Sóc Trăng: Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
05/01/2022TN&MTTỉnh Sóc Trăng là 1 trong 47 tỉnh, thành phố còn giữ lại Trung tâm Công nghệ thông tin phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường. Vì vậy, hằng năm, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Công nghệ thông tin xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin cho Ngành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như quản lý điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn.
Ảnh minh họa.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp
Thực hiện chủ trương của tỉnh, Bộ TN&MT, Sở TN&MT đã triển khai xây dựng khung kiến trúc CNTT ngành TN&MT trong năm 2019. Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng xác định ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, thực hiện công tác chuyên môn và phục vụ người dân, doanh nghiệp tiến tới xây dựng chính quyền điện tử và Chính phủ điện tử. Áp dụng Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ TN&MT phiên bản 1.0 (Quyết định số 3339/QĐ-BTNMT) và Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng, phiên bản 1.0 (Quyết định 3379/QĐ-UBND tỉnh Sóc Trăng), Sở TN&MT xây dựng khung kiến trúc CNTT ngành TN&MT từ đó, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu, xây dựng lộ trình triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT phù hợp. Đồng thời, triển khai Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của Bộ TN&MT từ năm 2018, thông qua hệ thống này, đơn vị nhận văn bản của Bộ TN&MT, các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương khác (từ lúc triển khai đến nay đã nhận gần 500 văn bản), sau đó các văn bản được tích hợp và Hệ thống quản lý văn bản điều hành của tỉnh Sóc Trăng để xử lý, đơn vị chưa xử lý và gửi văn bản đi trên hệ thống này vì tỉnh Sóc Trăng có hệ thống văn bản điện tử điều hành được tích hợp lên trục liên thông văn bản quốc gia và đã ban hành quy chế thực hiện.
Triển khai Hệ thống quản lý văn bản điều hành từ năm 2012 và chính thức sử dụng từ năm 2018, qua đó, Sở đã tiết kiệm được đáng kể văn phòng phẩm và nhân lực phục vụ công tác văn thư, lưu trữ (từ năm 2018 đến nay đã tiếp nhận trên 32.000 văn bản, phát hành trên 2.200 văn bản). Hiện nay, thực hiện theo quy chế của UBND tỉnh, hầu hết các văn bản thông thường (không cần thiết văn bản giấy theo quy định) đã được trao đổi trên hệ thống quản lý văn bản, điều hành. Văn bản điện tử được ký số theo quy định, hiện tại tỉnh đã cung cấp chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ cho lãnh đạo Sở, lãnh đạo, quản lý các phòng, đơn vị, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và một số công chức, viên chức khác có nhu cầu sử dụng.
Hệ thống liên thông thuế điện tử giữa Sở TN&MT với Cục Thuế tỉnh trong năm 2019 đang triển khai, thông qua dự án sẽ đầu tư trang thiết bị cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh, hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai, tích hợp thông tin từ cơ sở dữ liệu đất đai với hệ thống Một cửa điện tử.
Đối với phục vụ người dân và doanh nghiệp, Sở TN&MT quan tâm thực hiện, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và công khai công bố thông tin của Ngành theo quy định của pháp luật để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Một số kết quả đạt được như sau:
Cổng thông tin điện tử của Sở được xây dựng từ năm 2010, triển khai hoạt động chính thức từ năm 2012 đến nay, nội dung Cổng thông tin điện tử đáp ứng quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP về quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Cổng thông tin điện tử được cập nhật hàng trăm tin, bài, nội dung phản ánh về các hoạt động của Ngành, các thông tin cần cung cấp cho người dân và doanh nghiệp biết và các thông tin khác theo quy định.
Hệ thống công khai thông tin TN&MT được đưa vào hoạt động từ năm 2017 đến nay, đây là cổng thông tin cung cấp thông tin chuyên ngành về TN&MT với bản đồ trực tuyến (bản đồ hành chính, hiện trạng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyên đề khác), dữ liệu, tài liệu đa dạng theo quy định của pháp luật phục vụ nhu cầu khai thác thông tin về TN&MT của các cấp lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp, thông tin được cập nhật kịp thời sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Triển khai Hệ thống Một cửa điện tử năm 2014, Sở thường xuyên rà soát các TTHC, các dịch vụ công để xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý và hoàn trả hồ sơ trên hệ thống này. Hiện tại, tất cả các hồ sơ TTHC, các dịch vụ công của Sở được tiếp nhận hồ sơ và theo dõi qua hệ thống này nhằm đảm bảo cho cơ quan có thẩm quyền và người dân, doanh nghiệp giám sát được quá trình xử lý hồ sơ của công chức, viên chức được phân công. Hiện tại, đơn vị đã công bố hơn 105 TTHC và dịch vụ công trực tuyến lên hệ thống, trong đó có 25 TTHC và dịch vụ công đạt mức độ 3.
Triển khai ứng dụng chuyên ngành cơ sở dữ liệu
Thực hiện xây dựng CSDL đất đai, quản lý hồ sơ địa chính bằng phần mềm Vilis: Sở triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai huyện Kế Sách, hoàn thành đầu tư hệ thống CNTT phục vụ quản lý CSDL đất đai cho toàn tỉnh và tiếp tục xây dựng CSDL đất đai cho các đơn vị huyện Châu Thành, TP. Sóc Trăng, thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu. Đầu tư xây dựng phần mềm, cập nhật cơ sở dữ liệu để xây dựng CSDL TN&MT theo Nghị định số 73/2017/NĐ-CP về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu TN&MT (trước đây là Nghị định số 102/2008/NĐ-CP) từ năm 2014. Hiện tại, hệ thống gồm các phân hệ quản lý CSDL môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, quan trắc, thanh tra, đất do các tổ chức sử dụng. Hàng năm, cập nhật đầy đủ dữ liệu và tổ chức công khai, công bố, cung cấp theo quy định.
Đầu tư Hệ thống quan trắc tự động phục vụ nuôi trồng thủy sản kết hợp BVMT gồm 6 trạm quan trắc nước mặt, không khí trong năm 2018-2019. Dự án đầu tư trang thiết bị quan trắc tự động, thiết bị CNTT, phần mềm quản lý, thiết bị theo dõi, quan sát, xây dựng trung tâm điều hành (giao cho Trung tâm CNTT sử dụng). Triển khai các phần mềm, ứng dụng khác phục vụ chuyên môn đo đạc, cấp giấy chứng nhận, quản lý hồ sơ lưu trữ,… phục vụ tin học hóa nghiệp vụ chuyên môn.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ứng dụng CNTT của Sở TN&MT vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của Trung tâm CNTT chưa được quy định rõ ràng như các đơn vị khác trực thuộc Sở gây khó khăn cho công tác bố trí nhân sự và kinh phí thực hiện nhiệm vụ; một số nhiệm vụ ứng dụng CNTT chưa có định mức, định biên cụ thể nên không xây dựng được đơn giá cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN, khó cho việc lập dự toán ứng dụng CNTT (quản lý hạ tầng CNTT, hỗ trợ thực hiện các ứng dụng, phần mềm,...). Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 chưa đạt hiệu quả, hồ sơ tiếp nhận chưa nhiều do địa bàn nhỏ, đi lại thuận tiện, đa số người dân và doanh nghiệp quen với việc nộp hồ sơ trực tiếp (thực hiện nhanh, hoàn thiện, bổ sung sai sót hồ sơ dễ dàng), một phần người dùng chưa đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (máy tính, máy quét), thành phần hồ sơ của Ngành đa số phức tạp, xử lý qua nhiều cơ quan, một số cần bản gốc để đối chiếu, chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan có thẩm quyền về thủ tục hành chính dạng điện tử. Dữ liệu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ còn rời rạc chưa được tích hợp, quản lý có hiệu quả; trao đổi cơ sở dữ liệu giữa Bộ và các địa phương, các địa phương với nhau chưa được hướng dẫn cụ thể theo quy định tại Nghị định số 73/2017/NĐ-CP.
Phát huy các ưu điểm đã đạt được, khắc phục các hạn chế, trong giai đoạn tiếp theo, Sở tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Ngành, chú trọng triển khai, cập nhật khung kiến trúc CNTT của Sở TN&MT phù hợp với Khung Chính phủ điện tử của Bộ và Khung chính quyền điện tử tỉnh Sóc Trăng và tổ chức thực hiện. Duy trì, nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (nhất là mức độ 3) để phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ người sử dụng dịch vụ đồng thời đơn giản hóa hồ sơ theo đúng quy định; sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý, điều hành đang triển khai. Tiếp tục xây dựng CSDL ngành TN&MT, tổ chức công bố, công khai, đưa vào sử dụng có hiệu quả; tin học hóa công tác chuyên môn, quản lý chặt chẽ, đồng bộ dữ liệu chuyên môn nghiệp vụ.
HÀ ANH