Quyết tâm và khát vọng chuyển đổi số ở Đồng Tháp
18/10/2022TN&MTĐối với một địa phương “khuất nẻo” như Đồng Tháp, chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng, là chìa khóa để giải quyết những điểm nghẽn về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông…
Các bạn trẻ ở Đồng Tháp tham gia phiên chợ khởi nghiệp dùng nền tảng số, giao dịch không dùng tiền mặt.
Tỉnh Đồng Tháp đang cho thấy sự quyết tâm trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số. Địa phương xem đây là vấn đề mang tính cấp bách, là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tuổi trẻ ứng dụng tối đa chuyển đổi số
Tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số, ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Chuyển đổi số đã được các cơ quan, đơn vị ở Đồng Tháp thực hiện từ khá sớm. Cách đây hơn 2 tháng, lần đầu tiên tại một kỳ đại hội quan trọng đã tạo ấn tượng mạnh đối với đại biểu và người dân, đặc biệt là các bạn trẻ.
Đó là tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp, đây là đại hội điểm đồng bằng sông Cửu Long, đã ứng dụng tối đa chuyển đổi số.
Cụ thể, đại biểu đến dự đại hội check-in đầu vào để kiểm soát, đồng thời khi biểu quyết các chỉ tiêu, thay vì trước đây giơ tay, thì giờ đây đã được tích hợp trên app. Ngoài ra, tổ chức triển lãm, phiên chợ khởi nghiệp dùng nền tảng số, giao dịch không dùng tiền mặt. Bên ngoài hội trường, đại hội tổ chức hoạt động ứng dụng không gian sáng tạo chuyển đổi số, chuyến xe công nghệ, trải nghiệm không gian 3D…
Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp ký kết ghi nhớ với ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam.
Đến nay, nhiều huyện đoàn, thành đoàn đã thành lập các “Tổ thanh niên chuyển đổi số” thực hiện các phần việc về chuyển đổi số. Các Huyện đoàn, Thành đoàn còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các mô hình như: Tổ hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho hội quán, IT áo xanh, gắn mã “QR code” giới thiệu về các địa danh lịch sử tại địa phương.
Tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, Huyện đoàn thành lập 8 đội hình “Áo xanh đồng hành chuyển đổi số” và 1 “Tổ thanh niên hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng” tại các xã, thị trấn. Nhiệm vụ của đội hình “Áo xanh đồng hành chuyển đổi số” là phối hợp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Thanh niên Đồng Tháp chiếm 16,4% dân số tỉnh, đây là lực lượng to lớn, giàu tiềm năng và cũng góp phần rất quan trọng trong công tác thực hiện chuyển đổi số.
Do đó, Tỉnh đoàn tập trung tuyên truyền cho cán bộ đoàn viên, người dân nắm những kiến thức, giá trị của chuyển đổi số trong cuộc sống. Thực hiện chuyển đổi số, các bạn đoàn viên, thanh niên phải xác định các phần việc ngay từ đầu. Trong các kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp phải áp dụng ngay chuyển đổi số.
“Giảm triệt để các văn bản giấy, phương thức lãnh đạo, điều hành quản lý đoàn viên thông qua phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu. Một nhiệm vụ quan trọng khác là, đoàn viên sẽ tiếp tục tích cực đến nhà các hộ dân, hội quán, quán giải khát… nâng cao trình độ công nghệ sử dụng công nghệ thông tin cho bà con nhân dân như hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt ứng dụng”, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức cho biết.
Động lực tạo bước đột phá mới
Đối với một địa phương “khuất nẻo” như Đồng Tháp, chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng. Đó là chìa khóa để giải quyết những điểm nghẽn về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông; tạo ra thế giới phẳng, giúp mọi người bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức, được chính quyền thấu hiểu và phục vụ tốt hơn nhờ vào dữ liệu và công nghệ số.
Nhiều địa phương ở tỉnh Đồng Tháp dùng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa.
Tỉnh thực hiện chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp đổi mới tư duy, phương thức, giảm chi phí sản xuất, mở ra những mô hình sản xuất kinh doanh mới, những sản phẩm mới, thị trường mới. Chuyển đổi số còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất lao động và giải quyết các vấn đề xã hội, là con đường ngắn nhất để đưa Đồng Tháp phát triển hiện đại và thịnh vượng.
“Đồng Tháp đã chủ động xác lập mục tiêu và các bước đi phù hợp cho tiến trình chuyển đổi số. Với 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số, Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp được dày công xây dựng, hiện thực hóa tầm nhìn, quyết tâm và khát vọng của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh, thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ của các cấp, các ngành và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Đây là yếu tố tiên quyết bảo đảm cho sự thành công của Đề án”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp khẳng định.
Với 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số, Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp được dày công xây dựng, hiện thực hóa tầm nhìn, quyết tâm và khát vọng của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh, thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ của các cấp, các ngành và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa
Những năm qua, Đồng Tháp đã nỗ lực xây dựng hình ảnh địa phương và cải thiện môi trường đầu tư thông qua chỉ số PCI nằm trong tốp đầu cả nước. Do đó, cùng với việc xây dựng chính quyền điện tử, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống sẽ là động lực để cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp tạo ra bước đột phá mới.
Đồng Tháp đã tiên phong xây dựng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả như: sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu tại các huyện Tháp Mười, Lấp Vò, Tam Nông…, sử dụng bẫy đèn thông minh để dự báo tình hình sâu rầy, hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh được triển khai dựa trên dữ liệu, nền tảng số và đang xây dựng những cánh đồng thông minh, những hội quán, hợp tác xã thông minh, làng thông minh và tiến tới những đô thị thông minh trong thời gian tới.
Tại ngày Chuyển đổi số quốc gia và cũng là ngày Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị công bố ngày Chuyển đổi số và Đề án Chuyển đổi số tỉnh. Trên nền tảng Đề án Chuyển đổi số tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 3 đề án ở các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh như: Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục. Trong đó, Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp đã ban hành.
Mới đây, nền tảng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cũng được ra mắt. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết: “Đây là nền tảng dữ liệu giúp quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả; nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi”.
Nền tảng cũng tích hợp ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hóa trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê của ngành. Kết hợp hạ tầng cơ sở từ hệ thống giám sát sâu rầy thông minh, quan trắc nước, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, phát triển trên nền tảng IOT, AI để thu thập dữ liệu... Nền tảng này do Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thực hiện.
Thời gian qua, Đồng Tháp đã thực hiện nhiều chương trình đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số, như phát triển văn hóa, giáo dục, phòng, chống dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp, cải cách hành chính,… từ đó thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ trong chuyển đổi số ở Đồng Tháp.
“Trong thời gian tới, để phát triển kịp đà thay đổi theo xu hướng của thế giới, cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh xem chuyển đổi số là động lực để phát triển Đồng Tháp. Tỉnh cũng quyết tâm phấn đấu là địa phương chuyển đổi số đứng đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định.
Theo nhandan.vn