Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân

02/11/2023

TN&MTNhiều năm qua, bờ biển ở thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nghiêm trọng, khiến nhiều nhà cửa bị hư hỏng, đất đai vườn tược bị cuốn trôi ra biển, đe dọa đến tính mạng, tài sản và cuộc sống của người dân địa phương.

Người dân thôn Trung Phường cho biết, khoảng 10 năm trước, khu vực ven bờ biển địa phương xuất hiện tình trạng xói lở. Thời điểm này, một số nhà dân nằm bên bờ biển đã bắt đầu sơ tán vào mùa mưa bão. Triều cường và lũ lớn ở thượng nguồn đổ về ngày càng diễn biến bất thường khiến bờ biển vùng đất này luôn bị đe dọa.

Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân
Người dân thôn Trung Phường dùng cọc tre làm kè tạm để giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ biển.

Bà Nguyễn Thị Bảy (thôn Trung Phường) cho biết, từ năm 2013 trở về trước, nhiều gia đình vẫn định cư, sinh hoạt trong những ngôi nhà nằm cách vị trí bờ biển khoảng 500m, nhưng sau năm 2013 bà con đã phải di dời đến chỗ ở mới vì sóng biển nhấn chìm nhà cửa, đất đai vườn tược.

Theo bà Bảy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở là do bờ biển nằm gần cửa sông Thu Bồn chảy ra biển Cửa Đại nên mỗi khi vào mùa mưa bão, lưu lượng nước ở thượng nguồn chảy xuống rất mạnh, cộng với sóng biển đánh mạnh vào bờ làm sạt lở nghiêm trọng. “Hiện tại ngôi nhà của tôi chỉ cách điểm sạt lở bờ biển khoảng 10m, nếu tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn như hiện nay chỉ khoảng vài tháng nữa, nhà của tôi có nguy cơ bị sập. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây kè cứng để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển” - bà Bảy nói.

Đang đóng cọc tre ở đoạn bờ biển sạt lở, ông Trương Công Trực (thôn Trung Phường) chia sẻ: Đợt mưa hồi tháng 9 vừa qua, sau khi tàn phá tan hoang khu vực ven bờ, nước biển khoét vào ngay vị trí trước nhà tôi, tạo thành con lạch nhỏ sâu hơn 1m. Nếu tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn như hiện nay, chẳng bao lâu nữa ngôi nhà của tôi cũng sẽ như nhiều hộ dân trước đây bị sóng biển đánh sạt lở đổ sập hư hỏng.

“Trước tình trạng sạt lở, nhiều người dân thôn Trung Phường đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua tre, cát về làm bờ kè tạm dọc đoạn bờ biển. Thế nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài rất mong cơ quan cấp trên sớm đầu tư xây bờ kè cứng để bảo vệ bờ biển, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân” - ông Trực nói.

Hiện đoạn bờ biển thôn Trung Phường có hơn 1km bị sạt lở đã tạo thành bờ vực cao hơn 1m và lấn sâu vào bên trong tạo hàm ếch rất nguy hiểm. Cạnh đoạn bờ biển sạt lở làm hư hỏng 2 ngôi nhà của người dân và làm nhiều cây cối trồng dọc bờ biển ngã đổ cuốn trôi ra biển. Người dân địa phương dùng tre đóng cọc xuống biển thành hàng dài hơn 200m, nhằm hạn chế sóng biển đánh vào bờ.

Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân
Nhiều ngôi nhà ở thôn Trung Phường bị sóng biển làm sập

Ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết: Tình trạng sạt lở bờ biển thôn Trung Phường mỗi năm từ 15 đến 20m, khiến 47 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng đến đất vườn, nhà cửa. Trước sự việc này chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện Duy Xuyên và UBND tỉnh Quảng Nam với mong muốn đầu tư xây dựng bờ kè cứng ở đây. Việc kè biển rất quan trọng với địa phương, vì không chỉ đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân mà còn thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển du lịch.

Còn theo, ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên: Chính quyền địa phương đã kiểm tra tại đoạn bờ biển sạt lở, nhưng do kinh phí đầu tư bờ kè quá lớn so với ngân sách của huyện, do đó, UBND huyện Duy Xuyên đã kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất với Trung ương bố trí vốn để xây kè.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc tăng cường theo dõi, phối hợp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, chú ý các khu vực bờ sông, bờ biển đang có hiện tượng sạt lở như: bờ biển Cửa Đại, TP Hội An; bờ biển thôn An Lương đến thôn Trung Phường, xã Duy Hải; bờ biển thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ; bờ biển thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành; bờ biển thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và vùng ven biển, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều điểm sạt lở chưa thể khắc phục, vì nếu khắc phục hết 125km bờ biển thì cần một nguồn lực rất lớn. Do đó rất mong muốn các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Nam nhằm khắc phục những đoạn sạt lở xung yếu nhất tại huyện Duy Xuyên, huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ.

Theo http://daidoanket.vn

Tin tức

AFD cam kết tăng cường hợp tác về khí hậu và môi trường với Việt Nam

Đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE đạt đột phá

Thủ tướng động viên nhóm sinh viên Việt Nam đạt thành tích tại COP28

Thúc đẩy khoản vốn 5-7 tỷ USD của WB cho Việt Nam trong 3 năm tới

Tài nguyên

Tàu vận tải bị sóng đánh trôi vào bờ biển Cù Lao Chàm

Năm 2024, Hà Nội dự kiến thu hồi hơn 12.800 ha đất để triển khai công trình, dự án

Tập huấn trực tuyến về Thử thách Thiết kế nước rút (Sprint Challenge)

Tự ý phân 233 lô đất, lừa hơn 8 tỷ đồng

Môi trường

Cần thay đổi công nghệ xử lý rác để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Củ Chi

Hà Nội phát động chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường năm 2024

Bộ TN-MT cấp phép môi trường cho nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình: Bảo vệ môi trường gắn với sản xuất kinh doanh

Diễn đàn

Thời tiết ngày 3/12: Miền Bắc tăng nhiệt nhẹ, Trung Bộ còn mưa lớn

Xe buýt điện ngưng hoạt động và cam kết COP26

Thời tiết ngày 2/12: Miền Bắc vẫn rét, Trung Bộ tiếp diễn mưa lớn

Sức mạnh của sự đồng thuận: An cư ở khu tái định cư “kiểu mẫu”

Phát triển

Tháp Thần Nông ở Bắc Ninh được xác lập kỷ lục châu Á

Bình Dương đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Châu Á 2023

Quy hoạch bảo quản, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn

Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mekong thực hiện Hiệp định ASEAN: Hướng đến một cộng đồng có môi trường trong sạch, phát triển bền vững

Video

Đón Anh về - Lời thơ của tác giả Đặng Quốc Khánh

Thế giới lo sợ vì Biến đổi khí hậu đã “ngoài tầm kiểm soát” và kêu gọi hành động toàn cầu

Chương trình "Ký ức màu xanh, năm 2023" tri ân tại Sơn La

Diễn đàn môi trường năm 2023: Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên

Khoa học

Giải pháp cho công tác quản lý môi trường các khu công nghiệp

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi số cấp xã ở Tuyên Quang

Phi carbon hóa máy bay

Công nghệ sinh học tạo ra loại bê tông mới có thể tự vá các vết nứt

Chính sách

Đề xuất hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái

Ban hành Thông tư hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng ngành Tài nguyên và Môi trường

Đắk Nông cắt giảm 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2025