Quốc hội thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia
27/12/2021TN&MTTại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) với với đa số đại biểu tán thành.
Bảo đảm tầm nhìn dài hạn, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất
Nghị quyết quyết nghị: Bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất (SDĐ); bảo đảm tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển, trọng điểm và quốc tế; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn; giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng địa phương.
Bảo đảm sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển KT-XH, văn hóa, củng cố QP-AN; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng; BVMT, các hệ sinh thái, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; định hướng cho không gian phát triển, khai hoang, lấn biển.
Phân bổ nguồn lực đất đai phù hợp cho từng thời kỳ, trên cơ sở nguyên tắc thị trường và phát triển bền vững; đáp ứng nhu cầu SDĐ để phát triển KT-XH dựa trên sự cân bằng và khả năng của hệ sinh thái, bảo vệ, phục hồi đất bị suy thoái, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH; được phân kỳ để khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, tiết kiệm, hiệu quả.
Nghị quyết xác định mục tiêu là bảo đảm nhu cầu SDĐ để thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, gắn với BVMT, thích ứng với BĐKH; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%; khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với BVMT và phát triển bền vững.
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai
Về chính sách, thể chế: Sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan (trong đó có chính sách về tài chính đất đai) để bảo đảm sự đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, SDĐ. Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin QHSDĐ; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp; quan tâm thu hút đầu tư, phát triển tăng nguồn thu cho NSNN; thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn.
Hoàn thiện các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người SDĐ chuyển mục đích SDĐ để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện SDĐ trồng lúa, có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất KCN.
Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo không gian cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo quỹ đất ở vùng phụ cận dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để đấu giá QSDĐ, tăng nguồn thu từ đất đai. Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, định mức, quy định về suất đầu tư trên một đơn vị diện tích để bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai.
Đẩy nhanh chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, trong đó có dữ liệu về quy hoạch quản lý cập nhật biến động đến từng thửa đất, công bố công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin dữ liệu về QH, KHSDĐ.
Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện QH, KHSDĐ; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với BĐKH, quản lý TN&BVMT đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế.
Bảo đảm nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; bảo đảm nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu trong QHSDĐ. Khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, ven biển cho phát triển rừng, phát triển cây xanh trong đô thị và KCN; quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện QH, KHSDĐ, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất. Công khai, minh bạch QH, KHSDĐ theo quy định của pháp luật bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị về QH, KHSDĐ.
Về tổ chức thực hiện: Chính phủ hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị quyết; khẩn trương hoàn thành trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các văn bản theo thẩm quyền; chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Tổ chức công bố công khai, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền về QH, KHSDĐ quốc gia.
Triển khai việc lập các quy hoạch có SDĐ đồng bộ, thống nhất với QH, KHSDĐ quốc gia; không để tình trạng tùy tiện điều chỉnh các chỉ tiêu QHSDĐ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; rà soát các quy hoạch có SDĐ theo hướng bảo đảm phù hợp, đồng bộ với QHSDĐ quốc gia, bảo đảm tính hệ thống, liên kết, đồng bộ, kế thừa và ổn định giữa các quy hoạch; việc bố trí SDĐ phải hợp lý, khai thác hiệu quả không gian, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả SDĐ. Xây dựng, ban hành các tiêu chí cho phép chuyển mục đích SDĐ trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác.
Bố trí các nguồn vốn để bảo đảm thực hiện QH, KHSDĐ; quan tâm đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá đất đai, xây dựng hồ sơ địa chính và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, xác định ranh giới, tổ chức cắm mốc diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và KHSDĐ5 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh bảo đảm chỉ tiêu SDĐ phù hợp với QH, KHSDĐ quốc gia đã được Quốc hội thông qua.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện QHSDĐ, trong đó quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, BVMT sinh thái; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm QH, KHSDĐ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu QHSDĐ thống nhất, đồng bộ giữa số liệu chỉ tiêu và khoanh định trên thực tế để bảo đảm quản lý nghiêm ngặt các chỉ tiêu trong QHSDĐ quốc gia;
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện dữ liệu hiện trạng SDĐ. Trường hợp có sự sai khác về số liệu hiện trạng SDĐ và chưa phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh QHSDĐ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và KHSDĐ quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
QUANG ANH