Quảng Nam: Giải quyết những tồn tại trong hoạt động đấu giá và khai thác khoáng sản
22/11/2024TN&MTĐể giải quyết những hạn chế, bất cập đang tồn tại đang hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng dấu hiệu một số tổ chức, cá nhân thông đồng, lợi dụng tham gia đấu giá để thao túng, nhiễu loạn thị trường nhằm trục lợi. UBND tỉnh Quảng Nam mới đây đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị có liên quan cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thông báo Công an tỉnh nếu phát hiện có yếu tố bất thường, có biểu hiện thông đồng, thao túng cuộc đấu giá.
Vẫn còn những hạn chế bất cập
Thời gian qua, các ngành, các địa phương của tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức được cấp phép trên địa bàn tỉnh; qua thanh tra, kiểm tra, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản đã được chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập như: Nguồn cung vật liệu đất san lấp, cát, đá xây dựng phục vụ thi công các công trình, dự án ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay đang thiếu hụt; giá mua thực tế cao hơn so với giá vật liệu được cơ quan chức năng công bố; việc quản lý, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các cơ quan chức năng và qua hệ thống trạm cân, camera giám sát tại khu vực mỏ còn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản như bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn giá thực tế thanh toán và có nơi còn có biểu hiện hành vi khai thác cầm chừng (đặt biệt là cát xây dựng), găm hàng để thao túng giá.
Nguồn cung vật liệu đất san lấp, cát, đá xây dựng phục vụ thi công các công trình, dự án ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay đang thiếu hụt
Trong công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, hiện nay có dấu hiệu một số tổ chức, cá nhân thông đồng, lợi dụng tham gia đấu giá để thao túng, nhiễu loạn thị trường nhằm trục lợi.
Theo đó, ngày 15/11, Công ty Cổ phần đấu giá hợp danh Hòa Thuận, đơn vị được thuê thực hiện đấu giá đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp tại điểm mỏ ký hiệu ĐLBS-02, tại thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. Sau 14 bước đấu, từ giá khởi điểm hơn 1,25 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tiến An Đạt, ở đường Trần Phú, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là đơn vị trả giá cao nhất với giá hơn 67,7 tỷ đồng (cao hơn 54 lần so với giá khởi điểm) và là đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Ngày 18/10, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn, Công ty đấu giá Hợp Danh Hoà Thuận tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B (nằm trên địa bàn xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Điểm mỏ này có diện tích 6,04ha với trữ lượng theo kế hoạch được phê duyệt là 159.000m3. Giá khởi điểm đưa ra 1,2 tỷ đồng, doanh nghiệp tham gia đấu phải đặt trước số tiền 242 triệu đồng. Qua suốt 20 tiếng với 200 vòng, tới hơn 4 giờ sáng 19/10 cuộc đấu giá mới kết thúc với số tiền chốt phiên lên tới 370 tỷ đồng. Sau vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu tạm dừng công nhận kết quả trúng đấu giá, giao công an tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ động cơ, mục đích của việc trả giá cao bất thường này.
Mặt khác, thời gian giải quyết các thủ tục về đầu tư, môi trường, cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác khoáng sản còn kéo dài quá lâu. Việc đề xuất khoanh định một số khu vực khoáng sản không đấu giá để cung cấp vật liệu phục vụ thi công một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chưa kịp thời để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung vật liệu đất, cát đang thiếu hụt như hiện nay.
Các tồn tại, hạn chế nêu trên cần phải sớm chấn chỉnh, khắc phục. Trong thời gian tới, các ngành, các địa phương phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn, tham mưu giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục theo quy định để sớm đưa các mỏ vào khai thác, kịp thời cung cấp vật liệu thi công xây dựng các công trình, dự án và phục vụ nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn.
Một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới
Để tập trung khắc phục một số tồn tại trên, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát lại quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện nay ở các địa phương, đặc biệt là việc lập hồ sơ mời tham gia đấu giá, xét chọn hồ sơ năng lực của các đơn vị đăng ký tham gia đấu giá. Trường hợp chưa đúng quy định, còn bất cập thì có văn bản yêu cầu, hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo chặt chẽ để lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm, có hồ sơ đầy đủ với các thông tin trung thực, rõ ràng tham gia đấu giá; ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trong quá trình tổ chức đấu giá, trường hợp phát hiện có yếu tố bất thường, có biểu hiện thông đồng, thao túng cuộc đấu giá nhằm trục lợi, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo ngay cho Công an tỉnh và các cơ quan chức năng để chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ cát ký hiệu ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo điều tra, trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đưa ra truy tố, xử lý để răn đe, giáo dục; kiên quyết ngăn chặn, lập lại trật tự, kỹ cương trong hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng chức năng trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chấp hành thực hiện nghiêm việc lắp đặt, duy trì hoạt động của trạm cân, camera giám sát tại kho, bãi chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ và lập đầy đủ hồ sơ, sổ sách thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, thực hiện báo cáo định kỳ kết quả hoạt động khai thác khoáng sản đúng thời hạn, đầy đủ thông tin theo quy định; kê khai, nộp thuế đúng với sản lượng khoáng sản đã khai thác.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị có liên quan cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản (Ảnh minh họa)
Định kỳ, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan Thuế kiểm tra, đối chiếu thông tin kê khai, báo cáo về sản lượng khoáng sản khai thác của các doanh nghiệp; trường hợp có dấu hiệu kê khai sản lượng khoáng sản khai thác không trung thực hoặc khai thác vượt công suất theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, xác định và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp tái phạm thì đề xuất đình chỉ hoạt động, không xem xét việc gia hạn hoặc thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.
Để giải quyết kịp thời nguồn cung vật liệu hiện nay đang thiếu hụt để phục vụ thi công các dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu quy định của pháp luật để phối hợp với UBND các huyện liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt khoanh định một số khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ trực tiếp việc thi công công trình; tuy nhiên phải đảm bảo quản lý chặt chẽ trữ lượng khoáng sản được cấp phép, không được sử dụng vào mục đích khác ngoài việc phục vụ thi công công trình được cho phép.
Đối với những điểm mỏ vật liệu (đất, đá, cát xây dựng) mà các địa phương đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, UBND các huyện, thị xã liên quan có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc đơn vị trúng đấu giá khẩn trương lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục có liên quan đảm bảo thời gian theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan phải hướng dẫn, kiểm tra, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục về thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đầu tư, môi trường, cấp phép khai thác khoáng sản, cho thuê đất để sớm đưa các mỏ vào hoạt động, đáp ứng kịp thời nguồn cung vật liệu phục vụ thi công các dự án. Trong quá trình giải quyết các hồ sơ, thủ tục, chỉ lấy ý kiến các cơ quan chức năng liên quan cần thiết; các cơ quan, địa phương được gửi lấy ý kiến phải có văn bản trả lời trong thời gian không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị; nếu quá thời hạn quy định mà cơ quan được hỏi ý kiến không có văn bản trả lời thì xem như đã thống nhất và cùng chịu trách nhiệm.
Sở Tài chính tăng cường công tác quản lý về giá, cập nhật, tham mưu điều chỉnh kịp thời, hợp lý giá tính thuế tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ và các Chi cục Thuế khu vực tăng cường công tác kiểm tra, chống thất thu thuế, phí trong hoạt động khoáng sản.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn; kịp thời phối hợp với các Sở, ngành giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến đầu tư, cấp phép hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền; chỉ đạo các Phòng chức năng và UBND cấp xã thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn mình quản lý; yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, lắp đặt trạm cân, hệ thống camera tại khu vực mỏ đã được cấp giấy phép, có kết nối wifi truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng để theo dõi quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Hoàng Anh