Quy hoạch không gian biển: Đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường
13/09/2023TN&MTCục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia (dự thảo) trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành cùng với 28 tỉnh, thành phố có biển.
Tư tưởng xuyên suốt Quy hoạch là bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái, đa dạng sinh học, kỳ quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát huy các giá trị văn hóa, xã hội, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển.
Để giúp bạn đọc hiểu thêm một số nội dung của dự thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trao đổi với phóng viên Tạp chí vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết những mục tiêu quan trọng được đưa ra trong quy hoạch không gian biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? tiến độ hoàn thiện dự thảo đến đâu?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Hiện nay, dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện, trong đó có đưa ra mục tiêu cụ thể và đây cũng là vấn đề được chúng tôi và các bên liên quan, các cấp cũng đang nghiên cứu, đã bàn thảo nhiều về các mục tiêu này để đảm bảo tính khả thi.
Một số mục tiêu quan trọng đã được đặt ra trong dự thảo quy hoạch, đó là mục tiêu về phát triển kinh tế biển, xã hội về môi trường, QP-AN, hợp tác quốc tế. Ví dụ, đối với mục tiêu về phát triển kinh tế biển cũng đang đặt ra đến năm 2030, các tỉnh, thành phố thuộc trung ương có biển sẽ đóng góp vào khoảng 65 đến 70% GDP cả nước.
Với môi trường, đây là một trong những mục tiêu mà chúng ta cần phải đặt ra và nó xuyên suốt các nội dung chi phối các vấn đề trong quy hoạch, làm sao phải quản lý, bảo vệ tốt được môi trường và bảo vệ được tài nguyên, phấn đấu sẽ thành lập các khu bảo tồn biển với diện tích đạt được là 6% diện tích tự nhiên của các vùng biển Việt Nam. Các khu đô thị, khu công nghiệp, các khu kinh tế ven biển phải được quy hoạch xây dựng một cách đồng bộ, đạt các tiêu chí xanh, thông minh và có các khu xử lý chất thải. Đối với các mục tiêu hợp tác quốc tế, chúng ta phải đặt ra các vấn đề liên quan đến duy trì môi trường hòa bình, ổn định trật tự pháp lý trên biển, bảo đảm QP-AN và tăng cường mở rộng quan hệ quốc tế. Đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn phát triển bền vững biển và đại dương, góp phần vào mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW đã nêu là phải đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh, giàu, thịnh vượng từ biển.
Phóng viên: Xin ông cho biết quy hoạch không gian biển được hiểu cụ thể như thế nào và sẽ đáp ứng được gì trong điều phối, quản lý tài nguyên cũng như là bảo vệ môi trường biển?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Quy hoạch không gian biển hiện nay được lập bởi nhiều các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như: Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc, các nước Liên minh Châu Âu. Theo định nghĩa của Ủy ban viên Chính phủ về Hải dương học, quy hoạch không gian biển, được hiểu là sự phân bổ, sắp xếp các hoạt động của con người theo không gian biển theo thời gian, không gian để đạt được những mục tiêu KT- XH và môi trường.
Ở Việt Nam, theo Luật Quy hoạch, thì quy hoạch không gian biển là sự cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia và phân bổ sắp xếp các không gian theo các ngành/lĩnh vực, để đảm bảo khai thác hiệu quả tài nguyên BVMT biển trên các vùng đất ven biển, các đảo vùng trời thuộc chủ quyền quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Cùng với thực hiện Luật quy hoạch, chúng ta đang triển khai xây dựng để lập Quy hoạch không gian biển quốc gia. Chúng ta cũng biết, trên biển khác với đất liền, trên một vùng biển có thể có nhiều các hoạt động cùng diễn ra, do vậy nó có thể dẫn đến các mâu thuẫn chồng chéo trong quá trình khai thác sử dụng hoặc là gây nên những vấn đề về môi trường, phá hủy, cạn kiệt tài nguyên,… Do vậy, quy hoạch không gian biển sẽ hướng tới việc rà soát, đánh giá xem xét và phân bổ một cách hợp lý không gian và các ngành/lĩnh vực để đạt được mục tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển cũng như là BVMT biển.
Hiện nay trong dự thảo, chúng tôi có những đề xuất bởi các mục tiêu dài hạn tầm nhìn đến 2050 cũng như là một số các mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Ví dụ, mục tiêu về phát triển kinh tế biển, rồi các mục tiêu về xã hội, về môi trường, về QP- AN, mục tiêu về phát triển kinh tế biển thì quy hoạch cũng đặt ra là đến năm 2030, thì các ngành kinh tế biển sẽ có sự phát triển và đóng góp cho GDP. Trong đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển sẽ đóng góp từ 60 - 75% GDP của cả nước và các huyện ven biển thì đóng góp 11% -12%. Mục tiêu xã hội đến năm 2030 thì thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực biển sẽ gấp khoảng 1,2 lần so với mức bình quân của cả nước.
Phóng viên: Trong quy hoạch không gian biển, để đạt được mục tiêu hài hòa, bền vững, nguyên tắc phân vùng và tiêu chí phân vùng là những yếu tố đặc biệt quan trọng. Xin ông làm rõ để bạn đọc hiểu về những nội dung này?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Cái này thì đúng là một vấn đề kỹ thuật đặc biệt khó và cũng là vấn đề cốt lõi. Tôi nghĩ đây là nội dung trọng tâm nhất của quy hoạch không gian biển chính là sắp xếp phân bổ không gian biển. Trước tiên, phân vùng chức năng chủ yếu dựa trên chủ yếu những gì chúng ta đánh giá, phân tích về điều kiện tự nhiên, tiềm năng lợi thế của những vùng đó và trên cơ sở đó thì chúng phân thành các vùng chức năng có tiềm năng phát triển, chẳng hạn về thủy điện, về nuôi trồng thủy sản, phát triển điện gió hoặc là vùng có tiềm năng du lịch hoặc là vùng để đảm bảo QP-AN. Sau khi phân ra được các vùng chức năng, chúng ta sẽ tiến tới bước là phân vùng sử dụng biển. Phân vùng sử dụng biển chúng ta sẽ thực hiện trên cơ sở trước đó là đã có phân vùng chức năng và theo các chính sách chủ trương KT-XH, rồi xem xét đến nhu cầu khai thác sử dụng tài nguyên bảo vệ môi trường, nhu cầu kinh tế đảm bảo QP-AN thì chúng ta sẽ phân vùng sử dụng biển. Ở đây có thể hiểu một cách đơn giản là theo mục đích sử dụng thì chúng ta sẽ phân vùng sử dụng biển, tất cả những hoạt động đó chúng ta phải dựa trên những quy tắc và tiêu chí nhất định và các nghiên cứu tiêu chí này đã được nghiên cứu xây dựng một cách khoa học và tiếp cận hệ sinh thái theo các phương pháp hiện đại ở trên thế giới với tiếp cận hệ sinh thái cũng như là làm sao để hài hòa các vùng chức năng. Tức là với vùng biển đó có tiềm năng lợi thế đó nhưng chúng ta xét trong tổng thể ở trên các nguyên tắc nhất định và cân đối cả những ảnh hưởng. Ví dụ, ở phương diện khoa học công nghệ, vùng này sẽ làm gì, khi đó chúng ta sẽ xác định và chia được trên vùng biển Việt Nam, tất cả vùng biển Việt Nam chúng ta ra thành các vùng sử dụng biển và cũng tuân theo luật quy hoạch. Chúng ta sẽ chia thành các nhóm vùng, ví dụ như vùng cấm khai thác, vùng khai thác có điều kiện, rồi vùng phát triển, rồi khu vực bảo vệ đặc biệt, thì chúng ta sẽ chia làm các nhóm vùng.
Phóng viên: Khi thực hiện quy hoạch không gian biển sẽ đảm bảo được yếu tố hài hòa, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giữa các ngành kinh tế biển và cùng kết nối các ngành lĩnh vực trên đất liền và đồng thời hài hòa giữa các hệ sinh thái, chúng ta sẽ thực hiện quản lý vùng đất ven biển như thế nào để đạt hiệu quả tối đa, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Vùng đất ven biển là nơi sẽ tập trung rất nhiều hệ sinh thái quan trọng, cũng như tập trung rất nhiều các hoạt động KT-XH. Ở nước ta, trên 50% các người dân sống ở khu vực ven biển và ở nơi đây cũng là nơi mà cung cấp nhiều cái giá trị KT- XH nhất cho quốc gia. Vì vậy, trong quy hoạch không gian biển quốc gia đây là nội dung tập trung để nghiên cứu, phân bổ không gian cho hợp lý. Tuy nhiên, đối với vùng đất ven biển sẽ có rất nhiều quy hoạch điều chỉnh như về trục đất ruộng, đất quốc gia, hợp phần quy hoạch ruộng đất trong quy hoạch tỉnh, rõ ràng với thực tế và hiện trạng như vậy thì chúng ta phải có những tiếp cận ở một hướng nhất định. Hiện nay, trong quy hoạch công nhận biển quốc gia, chúng tôi hướng tới sẽ phân vùng sử dụng biển đối với các vùng đất ven biển theo bốn vùng đấy là vùng biển phía Bắc, vùng biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ ở vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ. Tập trung chủ yếu là phân bổ, sắp xếp ở các hoạt động rồi các mục đích liên quan đến phát triển giao thông đường bộ ven biển. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị và không gian cho các hoạt động hệ thống tầng kinh tế kỹ thuật ở xã hội ở vùng đất ven biển đó, làm sao nó phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia cũng như là đảm bảo phù hợp tương thích với quy hoạch ngành, quốc gia có liên quan ở vùng đất ven biển đó.
Phóng viên: Thưa ông, nếu như khu vực biển đã được giao cho doanh nghiệp khai thác làm điện gió, việc các đơn vị kinh doanh vận tải hay khai thác thủy sản còn được thuê để phát triển kinh tế và vận hành đường thủy hay không, quy hoạch không gian biển sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Để làm sao khai thác được tối đa tiềm năng lợi thế của các vùng biển, chúng ta phải đánh giá rồi mới phân vùng sử dụng biển để đáp ứng được yêu cầu mong muốn.
Tất nhiên, trong quy hoạch sử dụng không gian biển cần thiết phải điều tra đánh giá, trên các tiêu chí điều kiện, nguyên tắc lợi thế vùng biển để nhận diện vùng biển nào có tiềm năng cho nuôi trồng thủy sản, vùng nào có tiềm năng phát triển điện gió, tiềm năng cho du lịch hoặc là các vùng để phục vụ cho nhu cầu về giao thông hàng hải. Trên cơ sở đó, đưa ra dự báo, sẽ phân vùng và sử dụng các vùng biển cho các mục đích cụ thể. Hiện nay, theo quy định của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Theo đó, một vùng biển chỉ giao cho một tổ chức cá nhân sử dụng nhưng có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau làm sao mà các hoạt động, mục đích đó, nó không mâu thuẫn với nhau mà tương tác, hỗ trợ lẫn nhau để phát huy tối đa được cái tiềm năng của cái vùng biển đó.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Minh (thực hiện)
Trích: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2023