Sạt lở bờ kè, hàng chục nhà dân ở Hà Nội đứng trước nguy cơ bị 'nuốt chửng'
19/05/2024TN&MTHơn nửa năm qua, tình trạng sụt lún đoạn dài bờ kè xóm Bãi, thôn Vân Hội (xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội) làm nhiều gia đình phải di tản. Hơn 40 nhà ở, công trình của người dân có nguy cơ bị sông Đà, sông Thao, sông Hồng “nuốt chửng”.
Nằm tại ngã ba sông, xã Phong Vân là nơi hợp lưu của sông Đà và sông Hồng với địa phận thuộc Hà Nội và Phú Thọ. Từ nhiều tháng nay, như thông lệ, người dân xóm Bãi, thôn Vân Hội lại cắt cử người dân đi tuần dọc đường đê ven sông để xua đuổi tàu hút cát, bảo vệ những ngôi nhà dọc đê.
Ông Ngô Văn Phương bất an khi chứng kiến vết nứt trên tường rào ngày càng mở rộng
Hơn 40 hộ dân tại xã Phong Vân bị sụt lún, nứt toác do sạt lở bờ kè sông
Các cảnh báo được cắm dọc khu vực bờ kè bị sạt lở
Ông Ngô Văn Phương (64 tuổi, thôn Vân Hội, xã Phong Vân, H.Ba Vì, Hà Nội) suốt nhiều tháng nay luôn phải sống trong lo sợ ở chính ngôi nhà của mình. Những vết nứt chạy dài hàng chục mét, rộng từ 5 đến 7 cm như xé toạc ngôi nhà kiên cố mà cả đời ông tích cóp xây dựng.
Chỉ vào vết nứt trên ngôi nhà của mình, ông Phương cho biết ban đầu chỉ là vết nứt nhỏ xuất hiện trên tường nhà, phát triển mở rộng và kéo dài ra sân, vườn của gia đình và 9 hộ dân cùng dải đất.
"Gặp hôm mưa lớn là không dám ở trong nhà. Kêu cứu lên chính quyền nhưng không có biện pháp ngăn chặn được, chỉ thấy các vết nứt trong nhà, ngoài sân mỗi ngày một lớn hơn. Cứ thế này thì mất nhà đến nơi, xót xa lắm. Rồi mất nhà thì tôi biết ở chỗ nào", ông Phương bộc bạch.
Cùng cảnh ngộ với ông Phương, bà Ngô Thị Bất (85 tuổi) cũng vô cùng bất an khi ngôi nhà gắn bó với cả cuộc đời bà do con cháu trong dòng họ đóng góp đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ". Ngôi nhà sụt lún nghiêm trọng, bà Bất tuổi cao, sức yếu lại sống một mình nên mỗi khi mưa gió, con cháu lại phải chạy sang đưa bà đến trú tạm nhà hàng xóm để đảm bảo an toàn.
Lãnh đạo UBND xã Phong Vân cho biết số nhà dân có hiện tượng nứt tường, nền gạch thời gian qua có dấu hiệu tăng nhanh, bắt đầu từ cuối năm 2023. Các nhà này tập trung ở khu vực xóm Bãi, nằm men theo bờ kè đoạn giao giữa sông Hồng, sông Đà và sông Thao.
Tới đầu tháng 5, địa phương phát hiện thêm các vết nứt song song với đường đỉnh kè trên gần như toàn bộ xóm Bãi. Các vết nứt kéo dài tới 90 m từ đầu tới cuối xóm trong khu vực vườn, tường rào và nhà dân.
Hoạt động khai thác cát ở ngã ba sông Đà - sông Hồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân khu vực xóm Bãi, Phong Vân
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch huyện Ba Vì, cho biết địa bàn Phú Thọ, giáp ranh với huyện Ba Vì, thời gian qua diễn ra tình trạng khai thác cát sông Đà, sông Hồng công khai, tấp nập. Tuy nhiên, huyện không được cung cấp hồ sơ cấp phép về hoạt động khai thác để phối hợp quản lý, giám sát.
Để bảo vệ nhà dân, huyện Ba Vì đã đề xuất thành phố báo cáo với các bộ ngành và đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ tạm dừng việc khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng thuộc khu vực giáp ranh huyện Ba Vì.
Trong thời gian tới, huyện Ba Vì cũng đề nghị phối hợp giữa hai địa phương về việc tổ chức đánh giá tác động của việc khai thác cát đến dòng chảy, ảnh hưởng đến tình hình sạt lở đê cấp 1 bờ hữu sông Hồng thuộc huyện Ba Vì.
Các đơn vị liên quan phải công khai hồ sơ cấp phép nếu có, đánh giá tác động đến lòng, bờ sông để chính quyền và nhân dân biết, phối hợp quản lý, giám sát khai thác, ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản không đúng quy định của pháp luật nếu có.
Trước khi hoạt động khai thác cát với các tàu ở khu vực này tạm dừng, chính quyền địa phương mong muốn đơn vị chức năng sớm có chỉ đạo, phương án để nâng cấp, gia cố lại bờ kè, nhằm đảm bảo ổn định đời sống người dân tại địa phương.
Theo tienphong.vn