Sau Tết, miền Tây lo ứng phó xâm nhập mặn
06/02/2022TN&MTCác đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh… ở miền Tây.
Ngày 6/2, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nồng độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ ở mức khá cao.
sau tết, miền tây lo ứng phó xâm nhập mặn
Những cánh đồng lúa ở ĐBSCL khô cằn, nứt nẻ trong các đợt xâm nhập mặn.
Cụ thể, độ mặn tại cống Hóc Pó (xã Lương Nghĩa) ở mức 3,5‰; tại UBND xã Lương Nghĩa là 3,4; kênh Thanh Thủy và bến phà Ngan Dừa cùng có nồng độ mặn ở mức 1,6‰. Riêng TP Vị Thanh và một số điểm chính tại huyện Châu Thành và TP Ngã Bảy, nồng độ mặn dưới 1‰.
Nồng độ mặn tại một số điểm chính trên địa bàn huyện Long Mỹ từ đầu tháng 2 đến nay luôn duy trì ở mức cao, có thời điểm lên đến 3,8‰.
Trước tình hình trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị ngành chức năng huyện Long Mỹ cần chủ động thực hiện tốt các giải pháp ứng phó theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, nhất là việc vận hành đóng, mở các cống ngăn mặn cho phù hợp với tình hình ở từng vùng.
Đồng thời khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình độ mặn từ cơ quan chức năng để có giải pháp ứng phó hiệu quả nhằm bảo vệ tốt cây trồng, vật nuôi.
Hiện nay, vùng ĐBSCL đã bước vào mùa khô, mực nước ở thượng lưu xuống thấp nên xâm nhập mặn đến sớm hơn trung bình nhiều năm và xâm nhập sâu vào nội đồng cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh từ cuối tháng 1/2022; các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2, 3 (từ ngày 13-17/2, từ 26/2-5/3, từ ngày 14-19/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ ngày 14-19/3, từ ngày 28/3-3/4, từ ngày 12-17/4).
Tại Bạc Liêu, dự báo mùa khô năm 2021 - 2022 vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn khá gay gắt. Cụ thể, đối với vụ lúa đông xuân 2022, có nguy cơ thiếu nước do nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu về Bạc Liêu qua trục quản lộ Phụng Hiệp dự báo sẽ thiếu hụt. Thêm vào đó nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn sớm sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nước từ Sóc Trăng về Bạc Liêu.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước ngọt dự báo có nhiều khả năng bị nhiễm phèn nên chi phí sản xuất vụ đông xuân sẽ tăng nếu diễn biến nguồn nước và thời tiết bất lợi do sử dụng nhiều nhiên liệu bơm tát để tưới chống hạn.
Đối với diện tích trồng rau màu, do tác động của hạn hán xâm nhập mặn kéo dài sẽ gây khó khăn cho diện tích sản xuất rau màu. Dự báo diện tích rau màu có nguy cơ thiếu nước ngọt trong các tháng 3 - 4/2022, chất lượng nước ngọt không cao do bị nhiễm phèn dẫn đến năng suất rau màu không cao…
Theo baogiaothong.vn