Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển
13/04/2023TN&MTNghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phải bảo tồn, phát triển và quản lý các khu bảo tồn biển bảo đảm cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế biển...
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Phú Yên dọn rác ở bờ biển Hòn Yến, Phú Yên
Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), khu bảo tồn biển là: “Khu vực được xác định và quản lý hiệu quả để bảo vệ các hệ sinh thái biển, các quá trình, môi trường sống và các loài, có thể góp phần khôi phục và bổ sung các nguồn tài nguyên cho sự phong phú về xã hội, kinh tế và văn hóa”.
Luật Thủy sản năm 2017 quy định: “Khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển”.
Tính đến nay, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển và các vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc.
Sáu khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là: Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Trà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.
Hệ thống các khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam, sở hữu gần 70.000ha rạn san hô, 20.000ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp…
Tuy vậy, hiện nay các khu bảo tồn biển đang bộc lộ khá nhiều vấn đề bất cập: Chưa đến 10% số khu vực ven biển được bảo vệ hiệu quả, việc bảo tồn các khu vực biển có nơi vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; nhiều khu bảo tồn mới chỉ quan tâm đến bảo vệ rừng trên các đảo mà chưa chú trọng bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; thậm chí một số vùng biển còn bị xâm hại đến mức báo động…
Nhằm tạo hành lang pháp lý bền vững cho lĩnh vực bảo tồn biển, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho việc thành lập các khu bảo tồn biển.
Cùng với hoàn thiện cơ sở pháp lý, việc nâng cao nhận thức; công tác nghiên cứu khoa học biển; thực hiện các phương án quản lý,… và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển cũng được đẩy mạnh, nhằm phục vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Mới đây, tại Hội thảo Quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở Việt Nam do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, đã chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm cũng như giải pháp để quản lý các khu bảo tồn biển như:
Nhận thức về kinh tế biển xanh còn chưa đầy đủ, quy mô kinh tế biển còn nhỏ, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, môi trường biển bị thay đổi theo chiều hướng xấu hơn; ngày càng nhiều chất thải, nhất là rác thải nhựa, không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển làm gia tăng mức độ ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.
Chính phủ đã ban hành các quy định và thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững”; “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”.
Dự kiến đến năm 2025, 80% số khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa và đến năm 2030, tất cả khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021-2030 xác định đến năm 2025”, tất cả khu bảo tồn biển xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa.
Kế hoạch cũng xác định các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết, khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Các hệ sinh thái còn tạo tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất lớn và cung cấp dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá, nuôi trồng hải sản, du lịch biển…
Hệ thống khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hòa môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quốc gia.
Việc thiết lập, vận hành và quản lý hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn biển vừa bảo toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên; vừa có ý nghĩa pháp lý to lớn, từ đó góp thêm cơ sở và cung cấp các công cụ hành chính và pháp luật trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích của nước ta ở Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế...
Theo nhandan.vn