Phát triển “du lịch xanh” và bền vững
20/03/2022TN&MTDu lịch hiện nay được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Phát triển Du lịch dựa trên sự khai thác các yếu tố tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, văn hóa của từng địa phương. Nhưng nếu không biết khai thác tiềm năng du lịch một cách hợp lý, sẽ làm suy giảm chất lượng môi trường và ảnh hưởng tới phát triển du lịch. Bởi vậy, nhiều hoạt động du lịch có liên kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Du khách quốc tế trải nghiệm đi cầu khỉ tại cù lao Thới Sơn (Tiền Giang).
Thách thức từ thực tiễn
Thực tế cho thấy, việc phát triển “nóng” thời gian qua đã kéo theo những vấn đề rất lớn, nhưng việc xử lý thì chưa tương xứng, chưa triệt để, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Ý thức du khách trong bảo vệ môi trường chưa cao, còn xả rác bừa bãi tại các khu, điểm du lịch và đặc biệt là việc tổ chức thu gom chưa có đầu tư sâu, không tập trung thống nhất đã khiến cho vấn đề rác thải trong du lịch trở thành nỗi sợ trầm kha đối với mọi người trong xã hội.
Đáng chú ý, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch mới chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế trước mắt đã khai thác nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu du khách một cách không hợp lý, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng các phương tiện khai thác quá mức các nguồn tài nguyên như rạn san hô, hải sản,… dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi hải sản, suy giảm đa dạng sinh học. Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày một gia tăng trong những năm qua cũng làm giảm sự hấp dẫn của các điểm đến của du lịch Việt Nam.
Theo TS. Đoàn Mạnh Cương, Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nếu lượng khách tới tham quan vượt quá sức chứa của điểm đến du lịch - trong khi lượng tài nguyên và nguồn nhân lực hạn chế - sẽ dẫn đến sự quá tải về mọi mặt cho điểm đến, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng lên môi trường tự nhiên,… Do đó, BVMT nhìn nhận dưới góc độ sức chứa của điểm đến du lịch, vừa tránh được tình trạng quá tải, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên.
Dịch Covid-19 đã gây ra suy thoái trầm trọng, trong đó du lịch là ngành phải gánh chịu và bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc ngưng trệ du lịch thời gian qua cũng là thời gian “vàng” để ngành phân tích, tìm ra những hạn chế, đưa ra các giải pháp khắc phục và tăng tốc khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Thế nên, để BVMT trong phát triển ngành “công nghiệp không khói” thì vấn đề cốt yếu là cần có đủ dũng cảm và tâm huyết thay đổi thói quen, hướng đến “du lịch xanh và bền vững”.
Du khách thích thú tham gia tour du lịch dọn rác tại rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh
Thay đổi với tour “nhặt rác”
Rác thải, đặc biệt rác thải nhựa, luôn là nỗi ám ảnh ở những địa phương phát triển du lịch. Không khó để bắt gặp tại nhiều bãi biển hay vùng núi cao những bãi rác khổng lồ do du khách bỏ lại và tích tụ qua năm tháng. Theo thống kê, phải mất từ 100 - 1.000 năm, rác thải nhựa mới bị phân hủy. Việt Nam hiện là một trong 5 quốc gia châu Á xả rác thải nhựa nhiều nhất ra biển.
Từ con số đáng báo động trên, ngày càng nhiều doanh nghiệp lữ hành đã lồng ghép các hoạt động thu gom rác thải nhựa vào chương trình tour như: Vietravel, Oxalis Adventure Tours, Tiên Phong Travel, Hoi An Kayak Tours, Danang Ocean Tours... Mở đầu cho phong trào đi du lịch nhặt rác từ cách đây gần chục năm là Công ty lữ hành Vietravel với hình ảnh du khách tay cầm túi nilon, tay cầm kẹp nhặt rác trên bãi biển khiến nhiều người ngạc nhiên. Tiếp đó là Oxalis Adventure Tours với tour Sơn Đoòng. Mặc dù du khách ăn nghỉ, sinh hoạt trong hang gần nửa tháng, nhưng khi họ rời đi, hang Sơn Đoòng lại sạch sẽ như chưa từng có người đặt chân đến. Đầu năm 2020, Công ty Tiên Phong Travel cũng triển khai chiến dịch vớt rác tại suối Yến, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Tại Hội An (Quảng Nam), vài năm gần đây, Công ty Hoi An Kayak Tours đã triển khai chương trình trải nghiệm chèo thuyền kayak trên sông Hoài và vớt rác trên sông. Đại diện công ty cho biết, đây là tour phi lợi nhuận, miễn phí hoàn toàn với du khách trong nước và tính phí 10USD/người với khách nước ngoài để trang trải các chi phí tổ chức, phương tiện vận chuyển, tập kết rác,... và được rất nhiều du khách hưởng ứng.
Nhiều travel blogger (người đi và viết về các điểm đến, trải nghiệm) nổi tiếng cũng phát động tour nhặt rác nhằm nâng cao ý thức BVMT cho du khách. Trần Việt Anh, blogger 30 tuổi đã đi hết 63 tỉnh, thành của Việt Nam và 11 nước Đông Nam Á là người truyền cảm hứng xê dịch cho nhiều bạn trẻ với 28 nghìn lượt người theo dõi trên trang facebook cá nhân và hơn 4 triệu độc giả trên trang dulichbui24.com. Trong mỗi bài viết, clip về các điểm đến, Việt Anh luôn hướng dẫn các bạn trẻ không xả rác trực tiếp ra môi trường. Từ năm 2017, Việt Anh bắt đầu lên ý tưởng cho các tour nhặt rác. “Việc đi du lịch kết hợp với nhặt rác ban đầu khó thu hút người tham gia, nhưng bằng sức ảnh hưởng của mình, tôi đã thuyết phục được bạn bè và những người xung quanh cùng hành động BVMT, qua đó mọi người sẽ hiểu hơn về du lịch có trách nhiệm”, Việt Anh chia sẻ.
Hướng tới lựa chọn “du lịch xanh” bền vững
Có thể nhận thấy, ý thức BVMT của du khách ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực trong thời gian qua. Chương trình khảo sát “Tương lai của du lịch” do Booking.com thực hiện trong năm 2020 với sự tham gia của 500 du khách Việt Nam cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động và thay đổi nhận thức du khách: 59% du khách bắt đầu tìm kiếm cách đi du lịch bền vững hơn để giảm tác động lên môi trường và cộng đồng địa phương, 54% tránh đi du lịch mùa cao điểm, 52% cân nhắc giảm lượng rác thải và tái chế nhựa, 81% hy vọng ngành Du lịch có thể đưa ra thêm nhiều lựa chọn du lịch bền vững,... Đây là gợi ý để các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ chuyển đổi cách làm, tăng cường sử dụng vật liệu tái chế hoặc tự hủy trong hệ thống sản phẩm để vừa BVMT, vừa tạo nên những trải nghiệm ấn tượng cho du khách.
TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: Thời gian tới, xu hướng du lịch sinh thái sẽ tiếp tục phát triển mạnh bởi những lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường của loại hình này, đồng thời phản ánh mối quan tâm của khách du lịch, của toàn cầu đến sự phát triển bền vững. Đó là sự gia tăng các tour du lịch xanh, tour tìm hiểu và chung tay bảo vệ thế giới tự nhiên, động vật hoang dã; các chuyến đi kết hợp với hoạt động bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên môi trường tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên,...
“Các thuật ngữ “du lịch xanh”, “du lịch thân thiện môi trường”, “du lịch không rác thải nhựa”,... không còn xa lạ với du khách mà nó đang ngày càng gia tăng trong lựa chọn dịch vụ của du khách”, bà Hoa cho biết. Đó chính là dấu hiệu cho thấy, vấn đề BVMT gắn với du lịch trách nhiệm, du lịch bền vững đang ngày càng được xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, để khuyến khích phát triển loại hình du lịch xanh gắn với bảo tồn tài nguyên, thân thiện với môi trường cần phát triển các loại hình du lịch bền vững, như: Du lịch sinh thái; du lịch gắn với bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ du khách,... Bên cạnh đó, các địa phương và ngành du lịch cũng cần xây dựng cơ chế để thành lập và phát huy hiệu quả các quỹ môi trường trong hoạt động du lịch.
Thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã không chú trọng đến vấn đề xử lý môi trường khi xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch do cắt giảm kinh phí đầu tư. Điển hình là công tác thu gom, xử lý rác thải không được đầu tư chuyên nghiệp bằng các thiết bị công nghệ hiện đại và có chiều sâu nên khi du lịch nở rộ sẽ gây ra hiện tượng quá tải. Rác thải và môi trường đã làm xấu đi hình ảnh bộ mặt du lịch trong mắt du khách. Thực tế cũng cho thấy, nếu đầu tư việc thu gom rác thải bằng công nghệ hiện đại và tổ chức duy trì thường xuyên, chặt chẽ sẽ giúp cho du khách thay đổi thói quen và hạn chế tối đa hành vi xả rác thải bừa bãi. Bên cạnh đó, cần tích cực truyền thông để hạn chế sử dụng hoặc tăng cường tái chế, tái sử dụng tài nguyên rác, áp dụng khoa học tiến bộ trong xử lý rác; ứng dụng khoa học công nghệ xử lý môi trường du lịch; đầu tư sâu cả trong quản lý giám sát môi trường tự nhiên trong du lịch và xử lý rác thải.
Hiện nay, một số công nghệ có thể áp dụng, như: Điện mặt trời, điện gió ở nhiều quy mô như nhà máy lớn cấp điện cho diện tích lớn hoặc quy mô một khu du lịch, khu nghỉ dưỡng; sử dụng công nghệ tắt - bật thông minh và hệ thống sensor nhiệt trong các khu nghỉ dưỡng, phòng khách sạn để tiết kiệm điện; đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu, điểm du lịch để tái sử dụng lại nguồn nước; đặc biệt, việc áp dụng phân loại rác tại nguồn như đã đề cập trên đây phải được triển khai rộng rãi tại các khu, điểm du lịch.
Môi trường luôn là cơ sở quan trọng cho phát triển du lịch. Khai thác du lịch quá mức nhưng không chú trọng gìn giữ, BVMT là một hình thức tận diệt ngành “công nghiệp không khói”. Thế nên, ngay trong lúc này, trước khi mở cửa du lịch cần phải tận dụng thời gian “vàng”, triệt để củng cố quản lý, khai thác gắn với gìn giữ môi trường du lịch bền vững.
QUANG SÁNG
Tổng cục Du lịch Việt Nam