Quản lý lũ tổng hợp: Phương pháp hiệu quả trong công tác giảm thiểu rủi ro lũ lụt
23/05/2023TN&MTQuản lý lũ tổng hợp là một quá trình tích hợp quản lý tài nguyên đất và nước nhằm tối đa hóa lợi ích của vùng đồng bằng ngập lũ và giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra; quản lý lũ tổng hợp sẽ áp dụng phương thức tiếp cận theo lưu vực sông và tiếp cận đa ngành, có sự tham gia của cộng đồng và có sự hỗ trợ của các cơ chế, chính sách trong quản lý lũ lụt (theo Tổ chức khí tượng Thế giới-WMO và Hiệp hội đối tác nước toàn cầu - GWP).
Hình ảnh buổi hội thảo tập huấn tại tỉnh Quảng Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ, bão và đây cũng là hai loại hình thiên tai chính gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt trở nên khắc nghiệt hơn, xảy ra thường xuyên hơn, mang tính cực đoan nhiều hơn, gây thiệt hại lớn hơn về người và tài sản. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2020, ước tính lũ lụt ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 12 triệu người tại khu vực ven biển Việt Nam. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên đến 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP và ảnh hưởng việc làm của 316.000 lao động.
Trong bối cảnh trên, phương pháp quản lý lũ tổng hợp được coi một phương pháp quản lý lũ mới mang lại hiệu quả cao trong việc giảm thiểu rủi ro lũ lụt, đồng thời giải quyết các bất cập của phương pháp quản lý lũ truyền thống như giải quyết vấn đề lũ lụt tại một khu vực mà không làm trầm trọng hơn tình trạng lũ lụt đối với các vùng lân cận, mang tính hệ thống, lâu dài xét trong tổng thể hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai của địa phương và khu vực. Chính vì vậy, xây dựng Kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp là một trong những nhiệm vụ cần phải thực hiện trong phòng, chống thiên tai và được quy định tại Điều 13a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống thiên tai và luật đê điều số 60/2020/QH14 ngày 17/06/2020 và Chiến lược quốc gia gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 số 379/QĐ-TTg ngày 17/03/2021.
Hình ảnh buổi hội thảo tập huấn tại tỉnh Quảng Ngãi
Với sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước như JICA, World Bank, các nguồn ngân sách của nhà nước và địa phương, đến nay một số lưu vực sông đã xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp như: Sông Gianh (Quảng Bình), sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế), sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng), sông Kone - Hà Thanh (Bình Định), sông Ba (Gia Lai, Đắk Lắk và Phú Yên), sông Cái Ninh Hòa và sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, hiện nay không còn quy hoạch lưu vực sông mà thay vào đó là quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, vì vậy việc xây dựng Kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp hiện nay chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Đây là một trong những khó khăn mà nhiều địa phương gặp phải khi xây dựng IFMP cho các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh buổi hội thảo tập huấn tại tỉnh Bình Định
Để góp phần hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng Kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp cho các lưu vực sông trên cả nước, vào tháng 4/2023, với sự tài trợ của tổ chức Mạng lưới Châu Á - Thái Bình Dương về Nghiên cứu Thay đổi Toàn cầu (APN), Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD), Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Văn phòng đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tại miền Trung và Tây Nguyên đã tổ chức tập huấn và hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đại phương trong việc xây dựng Kế hoạch Quản lý lũ tổng hợp (IFMP) và tích hợp IFMP vào Kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh của các tỉnh ven biển miền Trung” tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Hội thảo tập huấn được tổ chức nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ các cấp trong việc xây dựng/cập nhật Kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp và lồng ghép Kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp vào Kế hoạch Phòng chống thiên tai cấp tỉnh. Khóa hội thảo tập huấn có sự tham gia của hơn 60 đại diện đến từ Văn phòng đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tại miền Trung và Tây Nguyên và đại diện các Sở, ban ngành tại 3 tỉnh: Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên Môi trường; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch Đầu tư; Ban chỉ huy quân sự tỉnh; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, xã.
Thông qua dự án, các cán bộ địa phương tại 3 tỉnh được nâng cao hiểu biết về Kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp, cách thức xây dựng và vai trò của các Sở, ban, ngành, từ đó địa phương có thể chủ động trong việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp tại địa phương.
PGS.TS. Trần Ngọc Anh