Quy hoạch không gian biển và tầm nhìn chiến lược
28/02/2023TN&MTQuy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch đa ngành nhằm phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển. Từ đó, định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển.
Tầm nhìn chiến lược
Quy hoạch không gian biển Việt Nam đang được Bộ TN&MT xây dựng và gấp rút hoàn thiện với kỳ vọng đảo ngược xu thế ô nhiễm, tạo lập một nền kinh tế biển phát triển bền vững. Theo đó, quy hoạch này xây dựng trên nguyên tắc phân vùng để thực hiện các mục tiêu khác nhau. Việc phân vùng sử dụng đất ven biển được thực hiện theo quy hoạch 4 vùng phát triển kinh tế được xác định tại Nghị quyết 36/NQ-TW; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh có liên quan.
ảnh minh họa
Phạm vi, nguyên tắc lập quy hoạch Phạm vi không gian: Bao gồm vùng đất ven biển là các đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Phạm vi thời gian: Quy hoạch không gian biển quốc gia được lập cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với tầm nhìn của Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Phạm vi các ngành kinh tế biển: Theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Mục tiêu đến năm 2030: Bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả không gian biển; tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển theo hướng tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển; phát triển văn hóa, xã hội, các giá trị tự nhiên, lịch sử; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ 19 quyền, quyền và lợi ích quốc gia trên biển, hải đảo; đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.
Tầm nhìn đến năm 2050: Hoàn thiện việc phân bổ không gian biển nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, hệ sinh thái biển và hải đảo, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được sử dụng hiệu quả, bảo đảm cân đối được yêu cầu về phát triển bền vững kinh tế biển, mục tiêu thiên niên kỷ về biển, văn hóa, quốc phòng an ninh; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên; đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hoàn thành mục tiêu Việt Nam là quốc gia giàu mạnh về biển.
Nỗ lực và đồng hành của cơ quan quản lý và chuyên gia quốc tế
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân: Quy hoạch không gian biển quốc gia phải tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội
Lập quy hoạch không gian biển quốc gia là một nhiệm vụ khó và phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Do vậy, việc tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan, chuyên gia trong và ngoài nước, nhà khoa học, quản lý được xem là việc “mở đường” tháo gỡ những vướng mắc, để quy hoạch được đảm bảo chất lượng, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội,…
Dự thảo được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế - xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài, nhiều đảo; đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, sự suy giảm nguồn lợi và tài nguyên biển và tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo và tăng cường hợp tác quốc tế.
“Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” là loại quy hoạch đa ngành, khó và phức tạp, lần đầu tiên được lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận không gian, tổng hợp. Do vậy, tôi mong muốn chúng ta phải làm sáng tỏ hơn các nội dung của quy hoạch; vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan và các giải pháp để thu hút, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện quy hoạch trên thực tế, cũng như việc quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch sau này.
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Quy hoạch không gian biển là cần thiết và cấp bách
Dân số tăng nhanh và nhu cầu tiêu dùng thay đổi đã làm tăng nhu cầu về lương thực, năng lượng và thương mại từ các vùng biển. Do hạn chế về tài nguyên và không gian trên đất liền, tỷ trọng hàng hóa và dịch vụ ngày càng lớn đến từ các khu vực ven biển và biển.
Dự báo trong 20 năm tới, hoạt động của con người ở nhiều khu vực biển sẽ tăng lên đáng kể. Những hoạt động truyền thống như vận tải biển, khai thác cát và giải trí trên biển vẫn giữ được tầm quan trọng nhất định. Hoạt động khai thác dầu khí sẽ tiếp tục diễn ra ở những khu vực biển xa và sâu hơn. Khai thác thủy sản vẫn tiếp tục diễn ra nhưng ở mức thấp hơn do trữ lượng giảm dần, mức độ khai thác cũng bị hạn chế do cạnh tranh về không gian biển.
Vì vậy, quy hoạch không gian biển là một cách thiết thực để tạo ra và thiết lập một tổ chức hợp lý hơn trong việc sử dụng không gian biển và mối tương tác giữa các mục đích sử dụng của nó, nhằm cân bằng nhu cầu phát triển với sự cần thiết bảo vệ các hệ sinh thái biển và đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội một cách cởi mở và có kế hoạch.
Quy hoạch không gian biển là nhiệm vụ then chốt, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị chịu trách nhiệm chính là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện xây dựng. Quy hoạch không gian biển trên nguyên tắc phân vùng dựa vào hệ sinh thái và nhu cầu sử dụng của các ngành kinh tế biển, có tính liên vùng, liên địa phương.
Phát triển toàn diện các không gian liên quan đến biển Việt Nam, bao gồm vùng bờ, vùng biển, vùng trời trong phạm vi 28 tỉnh, thành có biển. Quy hoạch biển là nền tảng và cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Chính phủ về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi- Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Không gian biển là hữu hạn, tiếp cận có kế hoạch sử dụng không gian biển đang trở nên cần thiết
Phân vùng sử dụng vùng bờ và biển hoàn toàn không đơn giản, trước hết bởi tính phức tạp của không gian biển. Bản chất lưu thông của nước biển và tính di biến động của các dạng tài nguyên sinh vật; tính đan xen của các yếu tố sinh thái, môi trường và tài nguyên biển theo không gian ba chiều. Bản chất chia sẻ, sử dụng đa ngành và thường cạnh tranh nhau của các hệ thống tài nguyên biển, sự tương tác giữa lục địa và biển ở vùng bờ đều là thách thức lớn.
Mặt khác, đời sống cư dân ven biển thường xuất phát điểm thấp và chưa phải là đối tượng được chú trọng đầu tư cả về nhận thức và khoa học kỹ thuật. Kế hoạch phân vùng sử dụng biển lâu dài, quy hoạch sử dụng đất ven biển hiện tại cũng như cơ chế chính sách và thể chế quản lý vùng bờ và biển hiện hành, do vậy không phải "một sớm, một chiều” có thể điều chỉnh ngay được.
Song việc xác định đúng vị trí pháp lý, tên gọi của quy hoạch không gian biển đang là một đòi hỏi thực tiễn khách quan cực kỳ cấp bách. Nó xuất phát từ cả nhu cầu phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh - điều mà các nước láng giềng phía bắc đã làm và thông qua phương án phân vùng chức năng biển. "Không thể để một quốc gia "ba phần tư tổ quốc là biển” mà lại thiếu công cụ quy hoạch để quản lý, khai thác và sử dụng.
Với ý thức rằng không gian biển là hữu hạn, thì một cách tiếp cận có kế hoạch sử dụng không gian biển đang trở nên cần thiết. Mục tiêu và khác biệt của quy hoạch không gian biển so với quy hoạch các ngành khác, là nó chú trọng đến phương thức giải quyết xung đột trong việc sử dụng không gian (ba chiều) của các ngành, trên một vùng biển cụ thể. Nó đồng thời tăng tính tương thích trong các hoạt động sử dụng tài nguyên môi trường biển. Để cách tiếp cận này thành công, cơ quan trung ương cần ban hành những quy định về hệ thống hóa sự phối hợp liên ngành và quy trình ra quyết định tổng hợp.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: UNDP tiếp tục thúc đẩy và tăng cường công việc về quy hoạch không gian biển
Đại dương cung cấp các cơ hội quan trọng cho sự phục hồi kinh tế xanh và kinh tế biển, đồng thời mang lại tiềm năng to lớn cho năng lượng gió ven bờ và xa bờ, nếu được phát triển bền vững, sẽ hỗ trợ an ninh năng lượng và giúp Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
UNDP sẽ tiếp tục thúc đẩy và tăng cường công việc về quy hoạch không gian biển, yếu tố quan trọng để mở ra tiềm năng của nền kinh tế biển xanh, và đặc biệt là tận dụng tiềm năng to lớn của Việt Nam về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng cho mục tiêu về khí hậu của quốc gia.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: Quy hoạch không gian biển mở cơ hội khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng gió biển
Việc quản lý bền vững các khu vực biển và ven biển là công cụ quan trọng giúp Việt Nam trong phát triển kinh tế biển xanh, thúc đẩy phát triển các ngành mới giúp tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm. Đặc biệt, quy hoạch vùng bờ và quy hoạch không gian biển mở cơ hội khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng để đạt mục tiêu về khí hậu của Việt Nam. Quy hoạch vùng bờ cũng sẽ giúp đảm bảo phát triển tối ưu và hài hòa giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên ven biển của Việt Nam, cũng như đảm bảo bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Bà Mette Moglestue- Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam: Một quy hoạch không gian biển có chất lượng là chìa khóa thành công.
Gói hỗ trợ kỹ thuật trong 3 năm này sẽ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch không gian biển bằng cách nhấn mạnh vào việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới trong lĩnh vực biển. Quy hoạch tổng hợp thúc đẩy phát triển biển bền vững ở các tỉnh mục tiêu cũng sẽ được tiến hành.
Na Uy là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng các kế hoạch quản lý vùng bờ và đại dương. Kinh nghiệm quản lý tích hợp biển và đại dương của Na Uy cho thấy việc phát triển một nền kinh tế đại dương mạnh mẽ đồng thời với việc đảm bảo môi trường biển sạch và lành mạnh là điều hoàn toàn có thể. Một quy hoạch không gian biển có chất lượng là chìa khóa thành công.
|
Diệp Anh