Quy hoạch điều tra địa chất về khoáng sản đến năm 2030 và tầm nhìn 2050
21/09/2023TN&MTTheo Ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam: Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Khoáng sản).
TS. Trần Bình Trọng giới thiệu nội dung chính của quy hoạch
Theo ông Trần Bình Trọng cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy hoạch Khoáng sản là hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, đánh giá tiềm năng khoáng sản phần đất liền; điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường, khoáng sản độc hại, phóng xạ, địa chất đô thị, di sản địa chất; điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản tại vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; cập nhật, tích hợp kịp thời thông tin, kết quả điều tra địa chất và khoáng sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
Quy hoạch đã nêu rõ mục tiêu cho từng giai đoạn:
Đến năm 2025: Hoàn thành 80% diện tích lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Tây Bắc, Trung Trung bộ; điều tra, khoanh vùng cảnh báo trượt lở đất đá, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ; điều tra đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, địa động lực và tài nguyên, môi trường vùng biển ven bờ tỷ lệ 1:100.000; điều tra địa chất, khoáng sản một số khu vực biển đến độ sâu 300 m nước và 1.500 m tỷ lệ 1:500.000. Đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị.
ảnh minh họa
Đến năm 2030: Hoàn thành 85% diện tích lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Bắc Trung bộ, đông bắc Bắc bộ; hoàn thành điều tra bổ sung, cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chất đô thị tỷ lệ 1:25.000 phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các thành phố trực thuộc trung ương.
Hoàn thành điều tra, đánh giá chi tiết và khoanh vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; lập bản đồ tai biến địa chất, địa chất môi trường các tỉnh thuộc khu vực miền núi; khoanh vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ sụt lún vùng đồng bằng sông Cửu Long; lập bản đồ di sản địa chất toàn quốc; hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ.
Hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các khu vực biển ven bờ có triển vọng khoáng sản sa khoáng và vật liệu xây dựng; điều tra địa chất tỷ lệ 1:500.000 một số vùng biển sâu, vùng biển quốc tế liền kề, gắn với tìm kiếm, phát hiện các khoáng sản biển sâu (kết hạch sắt - mangan, khí hydrate,...).
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thiện hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ có hiệu quả công tác điều tra địa chất, khoáng sản; kiện toàn và xây dựng các đơn vị địa chất tinh gọn, có năng lực chuyên môn, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả.
Tầm nhìn đến 2050: Hoàn thành điều tra lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000, đánh giá khoáng sản tại các khu vực có triển vọng còn lại trên phần đất liền; phát hiện, điều tra các khoáng sản ở vùng biển Việt Nam; hoàn thành điều tra bổ sung, cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chất đô thị tỷ lệ 1:25.000 phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các thành phố; điều tra, lập bản đồ địa hóa đa mục tiêu, cảnh báo tai biến địa chất chi tiết các tỉnh thuộc khu vực miền núi và trung du, ven biển; điều tra địa chất môi trường phục vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, hoàn thành điều tra, lập bản đồ di sản địa chất, công viên địa chất trên toàn quốc; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao về từng lĩnh vực điều tra địa chất, khoáng sản; hoàn thiện hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ điều tra địa chất, đánh giá khoáng sản đạt chất lượng, hiệu quả và độ tin cậy cao.
Được biết, trong quá trình lập quy hoạch, Bộ TN&MT đã nhận được sự tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các ban ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
H.M