Quảng Trị: Mở lối ra biển
04/09/2023TN&MTVới vai trò không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế biển mà còn gắn với giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia, Quảng Trị vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cụ thể hơn là những nguyên tắc, văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện có hiệu quả luật Tài nguyên, môi trường biển và các quy định pháp luật liên quan khác, nhằm bảo đảm sự hài hòa quyền lợi, lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế biển với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển.
Khai thác hải sản truyền thống đang chuyển dần sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao
Nắm bắt tiềm năng, phát huy lợi thế từ biển
Quảng Trị là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về biển, với 75 km chiều dài bờ biển trải dài trên 12 xã, thị trấn giáp biển và 4 xã có cửa lạch từ huyện Vĩnh Linh đến huyện Hải Lăng; ngư trường rộng gần 8.400 km2; có huyện đảo Cồn Cỏ cách đất liền khoảng 30 km, diện tích 2,2 km2 , với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều rạn san hô quý hiếm, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển,... Dọc bờ biển tỉnh Quảng Trị có nhiều vùng kín gió thuận lợi cho phát triển cảng, xây dựng khu sửa chữa, neo đậu tàu thuyền; có nhiều bãi tắm đẹp, danh lam thắng cảnh là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái biển; có nhiều tài nguyên khoáng sản như khí tự nhiên, titan, cát trắng,... tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp về năng lượng, sản xuất thủy tinh, pha lê,... Vì vậy, việc phát huy tiềm năng về tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển gắn với bảo vệ hệ sinh thái không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bãi biển đẹp và hoang sơ
Với tiềm năng - lợi thế như vậy, Quảng Trị đã chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, đảo trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của kinh tế biển. Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp vùng ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển địa phương trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch trên Hành lang kinh tế Đông - Tây để Quảng Trị trở thành điểm đến hấp dẫn trong nước và khu vực.
Quảng Trị đang tổ chức lại các đội tàu khai thác biển để đảm bảo hiệu quả
Ngành thủy sản ven biển chuyển mạnh từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất cao, đánh bắt xa bờ. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền và tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Song song với đó, Quảng Trị đã thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện khí, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như: Dược liệu biển; nuôi trồng, chế biến rong, tảo biển,... Tham gia các dịch vụ phụ trợ cho sản xuất năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, các khu đô thị sinh thái ven biển. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng biển. Nâng cao chất lượng chăm sóc y tế, giáo dục, cung cấp đầy đủ điện, thông tin liên lạc, nước ngọt, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển và những người lao động trên biển.
Chú trọng phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, coi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng văn hoá biển; bảo tồn không gian văn hoá, kiến trúc và di sản thiên nhiên. Nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển, phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển.
Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển. Xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng dân quân biển vững mạnh, có số lượng hợp lí, chất lượng cao. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng trên các khu vực trọng yếu, tuyến biển, đảo. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển Việt Nam.
Để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, Quảng Trị đã chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, các chính sách về kinh tế biển theo hướng liên kết, phát triển bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển; bổ sung quy hoạch các đô thị ven biển. Rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển, hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Mô hình phát triển công nghiệp ven biển
Hiện Quảng Trị đang tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp ven biển của tỉnh thành khu vực phát triển năng động, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trong đó lấy Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân, phát triển công nghiệp đa ngành. Đầu tư hệ thống cảng biển và phát triển dịch vụ vận tải biển. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng cụm Cảng nước sâu Mỹ Thủy, nâng cấp cảng Cửa Việt để khai thác lợi thế về dịch vụ cảng, vận tải biển và các dịch vụ liên quan. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa đóng tàu, công nghiệp phụ trợ.
Xây dựng công cụ quản lý tổng hợp vùng bờ biển
Để hướng đến một nền kinh tế biển xanh, mới đây UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 782/QĐ - UBND về việc phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Theo đó, nội dung của Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Quảng Trị gồm thành lập Ban điều phối thực hiện chương trình. Xây dựng cơ chế phối hợp đa ngành, đa bên phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ Quảng Trị. Xây dựng công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ với việc xây dựng các quy định về bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp quy mô của tỉnh, môi trường nông thôn, nông nghiệp ven biển.
Quy hoạch nền làm cơ sở cho quy hoạch ngành (trên cơ sở quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ quốc gia); xây dựng và vận hành hệ thống thông tin tổng hợp phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ Quảng Trị, kết nối với hệ thống cấp trung ương.
Lãnh đạo UBND Quảng Trị họp Hội đồng thẩm định Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ
Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Quảng Trị. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xây dựng chính sách và tham gia thực hiện Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Quảng Trị với việc thành lập tổ chuyên gia, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ Quảng Trị trực thuộc Ban điều phối thực hiện Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Quảng Trị; tham vấn có sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng.
Chú trọng đến bảo vệ môi trường biển
Xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường vùng bờ Quảng Trị với việc tổng hợp kết quả đánh giá thực trạng môi trường vùng bờ; xác định các vấn đề môi trường vùng bờ; tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch. Điều tra, đánh giá nguồn ô nhiễm môi trường vùng bờ biển Quảng Trị với việc xác định và đánh giá các nguồn chất thải trong phạm vi tỉnh Quảng Trị đưa vào vùng biển ven bờ; điều tra, đánh giá lượng chất ô nhiễm từ các tỉnh lân cận đưa vào vùng biển ven bờ Quảng Trị.
Phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động phối hợp liên tỉnh trong bảo vệ môi trường vùng bờ và biển nhằm đề xuất cơ chế phối hợp; xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải chất ô nhiễm vào vùng bờ biển Quảng Trị. Đánh giá tổng thể đa dạng sinh học vùng bờ biển và đảo Cồn Cỏ phục vụ quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững; điều tra bổ sung đa dạng sinh học vùng bờ biển và đảo Cồn Cỏ.
Trồng rừng ngập mặn để bảo vệ vùng bờ
Đánh giá tổng thể cũng như xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học vùng bờ Quảng Trị và mở rộng diện tích bảo tồn biển, đảo Cồn Cỏ. Phân tích, xác định các mâu thuẫn, xung đột trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên vùng bờ và giải pháp giải quyết mâu thuẫn, xung đột,…
Tiến hành phục hồi các hệ sinh thái vùng bờ biển, đảo cùng với việc tái tạo nguồn lợi và phục hồi hệ sinh thái vùng bờ và đảo. Đánh giá và dự báo các tác động của các hiện tượng khí hậu, hải dương học cực đoan và nước biển dâng đến vùng bờ biển Quảng Trị. Xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường vùng bờ Quảng Trị. Tăng cường thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ Quảng Trị. Điều tra, đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý rác thải nhựa đại dương vùng biển ven bờ của tỉnh.
Nghiên cứu điều tra khảo sát nhằm xác định nguyên nhân xói lở vùng biển tỉnh Quảng Trị và đề xuất các giải pháp khắc phục. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tăng cường nguồn nhân lực phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ Quảng Trị. Xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.
Xây dựng và thực hiện cơ chế tài chính bền vững hỗ trợ quản lý tổng hợp vùng bờ Quảng Trị. Tăng cường và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát tài nguyên, quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ Quảng Trị. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật số phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ biển Quảng Trị,…
Theo UBND tỉnh Quảng Trị: Để hiện thực hóa khát vọng làm giàu từ biển, Quảng Trị đang có nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư đến với tỉnh thực hiện các dự án về phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch biển; tập trung huy động, sử dụng lồng ghép nhiều nguồn lực để tăng cường xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng ven biển, kết hợp với việc quảng bá các hoạt động dịch vụ du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng tại các bãi tắm cộng đồng và các cụm, điểm du lịch dịch vụ biển, đảo.
Diệp Anh