Phú Xuyên (Hà Nội): Nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của huyện trong quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước
17/10/2024TN&MTMới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Được biết, Luật Tài nguyên nước đã đi vào thực thi từ 1/7/2024 và kế hoạch đã ban hành, để hiểu rõ các quy định về vai trò, trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thi hành Luật, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trùng Dương - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên về vấn đề này.
Ông Nguyễn Trùng Dương - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên, Hà Nội
PV: Được biết, Luật Tài nguyên nước đã đi vào thực thi từ 1/7/2024, huyện Phú Xuyên đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào để góp phần để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên nước?
Ông Nguyễn Trùng Dương: Để quản lý tốt tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước số 28/2023 đã quy định một trong những công cụ cốt lõi, quan trọng trong việc quản lý, sử dụng, bảo vệ các nguồn nước hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước, đó là nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, với nguyên tắc căn bản là phù hợp với Quy hoạch về tài nguyên nước. Từ đó, tất cả mọi hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước phải căn cứ vào quy hoạch tài nguyên nước. Đồng thời, tuân theo hạn ngạch khai thác nước nằm trong giấy phép khai thác tài nguyên nước. Đây là bước tiến quan trọng sẽ thay đổi căn bản cách quản lý, cách điều hành nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với cấp địa phương sau khi Luật Tài nguyên nước đi vào thực thi UBND huyện Phú Xuyên đã nhanh chóng chỉ đạo giao cho phòng TN&MT triển khai và hướng dẫn cụ thể đến với các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn về Luật Tài nguyên nước đã được Thành phố ban hành cụ thể: Huyện hàng ngày tổ chức truyên truyền, triển khai Luật Tài nguyên nước trên đài truyền thanh huyện, đài truyền thanh xã, thị trấn. Đồng thời, Ban hành Văn bản số 1740/UBND-TNMT ngày 29/8/2024 triển khai đến các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện về Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, thông tư dưới luật.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Khai thác và sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, cho thủy điện, nông nghiệp, khai thác thủy hải sản,… Giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả trên địa bàn.
PV: Thực thi Luật TNN 2023 đã quy định rõ trách nhiệm của huyện trong việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trùng Dương: Theo Điều 17 của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước như sau:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Chỉ đạo, tổ chức xây dựng và phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch, phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến về quy định quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; bố trí kinh phí lập Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn; kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Nghị định này trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách.
Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn.
Đồng thời, phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ sông, suối, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác trên địa bàn và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt.
PV: Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước thực sự đi vào đời sống xã hội, đi vào lòng dân, nhận được sự hợp tác của người dân trong việc triển khai các chính sách, quy định của pháp luật. Theo ông, thời gian tới, làm thế nào để huy động được sức mạnh toàn dân trong việc bảo vệ nguồn nước?
Ông Nguyễn Trùng Dương: Để hành lang pháp lý về bảo vệ nguồn tài nguyên nước thực sự đi vào đời sống xã hội, đi vào lòng dân trong công cuộc bảo vệ nguồn nước theo tôi không có công cụ nào hữu hiệu hơn trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước, đề cao tính chủ động, khuyến khích người dân trong bảo vệ tài nguyên nước và vận động người dân bảo vệ tài nguyên nước như bảo vệ tài nguyên của chính mình.
Hơn nữa, với sự thay đổi của các cơ chế chính sách về xã hội hóa, về tài chính tài nguyên nước trong Luật Tài nguyên nước 2023, tôi hy vọng sẽ huy động được các nguồn lực xã hội chung tay bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khôi phục được các dòng sông “chết,” bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng nước, nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các dòng sông và các giá trị văn hóa gắn liền với nước của nhân dân. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý đối với các cấp trên địa bàn, xử lý nghiêp các trường hợp vi phạm luật tài nguyên nước theo quy định.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Sỹ Tùng (thực hiện)