Phát thải khí CO2 từ phá rừng tăng gấp đôi chỉ trong 2 thập kỷ
03/03/2022TN&MTMột nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, lượng khí thải CO2 từ nạn phá rừng nhiệt đới trong thế kỷ này cao hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 thập kỷ qua, và hiện vẫn đang trên đà gia tăng.
Một khu vực rừng bị tàn phá gần Sinop, bang Mato Grosso, Brazil.
Các khu rừng trên thế giới tạo thành một bể chứa carbon khổng lồ, với trữ lượng carbon ước đạt 861 gigaton. Khi cây cối bị chặt hạ, chúng sẽ giải phóng lượng carbon lưu trữ vào bầu khí quyển. Kể từ năm 2000, thế giới đã mất khoảng 10% độ che phủ của rừng, và đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng Trái đất nóng lên.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability cho thấy lượng khí thải carbon do nạn phá rừng nhiệt đới đã tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ qua và hiện vẫn đang tiếp tục tăng, phần lớn là do mở rộng biên giới sản xuất nông nghiệp. Những phát hiện này trái ngược với các đánh giá trước đây, chẳng hạn báo cáo Ngân sách carbon toàn cầu 2021 cho rằng có sự suy giảm nhẹ trong lượng khí thải carbon từ hoạt động chặt phá rừng trên thế giới.
Thông qua phân tích dữ liệu vệ tinh có độ phân giải cao, các nhà nghiên cứu nhận thấy Cộng hòa Dân chủ Congo, Indonesia và Brazil là 3 quốc gia ghi nhận nạn phá rừng nghiêm trọng nhất trong giai đoạn 2001-2020. Đáng chú ý, Brazil chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng lượng khí thải carbon do hoạt động phá rừng Amazon và các hệ sinh thái rừng khác.
Kết quả phân tích chỉ ra rằng, khoảng 1/5 hoạt động khai phá đất ở vùng nhiệt đới diễn ra ở các khu vực miền núi, nơi có trữ lượng carbon tương đối lớn, đặc biệt là châu Á.
“Nạn phá rừng và thất thoát trữ lượng carbon rừng đang ngày càng gia tăng”, Giáo sư Dominick Spracklen của Trường Trái đất và Môi trường thuộc Đại học Leeds (Anh), đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Sự gia tăng diễn ra bất chấp các cam kết giảm thiểu nạn phá rừng, chẳng hạn như Tuyên bố New York về Rừng 2014 với mục tiêu giảm một nửa tốc độ phá rừng vào năm 2020. Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc 2021 (COP26) ở Glasgow, Scotland, một liên minh gồm 142 quốc gia - chiếm hơn 90% diện tích rừng của thế giới - đã cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.
Yu Feng, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Miền Nam (SUSTech) (Trung Quốc), người dẫn đầu nghiên cứu cho biết: “Rừng nhiệt đới là kho lưu trữ carbon khổng lồ. Chúng ta phải giảm nạn phá rừng để làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu”.
Chăn nuôi gia súc, canh tác dầu cọ, đậu nành, ca cao, cao su và cà phê là những nguyên nhân hàng đầu gây mất rừng nhiệt đới, cũng như phá hủy một số khu vực đa dạng sinh học nhất trên Trái đất. Trong một báo cáo được công bố mới đây, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn và sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng hơn so với dự đoán; thời gian và cơ hội để thế giới tránh khỏi sự tàn phá tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu không còn nhiều.
Giám sát vệ tinh ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc theo dõi lượng khí nhà kính trên Trái đất, chẳng hạn như phát thải khí methane. Đối với rừng, ứng dụng Giám sát rừng toàn cầu (Global Forest Watch) lưu trữ dữ liệu vệ tinh theo dõi tình trạng mất rừng, và các dự án như sứ mệnh Gedi của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) - sử dụng tia laser để phân tích sinh khối của cây, đang giúp cung cấp bản đồ chính xác hơn về rừng và các bể chứa carbon trên thế giới.
Theo nhandan.vn