Quản lý rác thải nhựa đại dương ở Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam
08/10/2024TN&MTRác thải nhựa đại dương đang là một vấn đề nóng và mối nguy toàn cầu. Rác thải nhựa đại dương nếu không kịp ngăn chặn sẽ để lại nhiều hệ lụy đến kinh tế - xã hội và môi trường đại dương. Nhiều quốc gia có lượng thải lớn ra đại dương như Nhật Bản và Trung Quốc đã có những giải pháp tích cực để hạn chế, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải này.
Quốc gia có nguồn rác thải nhựa lớn nhất thế giới
Thời gian qua, một số quốc gia đã bước đầu hoạch định cơ chế, chính sách để ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, một trong những nước có nguồn rác thải nhiều nhất là Nhật Bản và đất nước này cũng đã có những giải pháp hữu hiệu. Tìm hiểu quản lý rác thải nhựa đại dương của một số nước là điều cần thiết cho việc rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam hiện nay.
Các nhà nghiên cứu đến từ tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan - The Ocean Cleanup đã xác định Nhật Bản và Trung Quốc đại lục là những quốc gia có nguồn rác thải nhựa (RTN) lớn nhất sau cuộc kiểm tra thu thập khoảng 230 vật thể bằng nhựa có dòng chữ dễ nhận biết bằng các ngôn ngữ khác nhau hoặc mang logo thương hiệu để xác định quốc gia thải rác. Nghiên cứu xác định, Nhật Bản chiếm khoảng 34% và Trung Quốc chiếm khoảng 32% trong số lượng rác thải từ nhựa ở đại dương. Những RTN này đã được tìm thấy ở giữa Hawaii và California. Sau Nhật Bản và Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ là hai nước tiếp theo ghi nhận lượng RTN lớn ở khu vực này.
Trên Tạp chí Scientific Report, các nhà nghiên cứu đã đăng tải: “Chúng tôi cho rằng nguồn RTN này là nguyên nhân từ hoạt động đánh bắt cá bởi Nhật Bản được biết đến là quốc gia đánh bắt cá lớn. Tuy nhiên, một phần cũng do các mảnh vỡ từ trận sóng thần Tohoku vào năm 2011. Người Nhật được thế giới biết đến nhờ ý thức thu gom rác thải và cẩn thận trong việc phân loại rác thải để tái chế, nhưng thói quen dùng đồ nhựa đã ăn sâu vào lối sống của họ. Nỗi ám ảnh về sự sạch sẽ của đất nước mặt trời mọc cùng với niềm tự hào về nghệ thuật hiếu khách truyền thống đã khiến những tiểu thương nơi đây tin rằng, bọc, quấn, đóng gói mọi thứ một cách tỉ mỉ với nhiều lớp túi là cách phục vụ tốt nhất, lịch sự nhất. Theo Hãng nghiên cứu thị trường Statista, trung bình Nhật Bản sản xuất tới 106 kg nhựa/người/năm; trong khi Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác cộng lại mới đạt 94 kg. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng cho biết, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Nhật cũng nhiều hơn ở Liên minh châu Âu (EU). Tại quốc gia này, rau bán trong siêu thị được gói riêng, đồ ăn phải được đóng 2 lớp bao bì và máy bán hàng tự động phân phối đồ uống đóng chai nhựa ở khắp nơi. Trong mỗi cửa hàng nhỏ, siêu thị tại địa phương, ngay cả khoai tây, cà rốt hay một quả chuối cũng được bọc riêng. Mỗi người Nhật sử dụng trung bình khoảng 300 - 400 túi nhựa/năm, tương đương khoảng 40 tỉ túi trên toàn quốc.
Trong khi hầu hết đô thị đều có hệ thống thu gom rác hiện đại với công suất cao (khoảng 70 đến 80% bao bì nhựa đã qua sử dụng), chai và túi ni lông được thu gom bởi các công ty quản lý chất thải và sau đó được đốt hoặc tái chế, Bộ Môi trường Nhật Bản ước tính, mỗi năm vẫn có khoảng 20.000 - 60.000 tấn RTN được xả ra biển. Tình trạng vứt bỏ RTN ra đại dương gây thiệt hại kinh tế, đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật biển, làm giảm sút lượng khách du lịch và nhất là tác động tiêu cực đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản.
Nhiều chính sách hiệu quả và đề xuất cho Việt Nam
Trước thực trạng RTN đại dương ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã đưa ra nhiều quy định, sáng kiến nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu RTN đại dương.
Ngay từ năm 1995, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Tái chế bao bì nhằm phân loại chất thải, thu gom chất thải đã phân loại, tái chế thùng chứa và chất thải bao bì (trong đó bao gồm RTN). Đạo luật quy định trách nhiệm của các bên liên quan đối với hộp đựng và gói sản phẩm, các thùng và gói được chỉ định, chất thải bao bì và thùng chứa: Người tiêu dùng có trách nhiệm phân loại rác; chính quyền đô thị có trách nhiệm thu gom rác đã phân loại; các doanh nghiệp có trách nhiệm tái chế rác.
Đạo luật khuyến khích lưu thông tài nguyên nhựa được ban hành tháng 6/2021 với việc quy định các biện pháp luân chuyển tài nguyên nhựa ở các giai đoạn khác nhau của các sản phẩm bằng nhựa, từ thiết kế, sản xuất, bán và thu hồi đến tái chế nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu, thu gom và tái chế chất thải nhựa. Theo đó, Chính phủ đưa ra các hướng dẫn thân thiện với môi trường đối với các sản phẩm nhựa ở giai đoạn thiết kế và sản xuất. Các sản phẩm nhựa được sản xuất theo hướng dẫn được Chính phủ chứng nhận, ưu tiên mua sản phẩm và hỗ trợ các cơ sở tái chế, khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ở giai đoạn phân phối, các cửa hàng bán lẻ nhỏ sẽ giảm việc cung cấp các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ở giai đoạn thu gom và tái chế, khuyến khích các thành phố phân loại và thu gom RTN và chuyển cho các doanh nghiệp tái chế để tái chế.
Nhật Bản còn ban hành các Chiến lược: Chiến lược về RTN với việc tiếp cận là tăng cường việc thu thập và các giải pháp phù hợp cho vấn đề RTN; giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế RTN trên cơ sở đổi mới, vận động và tích lũy khoa học của quốc gia. Chiến lược lưu thông tài nguyên nhựa xác định các mục tiêu: Giảm tích lũy 25% lượng nhựa sử dụng một lần đến năm 2030; thiết kế việc tái sử dụng, tái chế vào năm 2025; tái sử dụng, tái chế 60% thùng chứa và bao bì vào năm 2030; sử dụng hiệu quả 100% nhựa đã qua sử dụng vào năm 2035; tăng gấp đôi việc sử dụng lượng tái chế vào năm 2030; tối đa hóa việc sử dụng nhựa sinh khối lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030.
Nhật Bản đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về RTNĐD, xác định 8 nội dung thực hiện, bao gồm: (1) Thúc đẩy hệ thống quản lý chất thải phù hợp; (2) Ngăn chặn việc xả rác, đổ rác bất hợp pháp và rò rỉ chất thải vô ý ra đại dương; (3) Thu gom rác thải vương vãi trên đất liền; (4) Thu gom RTN trên đại dương; (5) Đổi mới trong việc phát triển các sản phẩm thay thế vật liệu; (6) Hợp tác với các bên liên quan; (7) Hợp tác quốc tế với các quốc gia bằng cách chia sẻ các phương pháp hay nhất; (8) Nghiên cứu tình hình thực tế và sự phát triển của kiến thức khoa học. Đặc biệt, năm 2021, Nhật Bản đưa ra sáng kiến biển trong khuôn khổ “tầm nhìn đại dương Osaka” nhằm mục đích giảm bổ sung ô nhiễm từ RTN đại dương xuống 0 như đã công bố tại G20 Osaka với các biện pháp cụ thể.
Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về RTN đại dương, một số địa phương của Nhật Bản đã tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý RTN trên biển; sản xuất túi mua sắm tái sử dụng; ngừng cung cấp đồ uống đóng chai nhựa tại các cuộc họp của chính quyền và thay vào đó cung cấp đồ uống trong lon kim loại có thể tái chế hoặc lon làm bằng bìa cứng.
Qua nghiên cứu quản lý RTN ở Nhật Bản có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý RTNĐD trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ Nhật Bản.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam nên có cơ chế, chính sách khuyến khích lưu thông tài nguyên nhựa để giảm thiểu, thu gom và tái chế RTNĐD ở các vùng biển; đồng thời, nên có cơ chế thúc đẩy các sáng kiến xử lý tình trạng ô nhiễm RTNĐD. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng và triển khai Chiến lược, kế hoạch quản lý RTNĐD theo từng giai đoạn hướng đến phát triển bền vững kinh tế đất nước. Theo đó, Chiến lược, kế hoạch quản lý RTNĐD cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương, nguồn lực thực hiện, trong đó huy động nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả tình trạng RTNĐD. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý RTNĐD, trong đó chú trọng việc chia sẻ thông tin, dữ liệu, phương pháp điều tra, đánh giá RTNĐD; đẩy mạnh ứng dụng KHCN để quản lý.
NGUYỄN THANH MAI
Viện Khoa học Môi trường, biển và hải đảo Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 13 (Kỳ 1 tháng 7) năm 2024