Phát triển tự động, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, triển khai đồng bộ các giải pháp
29/07/2024TN&MTTổng cục Khí tượng Thủy văn vừa tổ chức công bố Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành dự và chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị
Tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 08/4/2024. Quy hoạch được lập đã tuân thủ theo đúng quy định và trình tự lập Quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch, Luật KTTV, Luật Phòng, Chống thiên tai 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Theo đó, Quy hoạch đã được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và kế thừa Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được ban hành tại Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Quy hoạch đã bám sát theo nhu cầu thực tiễn nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, bất cập của mạng lưới trạm KTTV trong giai đoạn vừa qua.
Nội dung Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện rõ, nhất quán theo quan điểm về tầm quan trọng và mục tiêu tổng quát đối với công tác KTTV được chỉ đạo trong Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quy hoạch cũng đã bám sát Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, phù hợp với định hướng hiện đại hóa và xu thế phát triển của thế giới.
Theo Quy hoạch, mạng lưới trạm KTTV quốc gia thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2030 đã bao gồm đầy đủ mạng lưới trạm thành phần: Khí tượng bề mặt, tượng nông nghiệp (lồng ghép với khí tượng bề mặt), đo mưa, khí tượng trên cao, ra đa thời tiết, định vị sét khí, thủy văn, hải văn, giám sát BĐKH, khí tượng toàn cầu, ra đa biển và phao biển, quan trắc môi trường không khí và nước, đo mặn và một số loại trạm chuyên đề khác. Trong đó, các trạm khí tượng bề mặt, thủy văn, hải văn được phân định thành 02 loại trạm gồm trạm cơ bản và trạm phổ thông: Trạm cơ bản (trạm nền) đóng vai trò nòng cốt trên mạng lưới trạm KTTV quốc gia, trạm quan trắc ổn định, lâu dài. Số liệu quan trắc tại trạm phản ánh các đặc trưng về khí tượng, thủy văn, hải văn của vùng, tiểu vùng hoặc lưu vực sông và được sử dụng để kiểm tra, đánh giá, so sánh số liệu quan trắc của các trạm KTTV khác trên cùng khu vực; được tổ chức theo mô hình trạm có quan trắc viên.
Để thực hiện thành công Quy hoạch, Bộ TN&MT mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ Quy hoạch trên các địa bàn. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KTTV tiếp tục tăng cường đầu tư vào các dự án phát triển, nâng cấp, tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV theo đúng tinh thần chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTTV của Đảng và Nhà nước.
Một số điểm mới của Quy hoạch
Ông La Đức Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV văn cho biết, Quy hoạch kỳ này đã được thực hiện bài bản, công phu theo đúng các quy định của Luật quy hoạch, Luật KTTV,… trong bối cảnh BĐKH, thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự đổi mới về cơ chế, chính sách, nên Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có những điểm mới mang tính đột phá để phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đề ra, cụ thể: Đã thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm theo yếu tố quan trắc (không quy hoạch theo hạng trạm như trước đây), để hướng tới mô hình mạng lưới trạm có mật độ quan trắc hợp lý (không thừa, không thiếu), theo định hướng công nghệ quan trắc tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao (như mô hình các nước phát triển trên thế giới), nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cao về cung cấp thông tin dữ liệu KTTV phục vụ nhu cầu dự báo, cảnh báo và phát triển KT-XH đặt ra qua các giai đoạn phát triển.
Quy hoạch đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã được công bố, các khuyến cáo của WMO về mật độ trạm; các kết quả nghiên cứu các mô hình mạng lưới trạm tiên tiến trên thế giới và điều kiện tình hình thực tiễn để tính toán xác định mật độ và vị trí đặt trạm trong quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tiết kiệm và hiệu quả. Quy hoạch đã thực hiện phân loại trạm khí tượng, thủy văn, hải văn thành trạm cơ bản - quan trắc đầy đủ các yếu tố, có quan trắc viên và trạm phổ thông - quan trắc một số yếu tố và định hướng là trạm tự động hoàn toàn, không có quan trắc viên (không phân loại theo hạng trạm như trước đây) nhằm tạo nền tảng quan trọng, thúc đẩy tiến trình tự động hóa, hướng tới mục tiêu tự động hóa 100% các trạm phổ thông, nhằm tăng cường năng lực quan trắc của các trạm, tiết kiệm kinh phí quản lý vận hành, giải phóng nguồn nhân lực vận hành trạm và tài nguyên đất đai. Về đầu tư, quy hoạch yêu cầu tập trung đầu tư dứt điểm từng trạm phổ thông theo hướng tự động hóa 100% (đầu tư tới đâu tự động hóa tới đó) nhằm tập trung cao các nguồn lực đầu tư cho tự động hóa quan trắc, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chắp vá (nửa tự động, nửa thủ công) nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình tự động hóa mạng lưới quan trắc. Có sự ưu tiên, tập trung rõ rệt trong việc quy hoạch mạng lưới trạm cho các vùng trống số liệu vùng thường xuyên chịu tác động và rủi ro thiên tai, BĐKH.
Giải pháp thực hiện và dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030
Giải pháp để thực hiện Quy hoạch, đó là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KTTV; xác định rõ vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; xây dựng lộ trình, phương án phù hợp theo quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập về KTTV. Xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách về tổ chức, bộ máy phù hợp với quá trình chuyển đổi mô hình quản lý mạng lưới trạm KTTV theo hướng hiện đại, tự động, giảm thiểu nhân lực và chi phí quản lý vận hành; phát triển các dịch vụ KTTV; thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quan trắc KTTV; khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác KTTV, trọng tâm là nhân lực tự động hóa. Giải pháp về tổ chức bộ máy, phát triển nhân lực
Kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp; đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của mạng lưới trạm KTTV quốc gia theo hướng tập trung, đồng bộ, thống nhất và phù hợp với mô hình quản lý hiện đại, quá trình hiện đại hóa, tự động hóa.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; bố trí, sắp xếp nhân lực hài hòa, hợp lý, đảm bảo nhất quán trong quá trình tự động hóa mạng lưới trạm KTTV quốc gia. Mở rộng liên kết đào tạo với các tổ chức trong, ngoài nước và trao đổi kinh nghiệm quốc tế để nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ quan trắc KTTV.
Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, các quy định pháp luật khác có liên quan, khả năng bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để đầu tư phát triển mang lưới trạm KTTV quốc gia theo từng giai đoạn của quy hoạch.
Đầu tư các đề án, dự án có trong danh mục Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg; các dự án về lĩnh vực KTTV có liên quan đến nội dung Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT theo Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị; các dự án đầu tư thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó ưu tiên đầu tư các trạm KTTV tại khu vực biên giới, hải đảo; vùng sâu vùng xa, vùng trống dữ liệu, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai nguy hiểm).
Về nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới trạm quan trắc KTTV, ngoài nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các hình thức xã hội hóa, phát triển dịch vụ KTTV và giải phóng quỹ đất trong quá trình tự động hóa các trạm quan trắc.
MAI HOÀNG
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 10 năm 2024