Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero
25/09/2024TN&MTNgày 24.9, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các đối tác tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững”.
Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển rừng bền vững. Từ đó, đề xuất, hiến kế các giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực cho phát triển rừng bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo về cơ sở pháp lý và các chính sách của Việt Nam về quản lý, phát triển và khai thác các nguồn lợi từ rừng của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và đại diện khối tư nhân.
Trên cơ sở thông tin từ các bài tham luận, trong phiên thảo luận 1, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm phát huy hiệu quả giá trị nguồn lợi từ rừng và vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong phát triển rừng bền vững.
Từ đó, đưa ra các gợi ý, khuyến nghị về mô hình, chính sách, cơ chế, nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả các nguồn lợi từ rừng cũng như lời khuyên cho các doanh nghiệp, chủ thể khác, khi triển khai các dự án về rừng.
Phiên thảo luận 2 về “Thị trường tín chỉ carbon và tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rừng” tập trung vào vai trò của đầu tư tư nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp hướng đến tạo tín chỉ carbon rừng, các vấn đề kỹ thuật, khó khăn và thách thức được coi là cản trở đáng kể đối với sự tham gia của khối tư nhân.
Trên cơ sở đó, hiến kế các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp hướng đến tạo tín chỉ carbon rừng.
Theo ông Lương Quang Huy, Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách còn thiếu hoặc chưa quy định cụ thể. Tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước chưa được xây dựng.
Ngoài ra, kinh phí cần bố trí trước để xây dựng dự án, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ là tương đối lớn. Hiện chưa có định giá về giá tín chỉ các-bon rừng làm cơ sở cho việc đàm phán về giá với bên mua.
Trong khi đó, các tiêu chuẩn quốc tế đưa ra yêu cầu rất cao về kỹ thuật, môi trường, xã hội để đánh giá, thẩm định và cấp tín chỉ. Mỗi đối tác có quy định khác nhau nên nội dung, phương thức đàm phán, ký kết và thực thi thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) là khác nhau.
Các đại biểu tại phiên thảo luận
Theo bà Nghiêm Phương Thúy, Cục Lâm nghiệp, thời gian tới cần tiếp tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm tín chỉ carbon có chất lượng cao (carbon xanh...); trong đó cần chú trọng vấn đề truyền thông, tập huấn kỹ thuật.
Đồng thời, kiểm kê khí nhà kính, báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng cơ sở dữ liệu. Nghiên cứu phân bổ hạn ngạch NDC và tiềm năng tín chỉ cho địa phương. Hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ các bon rừng. Xây dựng tiêu chuẩn các bon rừng Việt Nam và cơ chế vận hành, hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án có tiềm năng…
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam chuẩn bị thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Ước tính trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sở hữu khoảng 40 - 70 triệu tín chỉ carbon rừng có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới.
Trong nhiều năm qua, việc mở rộng diện tích rừng đã giúp ngành lâm nghiệp Việt Nam đạt được các cam kết giảm phát thải, mở ra tiềm năng to lớn để tham gia vào thị trường carbon trong nước và toàn cầu.
Theo daibieunhandan.vn