Phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo - Kinh nghiệm quốc tế và của một số địa phương ở nước ta về chuyển đổi năng lượng
23/10/2024TN&MTTheo Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/7/2022 về việc Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (1) và tại Quyết định 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 ban hành ngày 26/7/2022 đã nêu rõ “Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
Sự cần thiết chuyển dịch năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Theo Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/7/2022 về việc Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu [1] và tại Quyết định 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 ban hành ngày 26/7/2022 đã nêu rõ “Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” [2]. Bên cạnh đó, tháng 12/2022, Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership- JETP). JETP dự kiến cung cấp 15,5 tỷ USD hỗ trợ cho giai đoạn đến năm 2026-2028, bởi một nhóm các nước tài trợ và tư nhân để giúp Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Các nội dung chính của JETP bao gồm các mục tiêu đến năm 2030 như sau: Đỉnh phát thải của ngành điện đạt 170 triệu tấn CO2eq, sản lượng NLTT chiếm tỷ trọng 47% và công suất đỉnh của các nhà máy điện than là 30,2 GW.
Mặt khác, thông qua Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã lồng ghép quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững vào Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) tại Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt ngày 15/5/2023, Quyết định 500/QĐ-TTg đặt ra các mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng để hỗ trợ đất nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 [3]. Đáng chú ý, không có kế hoạch đầu tư nhà máy nhiệt điện than mới nào sau năm 2030 và việc giảm dần các nhà máy điện than sẽ diễn ra sau năm 2035.
Ngoài ra, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia (QHNLQG) tại Quyết định số 893/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua ngày 26/7/2023 đã lồng ghép với QHĐ8 nhằm đạt được các mục tiêu phát triển của Việt Nam đồng thời đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với mục tiêu cụ thể về chuyển đổi năng lượng công bằng “tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 - 20% năm 2030 và khoảng 80 - 85% năm 2050” [4].
Chuyển dịch năng lượng xanh và năng lượng tái tạo trên thế giới
Chuyển dịch năng lượng là quá trình thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường bằng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo,... đang là xu hướng của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung hiện nay. Thời gian gần đây, trong bối cảnh thế giới đang đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải và chuyển đổi năng lượng nhằm đạt mục tiêu về trung hòa các-bon, việc đầu tư phát triển năng lượng xanh và năng lượng tái tạo được chú trọng hơn bao giờ hết.
Theo cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thời gian qua việc sử dụng năng lượng xanh và năng lượng tái tạo trên phạm vi quy mô toàn cầu đã cao hơn nhiều so với trước đây tại thời điểm Thỏa thuận chung Paris được ký kết vào năm 2015. Theo đó, tốc độ tăng trưởng đầu tư hàng năm vào năng lượng năng lượng xanh và năng lượng tái tạo trung bình trong 5 năm sau thỏa thuận khí hậu Paris chỉ hơn 2%. Đến năm 2020, tỉ lệ đã tăng lên 12%, năm 2022 đầu tư cho năng năng lượng xanh và năng lượng tái tạo đạt 1.400 tỷ USD chiếm gần 60% tổng đầu tư cho toàn ngành năng lượng [5].
Mỹ và châu Âu luôn cam kết đi đầu trong việc chống biến đổi khí hậu đã đưa ra nhiều chính sách ưu tiên phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo,... và đã đạt được những thành quả tích cực. Mỹ đã đưa ra nhiều chương trình đầu tư phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, chính quyền Mỹ đã giành hàng chục tỷ USD nhằm thúc đẩy đầu tư cho năng lượng xanh và năng lượng tái tạo trên toàn quốc, khoản tiền này được đưa vào các chương trình, dự án giảm phát thải khí nhà kình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, đồng thời tạo ra một nền kinh tế năng lượng xanh và năng lượng tái tạo cho tất cả mọi người.
Thời gian gần đây, trong bối cảnh chiến tranh giữa Nga và Ukraina ngày càng leo thang, việc các quốc gia ở châu Âu chuyển dịch đầu tư cho năng lượng xanh và năng lượng tái tạo đang góp phần giảm khó khăn trong việc giải bài toán về an ninh năng lượng. Ủy ban châu Âu cũng đưa ra nhiều chính sách tăng tốc đầu tư vào mạng lưới năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và thúc đẩy tiến độ các dự án, tăng công suất điện mặt trời để kịp thời đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tái tạo đã giúp giảm tình trạng thiếu điện trong những đợt nắng nóng gần đây. Trong khi đó tại Nam Âu, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã gia tăng lắp đặt điện mặt trời trong bối cảnh hai nước đối mặt với giá năng lượng tăng cao kỷ lục, năm 2022 công suất điện mặt trời của Tây Ban Nha tăng thêm 4,5 GW và là mức cao kỷ lục, điện mặt trời đóng góp 30% sản lượng điện của Tây Ban Nha. Tại Hy Lạp điện mặt trời đã đáp ứng 3,5 GW trong tổng nhu cầu là 10GW. Tại Italia, Thụy sỹ, Bỉ,…năng lượng tái tạo cũng được yêu tiên phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu sủ dụng điện. ở khu vực châu Á với Ấn Độ, Trung Quốc là những nước dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo [6].
Có thể nói, năng lượng xanh và năng lượng tái tạo đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng, việc phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu của các nước. Như vậy, chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang là xu thế tất yếu trong phát triển năng lượng, phát triển nguồn điện trên thế giới hiện nay.
Tại Đan Mạch
Vào những năm 1970, đất nước này phải đối mặt với giá dầu tăng cao và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khiến một phần nền kinh tế phải dừng lại. Đan Mạch đặt mục tiêu tự chủ về năng lượng và dựa vào năng lượng tái tạo. Từ chối năng lượng hạt nhân, nước này đã xây dựng hàng nghìn tua-bin gió, xuất phát từ lịch sử trong quá khứ vào cuối năm 1880, nhà vật lý Damien Poul la Cour đã thử nghiệm năng lượng gió cho nông nghiệp và sau đó là điện.
Từ cuối những năm 1970 đến năm 2000, 6.000 tua-bin gió đã được xây dựng. Vào những năm 1980, hai mươi nhà sản xuất tua-bin đã được thành lập. Năm 1991, trang trại gió ngoài khơi đầu tiên (hiện đã bị tháo dỡ) được thành lập tại vùng nước nông ngoài khơi Vindeby, phía đông nam Đan Mạch. Kể từ đó, các cơ sở quy mô lớn đã tiếp tục được xây dựng ở Biển Bắc và Biển Baltic, trong đó sáng tạo nhất là các cơ sở tại Horns Rev và Kriegers Flak. Cho đến nay, khoảng 4.800 tua-bin đang tạo ra 6,9 GW trên đất liền và trên biển (4.593 GW (4.500 tua-bin gió) và 2.306 GW tương ứng), sử dụng 33.000 người chuyên vận hành chúng. Không còn nghi ngờ gì nữa về hiệu quả của các tua-bin gió ở Đan Mạch: các mô hình mới nhất đạt tới 15 MW sản lượng trong 24 giờ. Điện gió là nguồn năng lượng rẻ nhất ở quốc gia này. Đến năm 2030, Đan Mạch có kế hoạch tạo ra 60% năng lượng từ điện gió.
Kinh nghiệm của Đan Mạch được thể hiện rõ ràng ở vai trò của Chính phủ trong giai đoạn đấu thầu, đặc biệt ở các khâu quy hoạch không gian biển hay rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá các dự án. Với quy trình chặt chẽ, hạn chế đối tượng tham gia thầu giúp Đan Mạch lựa chọn một cách hiệu quả nhất các nhà đầu tư, hạn chế rủi ro, thông qua Cục Năng lượng quốc gia (DEA) làm việc minh bạch, rõ ràng. Một lý do thành công khác là Chính phủ Đan Mạch ban hành nhiều quy định, hình thành khung pháp lý chặt chẽ trong công tác quản lý giá nhằm tạo điều kiện phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cũng cung cấp các ưu đãi đáng kể cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo để thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan [7].
Tại Hàn Quốc
Từ năm 1987 Hàn Quốc bắt đầu xây dựng và phát triển các chính sách về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo với việc ban hành đạo luật khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Đến năm 2002, cơ chế giá điện FIT cho điện gió lần đầu tiên tại Hàn Quốc với giá không đổi trong 5 năm đầu tiên (107.66 KRW/kWh). Đến năm 2003, gia hạn thời gian áp dụng FIT cho điện gió và mặt trời từ 5 năm lên 15 năm. Năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thay thế cơ chế giá điện FIT bằng cơ chế tiêu chuẩn danh mục đầu tư năng lượng xanh, năng lượng tái tạo - RPS (Renewable Portfolio Standard) và đưa ra lộ trình áp dụng từ cuối năm 2012. Cụ thể, các đơn vị sản xuất điện với công suất trên 500MW thuộc đối tượng phải áp dụng cơ chế RPS, theo đó phải sản xuất 4% năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đến năm 2017 và tăng lên 10% đến năm 2023. Các đơn vị sản xuất điện khi áp dụng cơ chế RPS sẽ được nhận một chứng chỉ năng lượng xanh, năng lượng tái tạo (REC) tương ứng với quy mô dự án thực hiện.
Với việc áp dụng cơ chế RPS đã có nhiều tác động tích cực, dẫn chứng cụ thể là trong giai đoạn 2002-2011 khi áp dụng cơ chế giá FIT tỷ lệ tăng trưởng công suất đặt của năng lượng xanh, năng lượng tái tạo khoảng 7,5%, trong khi giai đoạn 2012-2016 khoảng 11,36%. Hàng năm, trên cơ sở rà soát các mục tiêu đã thực hiện, Chính phủ sẽ thiết lập mục tiêu sản xuất NLTT của các đơn vị sản xuất điện (hiện có 18 đơn vị phải áp dụng cơ chế RPS) và cấp chứng chỉ NLTT (REC-Renewable Energy Certificate). Các đơn vị sản xuất điện phải đạt được mục tiêu sản xuất NLTT hàng năm theo yêu cầu của Chính phủ bằng hình thức đầu tư nhà máy điện sản xuất NLTT mới hoặc mua bán chứng chỉ REC từ các đơn vị sản xuất điện khác [8].
Tại Ấn Độ
Hiện nay, Ấn Độ là quốc gia có nhiều thành tựu trong hoạt động chuyển đổi cơ chế phát triển năng lượng tái tạo sang cạnh tranh đấu thầu để phát triển năng lượng tái tạo. Cuộc cách mạng chuyển đổi năng lượng tại Ấn Độ trải qua một khoảng thời gian dài, nhưng thành công chủ yếu được ghi nhận trong khoảng 10 năm gần đây. Minh chứng rõ ràng cho sự thành công của chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Ấn Độ là việc nâng cao tổng công suất lắp đặt nguồn điện mặt trời tại Ấn Độ tăng gần 16 lần từ năm 2014 đến năm 2021. Ngoài ra, cơ chế đấu thầu theo giá để lựa chọn dự án có mức giá điện thấp nhất trong giai đoạn đầu có gặp nhiều khó khăn, các chính sách và quy định còn chồng chéo hoặc chưa thực sự rõ ràng, bảo vệ nhà đầu tư. Hệ quả gây ra là các nhà đầu tư phải chịu nhiều thiệt hại, các chính sách bảo vệ nhà đầu tư gặp cản trở từ vấn đề về tỷ giá hối đoái, lãi suất, nguồn tiến độ đầu tư, mạng lưới điện không đồng bộ,… Nhiều đợt đấu thầu đã bị hủy, một số dự án bị nhà đầu tư từ chối phát triển khi trúng thầu, vì vậy dẫn đến nhiều tranh chấp, kiện tụng. Không chỉ vậy, phát triển năng lượng tái tạo của Ấn Độ ghi nhận sự kiện toàn của cấu trúc hành chính từ chính phủ Ấn Độ đến các tiểu bang. Trong giai đoạn đầu, Ấn Độ gặp nhiều khó khăn do tồn tại các chính sách chưa có sự nhất quán, rõ ràng từ trên xuống, các vấn đề về đất đai và phát triển mạng lưới điện tại các tiểu bang được áp dụng với các chính sách riêng, các phần còn lại của dự án chịu sự giám sát và điều hành từ chính phủ [9].
Định hướng phát triển năng lượng xanh và năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg thông qua ngày 15/5/2023 về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ định hướng phát triển điện mặt trời phải kết hợp với pin lưu trữ khi giá thành phù hợp cụ thể như sau: (1) Đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật của Việt Nam khoảng 221.000 MW). Phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới. (2) Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.
Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500 MW. Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ...) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước. Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050. Tại Quyết định 500 cũng chỉ rõ Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW (mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW). Từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh [3].
Điều đó, chứng tỏ quyết tâm lớn của Việt Nam trong chuyển đổi nhanh sang phát triển điện từ năng lượng tái tạo, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà điển hình là từ 2050 không còn dùng than phát điện. Chắc chắn, phát thải ròng khí nhà kính cũng sẽ giảm và hy vọng đến năm 2050 đạt được “Net Zero” như cam kết của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính ở COP26.
Tương tự, tại Quyết định số 893/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua ngày 26/7/2023 đã đề cập mục tiêu cụ thể sau: (i) Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% nếu nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, công nghệ, quản trị của quốc tế theo JETP.
Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. (ii) Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo: Dự kiến đến 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi. Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW [4].
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ở nước ta
Từ thực tế kinh nghiệm của các nước trên thế giới nói trên, có thể thấy rằng, Ấn Độ, Đan Mạch, Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu, khi chính sách chưa có sự nhất quán và chưa rõ ràng từ trên xuống. Trong khi đó việc chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu để hướng tới phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo một cách phù hợp nhất với điều kiện công nghệ, yêu cầu về môi trường của Việt Nam là thực sự rất cần thiết. Vì vậy, trong thời gian tới chính phủ cần sớm đưa ra cơ chế đầu thầu, làm tăng tính minh bạch, công bằng và giảm giá mua điện từ các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Giống như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới Việt Nam cần trải qua các quá trình điều chỉnh để có thể tìm được điểm cân bằng, vì vậy cần thực hiện nhanh và đồng bộ một số giải pháp như:
Cần xác định rõ cơ quan đầu mối thực hiện, đặc biệt ở lĩnh vực đầu tư năng lượng. Cần xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến các đơn vị, đặc biệt trong giai đoạn quy hoạch, môi trường, đầu tư. Đồng thời, cần xây dựng các bước đệm chuyển đổi chính sách phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo phù hợp với thực tế, bao gồm cả phát triển trong giai đoạn chuyển đổi;
Cụ thể hoá và đồng bộ các quy định trong cơ chế đấu thầu, thực thi cơ chế đấu thầu như quản lý rủi ro,… và có kế hoạch đấu thầu rõ ràng, minh bạch, đầy đủ thông tin về số lượng dự án, loại hình dự án cũng như các vấn đề về pháp lý;
Quan tâm tới các nguồn lực và công cụ hỗ trợ để xem xét áp dụng các tiêu chí, thước đo phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thước đo xếp loại tín nhiệm doanh nghiệp ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Công khai cung cấp đầy đủ thông tin rõ ràng và minh bạch cho các bên liên quan trên cơ sở đó nhanh chóng hoàn thành khung pháp lý, quy trình hướng dẫn xử lý triệt để và đồng bộ, từ đó hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và chính quyền.
Thực tiễn chỉ ra rằng khung pháp lý và chính sách của nhà nước là nhân tố quyết định tới quá trình phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý, hệ thống chính sách rõ ràng, đầy đủ và nhất quán là cần thiết và quan trọng. Qua phản hồi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đa phần chia sẻ “khung pháp lý của nước ta về lĩnh vực năng lượng cần đáp ứng các tiêu chí đơn giản, ổn định, minh bạch và tăng cường tính cạnh tranh” đặc biệt là với các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Cụ thể, đơn giản thể hiện ở cơ chế một cửa, đảm bảo giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến dự án; các kế hoạch và mục tiêu phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo phải ổn định và lâu dài; việc xây dựng quy trình cần minh bạch, chặt chẽ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhằm tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư; cuối cùng gia tăng tính cạnh tranh là giải pháp tốt nhất để khai thác năng lượng xanh, năng lượng tái tạo quy mô lớn hiệu quả.
Các chính sách phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo có thể được hình thành trên cơ sở Chiến lược phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đẩy mạnh các chính sách hình thành và phát triển thị trường về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; chính sách giá điện và đảm bảo đầu tư; các chính sách liên quan tới việc đáp ứng tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; Phát triển cơ chế thanh toán bù trừ, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai cho các công trình nghiên cứu, xây dựng liên quan đến việc phát triển và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các chính sách về bảo vệ môi trường, đánh thuế Cacbon,… cũng cần được quan tâm và triển khai. Vì việc khai thuế Cabon đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và gặt hái được nhiều thành tựu nhất định.
Bên cạnh việc bổ sung và hoàn thiện các chính sách phát triển, việc đào tạo nguồn nhân lực của chính quyền các cấp cần được chú trọng nhằm đảm bảo hệ thống quản lý thống nhất, đồng bộ từ TW tới địa phương trong phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Theo ý kiến của các doanh nghiệp năng lượng hoàn thiện môi trường đầu tư sẽ tạo động lực thúc đẩy thị trường của năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Môi trường đầu tư năng động, linh hoat tạo điều kiện các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư và phát triển bằng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư với các gói cho vay lãi suất thấp, các gói hỗ trợ về thuế.
Thời gian gần đây nước ta không ngừng giao lưu, hợp tác quốc tế nhằm phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nước đi đầu trong phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo như: Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Ấn Độ,… Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn hợp tác phát triển hạ tầng các khu vực kinh tế và khuyến khích doanh nghiệp quốc tế đầu tư và phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Duy trì mối quan hệ hữu hảo với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…Từ đó, tạo môi trường đầu tư năng động, hiệu quả, tạo đòn bẩy phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thành công.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ, 2022, Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/7/2022 về việc Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu;
2. Chính phủ, 2022, Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 ban hành ngày 26/7/2022 đã nêu rõ “Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”;
3. Chính phủ, 2023, Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt ngày 15/5/2023, Quyết định 500/QĐ-TTg đặt ra các mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng để hỗ trợ đất nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050;
4. Quyết định số 893/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
5. https://www.iea.org/reports/world-energy-investment-2022/overview-and-key-findings;
6. https://www.solarpowereurope.org/insights/outlooks/global-market-outlook-for-solar-power-2023-2027/detail;
7. https://www.construction21.org/articles/h/denmark.html;
8. https://asia.fes.de/news/party-politics-in-south-korea.html;
9. https://www.iea.org/commentaries/india-s-clean-energy-transition-is-rapidly-underway-benefiting-the-entire-world.
Vũ Văn Doanh
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội