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị: Viện Vật lý địa cầu cung cấp thông tin động đất cần đầy đủ, chính xác; tăng cường lắp đặt các thiết bị quan trắc, ngày 3/9 sẽ lắp đặt xong 5 trạm.
Hiện nay, nhà dân kiên cố kể cả khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng vẫn bảo đảm an toàn nhưng với các công trình bán kiên cố, công trình tạm, thì cần rà soát, có ngay biện pháp bảo đảm an toàn theo tài liệu của Bộ Xây dựng đã ban hành.
Theo nhandan.vn