Quảng Ninh: Nhiều bất cập trong vấn đề khai thác khoáng sản
21/09/2023TN&MTLà địa phương được đánh giá là vùng có nhiều thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, nhiều loại đã được khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn nhiều bất cập,…
Những kết quả đáng mừng
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, địa phương này có nguồn tài nguyên phong phú cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, có một số loại đã và đang được khai thác sử dụng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng có loại đang ở dạng tiềm năng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận được 243 mỏ và điểm quặng của 33 loại khoáng sản thuộc 6 nhóm khoáng sản (bao gồm cả khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hiện trên địa bàn tỉnh đang duy trì khai thác các mỏ: 51 giấy phép khai thác than, 28 mỏ sét, 13 mỏ đá, 2 mỏ cát san lấp, 06 mỏ đất san lấp,...
Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quang Ninh cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh, công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tiếp tục được duy trì đảm bảo khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác quản lý Nhà nước về than, khoáng sản được tăng cường; cơ bản chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, môi trường có liên quan đến hoạt động khoáng sản; tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật; tăng cường quản lý các mỏ đất san lấp phòng ngừa các vi phạm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh; thực hiện tổ chức thành công đấu giá khoáng sản nhiều mỏ đất; hình thành và vận hành tốt cơ chế trách nhiệm theo hướng cụ thể, rõ đầu mối, nêu cao trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu.
Bãi đổ thải của các mỏ than ở Quang Ninh tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được quan tâm, chú trọng, các đơn vị khai thác khoáng sản đã thực hiện nghiêm ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, với tổng số tiền là 1.460 tỷ đồng; các doanh nghiệp quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong khai thác, sản xuất, chế biến than nhằm tăng năng suất, đảm bảo an toàn, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động môi trường. Triển khai có hiệu quả Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than, với tổng kinh phí trên 5.208 tỷ đồng; đã chấm dứt hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường: Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng; 89/89 lò vôi thủ công, 77/77 lò gạch thủ công; thực hiện tốt công tác cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải; đảm bảo xử lý nước thải mỏ đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; triển khai các phương án sử dụng đất đá thải mỏ thay thế cho đất đá khai thác tự nhiên phục vụ san lấp các dự án, đã giảm áp lực cho bãi thải mỏ, bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên và an toàn cho các khu dân cư.
Nhưng còn nhiều bất cập…
Theo sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, cùng với áp lực về nhu cầu sử dụng các loại khoáng sản, nhiên liệu hoá thạch ngày càng gia tăng, đòi hỏi việc khai thác khoáng sản với công suất, sản lượng ngày càng lớn, cộng với đặc thù của ngành khai thác khoáng sản đã gây lên các tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí và cảnh quan, đa dạng sinh học xung quanh. Trong khi các đòi hỏi về công tác bảo vệ môi trường ngày càng cao, điều này đã tạo ra một số mâu thuẫn giữa đẩy mạnh khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than và các khoáng sản trái phép vẫn chưa đạt được sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, một số địa bàn có nguy cơ tái diễn vi phạm. Đặc biệt, liên quan đến công tác quản lý khai trường, kho bãi nội bộ của ngành than đôi lúc chưa chặt chẽ, còn để tình trạng thất thoát than. Mặc dù, thời gian qua, tỉnh Quang Ninh đã rất tích cực trong công tác quản lý sử dụng nguồn đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng. Tuy nhiên, kết quả còn chưa đáp ứng được kịp thời về tiến độ để cung cấp nguồn vật liệu san lấp phục vụ các dự án công trình trọng điểm của tỉnh.
Vấn đề vận chuyển khoáng sản (đất, cát, sỏi,...) ở Quảng Ninh tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường
Vẫn còn những địa bàn có hoạt động khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp chậm cải tạo phục hồi môi trường, trả lại đất cho địa phương quản lý. Còn có các dự án đầu tư xây dựng công trình phát sinh lượng đất đá dư thừa có thể sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án khác, nhưng chưa hoàn thiện thủ theo quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh. Mặc dù, công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản đã được tỉnh quan tâm thực hiện ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay vẫn còn có những vi phạm, gây thất thoát tài nguyên và tác động xấu đến môi trường, cảnh quan.
Nguyên nhân được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, do lợi nhuận bất chính từ than và một số khoáng sản khác (cát, đá...) lớn, nên các đối tượng vi phạm luôn tìm cách thay đổi thủ đoạn vi phạm, nhằm che dấu các cơ quan chức năng; các vi phạm trong khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản luôn thường trực nguy cơ xảy ra.
Bên cạnh đó, do nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường, đất san lấp phục vụ cho các dự án lớn của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua tăng đột biến, phải chịu áp lực về tiến độ hoàn thành. Trong khi quy định của Luật về đất san lấp là khoáng sản và các quy định về thủ tục giải quyết khai thác khoáng sản trong phạm vi dự án công trình có quy mô nhỏ, hộ gia đình, sự phân cấp giải quyết thủ tục chưa phù hợp thực tiễn..; quy hoạch khai thác các mỏ đất chưa được triển khai kịp thời và đồng bộ, làm phát sinh một số tình huống chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản của cấp ủy, chính quyền một số cấp phường, xã còn hạn chế, chưa xác định được tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm còn thiếu kiên quyết.
Và giải pháp tháo gỡ
Theo ông Ngọc Thái Hoàng, trong bối cảnh, tình hình cả nước và ở Quảng Ninh hiện nay vẫn còn xuất hiện nhiều nhân tố bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có tội phạm với các hành vi vi phạm về tài nguyên khoáng sản, hủy hoại môi trường thiên nhiên. Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, một số giải pháp cấp bách đề xuất cần triển khai thực hiện như.
Tiếp tục triển khai nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh; thực hiện nghiêm Chỉ thị số: 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên than, khoáng sản theo quy định; thực hiện đúng lộ trình đóng cửa các mỏ đã được xác định tại Quy hoạch tổng thể năng lượng Quốc gia; thực hiện dừng khai thác than lộ thiên tại thành phố Hạ Long; dừng khai thác các mỏ đá, sét đảm bảo đúng lộ trình đã đặt ra; tiến tới chấm dứt việc khai thác cát, sỏi trên toàn bộ các xã đảo, tuyến đảo; chú trọng kiểm soát việc tuân thủ các quy định trong khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và quản lý hoạt động khai thác đất san lấp theo quy định và chỉ đạo của tỉnh.
Các khai trường mỏ than ô nhiễm môi trường cao
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên than trên địa bàn; trong thẩm định cấp phép giấy phép thăm dò, khai thác, gia hạn giấy phép, đóng cửa mỏ...; kiểm soát việc tổ chức triển khai thực hiện các giấy phép khai thác được cấp của các đơn vị ngành than; phương án quản lý bã sàng, đá xít, đất đá lẫn than; đất đá thải mỏ tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; kiểm soát, đôn đốc hoàn thành dứt điểm công tác cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, bàn giao lại đất cho địa phương quản lý, sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội.
“Bênh cạnh đó, chủ động công tác thanh, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khoáng sản, đặc biệt là đẩy mạnh kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông tỉnh trong việc đấu tranh, lên án, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh tài nguyên khoáng sản; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Và sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định của pháp luật về địa chất khoáng sản để thực hiện minh bạch hóa trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh công tác đề xuất, tháo gỡ vướng mắc, phối hợp xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể về quản lý hoạt động khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp mặt bằng, đất đá thải tại các mỏ để tăng cường sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, đảm bảo an ninh vật liệu xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn”, ông Ngọc Thái Hoàng nhấn mạnh!.
Nhất Nam