
Quảng Bình: 173 dự án sử dụng đất chậm tiến độ
07/08/2022TN&MTTheo thống kê tại Quảng Bình có khoảng 173 dự án chậm tiến độ, chiếm tỉ lệ 22,7% được chỉ ra nguyên nhân quan trọng là do một số nhà đầu tư cố tình giữ đất, không triển khai thực hiện dự án nhằm chờ cơ hội chuyển nhượng dự án.
Theo số liệu thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 93.000 tỷ đồng với tỉ lệ khu vực nhà nước chiếm 21,2%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 78,8%, cho thấy nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội.
Quảng Bình đang có những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế cũng như xã hội.
Qua đó cho thấy, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế; thông qua các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã góp quyết định tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tạo việc làm, thu nhập cho nhân dân địa phương.
Trong đó, số lượng dự án chậm tiến độ ở trên địa bàn Tỉnh là khoảng 173/761 dự án, chiếm tỷ lệ 22,7%. Để phân tích cụ thể các trạng thái chậm tiến độ của từng loại dự án, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm đốc thúc các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Nhận định về tình hình sử dụng đất tại các dự án chậm tiến độ trên địa bàn Quảng Bình, theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Bình cho biết, qua rà soát các dự án được nhà nước cho thuê đất nhưng thực hiện chậm tiến độ đã được ghi trong dự án. Thậm chí nhiều trường hợp khi được giao đất đã không sử dụng đất, hoặc đầu tư dở dang.
Dự án khu nghỉ dưỡng ven biển Thanh Hà - Đá Nhảy có tổng mức đầu tư đầu tư 230 tỷ đồng sau hơn 8 năm vẫn là bãi đất trống.
“Như trong dự án resort Golden City đã được giao đất từ 2017 cùng hai lần gia hạn sử dụng đất để hoàn thành trước 31/12/2020 nhưng mới chỉ san gạt mặt bằng mà chưa đầu tư xây dựng công trình, dự án chậm so với tiến độ” văn bản của Sở Tài nguyên & Môi trường nêu ra ví dụ điểm hình cho việc chậm tiến độ.
Nguyên nhân được cho là do công tác chuẩn bị đầu tư mất rất nhiều thời gian; sự cố môi trường biển năm 2016 và đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay đã làm ảnh hưởng đến nguồn lực của nhà đầu tư. Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một số nhà đầu tư cố tình giữ đất, không triển khai thực hiện dự án để chờ cơ hội chuyển nhượng dự án.
Tại cuộc họp về các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2022 ngày 20/7, ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án đã thuê đất nhưng không triển khai xây dựng, chậm tiến độ hoặc nợ tiền thuê đất; thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không triển khai công việc; triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị.
Đánh giá về tình hình sử dụng đất như hiện nay của các nhà phát triển bất động sản sẽ gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Từ đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình đề nghị cần sớm thu hồi để giao cho các nhà đầu tư cần dự án để triển khai.
Dự án của Golden City tại Quảng Bình cũng đang chịu chung "số phận" với dự án tại Cửa Lò khi ôm đất nhiều năm qua mà không triển khai.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các khu đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa là vi phạm quy định của Luật này. Sở Tài nguyên Môi trường buộc các chủ đầu tư phải gia hạn tiến độ sử dụng đất trong 24 tháng để tiếp tục triển khai dự án và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ này.
Trước đó, ngày 13/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành liên quan tới việc triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề "quy hoạch treo", "dự án treo".
>>>>> Xem thêm: Golden City ‘ôm đất vàng’ bờ biển Cửa Lò rồi bỏ hoang
Goldmark City: Chủ đầu tư Việt Hân “bơ” trách nhiệm sử dụng đất đai đúng mục đích
Đỗ Hùng - Bảo Bảo