Phát triển, ứng dụng công nghệ xanh hướng tới Net Zero
24/10/2024TN&MTMục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 (Net Zero) là một thách thức lớn, nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Việc thực hiện các cam kết quốc tế và triển khai chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để nước ta đạt được mục tiêu này vào năm 2050, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
“Mô hình kinh tế tuần hoàn từ chất thải” của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ xử lý bùn thải từ các nhà máy bia, mía đường để phát điện và sản xuất phân bón vi sinh
Còn nhiều thách thức
Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng cao và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và con người.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc - COP26, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây là cam kết mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Để hướng tới mục tiêu Net Zero, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các bon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định...
Cùng với đó, nước ta đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch; khuyến khích phát triển và sử dụng phương tiện giao thông công cộng; xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải; ứng dụng các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, tiết kiệm nước, giảm sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học... Đặc biệt, Việt Nam đã và đang thực hiện các chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ hướng tới mục tiêu Net Zero.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Nam Vinh (Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ), trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam còn hạn chế, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như năng lượng tái tạo, thu giữ và lưu trữ các bon (CCS), xử lý chất thải. Việc làm chủ các công nghệ lõi và phát triển công nghệ mới phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nước vẫn là một bài toán khó giải. Ngoài ra, sự tham gia của khu vực tư nhân vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo vẫn hạn chế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nghiên cứu và phát triển công nghệ còn thiếu đồng bộ và chưa hiện đại cũng là một thách thức lớn, khiến cho việc tiếp nhận và làm chủ các công nghệ chuyển giao gặp nhiều khó khăn...
Xây dựng nền tảng hiện thực hóa mục tiêu
Để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường…; trong đó có Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, giai đoạn 2024-2030”.
Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Sĩ Đăng cho biết, mục tiêu của Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, giai đoạn 2024-2030” là cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến mục tiêu Net Zero; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các mô hình và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội xanh, tuần hoàn, các bon thấp, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng, giải mã, đổi mới và chuyển giao công nghệ, các giải pháp quản lý và kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính.
Cùng với đó là phát triển công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn; giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng; nghiên cứu phát triển và ứng dụng vật liệu mới, năng lượng mới, xanh, tái tạo... theo hướng giảm phát thải; thu hồi, tận dụng và lưu trữ các bon...
Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, giai đoạn 2024-2030” đề xuất 8 nội dung nghiên cứu, khi được chính thức ban hành sẽ là căn cứ cho các tổ chức, cá nhân tham khảo, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển, giải mã, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ phục vụ cho mục tiêu Net Zero.
Hiện thực hóa mục tiêu Net Zero sẽ đóng góp vào việc thực hiện cam kết quốc gia, đồng thời là một phần trong nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và đối phó với biến đổi khí hậu của nước ta.
Theo hanoimoi.vn