Quản lý nhà nước về môi trường biển ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thời gian tới
03/06/2023TN&MTHiện nay, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình,… quản lý nhà nước về môi trường biển còn nhiều bấp cập, vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định này để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường biển ở Việt Nam.
Thực trạng quy định quản lý nhà nước về môi trường biển ở Việt Nam
Chính sách, pháp luật là những văn bản tạo lập cơ sở chính trị, pháp lý cho các chủ thể triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về môi trường biển. Thời gian qua, việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về quản lý môi trường nói chung, quản lý môi trường biển nói riêng luôn được chú trọng. Cụ thể, đã hình thành được 03 hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý môi trường biển, bao gồm: Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường chung (trong đó bao gồm môi trường biển); chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; chính sách, pháp luật đối với ngành, lĩnh vực liên quan đến quản lý môi trường biển. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật quản lý môi trường biển vẫn chưa đầy đủ, nhiều văn bản không còn phù hợp thực tế; thiếu các văn bản quy định về kỹ thuật và kinh tế phục vụ quản lý môi trường biển,...
ảnh minh họa
Chiến lược là những định hướng tổng thể về mục tiêu dài hạn, cơ bản của một quốc gia (hoặc địa phương, ngành, lĩnh vực hay tổ chức) gắn với việc huy động các nguồn lực và giải pháp cơ bản theo lộ trình phát triển. Dưới góc độ quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: “Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Đến năm 2030, ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường”.
Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động KT-XH, QP-AN gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và BVMT trên phạm vi lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho từng thời kỳ. Hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch này định hướng phân bổ không gian biển, hải đảo và vùng bờ cho các hoạt động bảo vệ chủ quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác tài nguyên, BVMT, phát triển kinh tế biển.
Xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển. Đồng thời, xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng bờ; quản lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, ô nhiễm rác thải nhựa ở vùng bờ góp phần giảm rác thải nhựa trên biển; các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa trong phạm vi vùng bờ; chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa ở vùng bờ được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ở vùng bờ có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường.
Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ (còn gọi là Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ) là những dự kiến hoạt động theo trình tự tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng ở khu vực chuyển tiếp giữa đất liền hoặc đảo với biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển nhằm bảo đảm tài nguyên biển được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, phát triển các hoạt động KT-XH vùng bờ. Việc lập Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được áp dụng đối với khu vực mà tài nguyên, giá trị các hệ sinh thái của khu vực vùng bờ có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng do hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; là vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH, QP-AN, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, BVMT, hệ sinh thái và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Để xây dựng và tổ chức triển khai chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ cần căn cứ vào Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Tuy nhiên, hiện nay Quy hoạch này đang trong quá trình triển khai xây dựng nên các địa phương có biển chưa thể xây dựng và triển khai chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ trên địa bàn theo quy định của pháp luật TN,MT biển và hải đảo.
Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; được các quốc gia sử dụng ngày càng phổ biến trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý tổng hợp TN,MT vùng bờ. Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Triển khai pháp luật TN,MT biển và hải đảo, những năm qua, các địa phương có biển đã tổ chức thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn; song theo số liệu của Bộ TN&MT thì đến nay mới có 19/28 địa phương đã phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển, trong đó có 09 địa phương đã xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển.
Hiện nay, cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình nhận chìm vật, chất ở biển chưa được phân định rõ ràng do chủ dự án thực hiện và chịu trách nhiệm, hay do các cơ quan quản lý nhà nước giám sát độc lập. Việc giám sát hành trình và khối lượng nhận chìm còn phụ thuộc vào cảng vụ địa phương. Vì vậy, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành để xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường biển ở Việt Nam
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về môi trường biển: Tổ chức rà soát, đánh giá và xác định các hoạt động đặc thù trong quản lý biển cũng như quản lý môi trường biển để sửa đổi, bổ sung, xây dựng và ban hành mới các quy định pháp luật về quản lý môi trường biển. Cần nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp giữa chính sách quản lý môi trường biển của Việt Nam với các điều ước quốc tế liên quan đến môi trường biển để ban hành các quy định về xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển; ban hành văn bản quy định về lấn biển để kiểm soát những tác động tiêu cực về môi trường bởi hoạt động lấn biển; ban hành các quy định liên quan đến kiểm soát, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; các quy định cụ thể về việc xử lý đối với hành vi vi phạm hành lang bảo vệ bờ biển. Bên cạnh đó, sớm ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý môi trường biển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng biển đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Hai là, xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Hiện nay, đã kết thúc giai đoạn thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Do vậy, cần khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm bảo đảm sự liên tục của quá trình triển khai các quy định chiến lược trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; đáp ứng những thay đổi mạnh mẽ về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và vùng bờ của Việt Nam.
Ba là, hoàn thành việc lập các quy hoạch về biển: Cần tập trung nguồn lực để hoàn thành việc lập Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030. Hoàn thành việc lập các quy hoạch này sẽ là cơ sở để tổ chức triển khai ngay các giải pháp BVMT biển; cũng là cơ sở để xây dựng và triển khai Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.
Bốn là, các địa phương chủ động lập kế hoạch xây dựng chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ: Theo quy định của pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, việc lập Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Tuy nhiên, hiện nay Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình triển khai xây dựng nên việc lập Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ chưa được triển khai. Trên cơ sở cập nhật hoạt động lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các địa phương cần chủ động xây dựng chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Khi Quy hoạch này được Chính phủ thông qua, các địa phương kịp thời triển khai ngay được chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ trên địa bàn.
Năm là, hoàn thành công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển: Các địa phương có biển cần quan tâm đầu tư kinh phí, nguồn lực để hoàn thành công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn thông qua thực hiện các hoạt động: phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ bờ biển, xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển, tổ chức cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển, ban hành quy chế quản lý hành lang bảo vệ bờ biển.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển. Phân định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ quá trình tiến hành hoạt động nhận chìm ở biển. Bên cạnh đó, cần xem xét, giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho Cục Biển và Hải đảo Việt Nam để chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý môi trường biển; ưu tiên bố trí nguồn lực và tổ chức các hoạt động giám sát thực hiện công tác quản lý môi trường biển ở địa phương.
Việc xây dựng và sử dụng các công cụ quản lý môi trường biển có vai trò quan trọng trong việc đem lại hiệu quả quản lý môi trường biển; do đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về môi trường biển sẽ là yếu tố quyết định nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường biển ở Việt Nam trong thời gian tới.
ThS. Hoàng Nhất Thống
Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường
(Bài đã đăng trên Tạp chí TN&MT số 9-2023)