Pháp luật hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai tại huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh
06/01/2022TN&MTHóc Môn là một huyện thuộc ngoại thành, nằm ở phía Tây Bắc của TP. Hồ Chí Minh. Phía Bắc giáp với huyện Củ Chi; phía Nam giáp với Quận 12; phía Đông giáp với thị xã Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương; phía Tây giáp với Long An, huyện Bình Chánh và Quận Tân Bình của TP. Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, huyện Hóc Môn đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có diễn biến phức tạp về quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Việc gia tăng về số vụ có liên quan đến tranh chấp đất đai cơ bản đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Mặt khác, khi quy hoạch công bố làm cho giá đất tăng cao, đặc biệt là dự án quy hoạch đường giao thông là nguyên nhân xảy ra tranh chấp trong khi thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng pháp luật về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả thực thi các quy định về hòa giải tranh chấp đất đai trong tình hình hiện nay theo Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan là rất cần thiết. Tác giả lựa chọn đề tài “Pháp luật hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh” góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về hòa giải tranh chấp đất đai tại huyện Hóc Môn nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung.
Đặt vấn đề
Tranh chấp đất đai (TCĐĐ) là một hiện tượng thường xảy ra trong đời sống xã hội, không phụ thuộc vào chế độ sở hữu đất đai. Những năm gần đây, TCĐĐ xảy ra phổ biến, rất phức tạp và phần lớn phải đưa ra giải quyết tại cơ quan Tòa án. Khi TCĐĐ xảy ra thì làm thế nào để hòa giải tranh chấp đó là vấn đề được nhiều cấp chính quyền quan tâm. Hòa giải là một trong những biện pháp hữu hiệu để giải quyết TCĐĐ, tuy nhiên điều đáng nói là, pháp luật về hòa giải đối với TCĐĐ hiện nay chưa có sự thống nhất và còn bất cập, từ đó, gây khó khăn cho việc giải quyết TCĐĐ trên thực tế, cũng như việc áp dụng biện pháp này vào giải quyết các TCĐĐ phát sinh.
Để có một hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh về hòa giải TCĐĐ, vừa đảm bảo giải quyết yêu cầu thực tế vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, trước hết chúng ta cần nghiên cứu một cách có hệ thống các quy định của pháp luật về hòa giải trong giải quyết TCĐĐ; đánh giá thực trạng giải quyết TCĐĐ thông qua hòa giải trong phạm vi một địa bàn cụ thể, trên cơ sở đó đề xuất những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích cho công dân là việc làm có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn hiện nay.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây: Cơ chế, pháp luật về hòa giải TCĐĐ nói riêng ở nước ta hiện nay; thực tiễn thi hành pháp luật về hòa giải TCĐĐ trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu đi sâu tìm hiểu các quy định về hòa giải TCĐĐ của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về hòa giải TCĐĐ tại UBND xã, thị trấn; nghiên cứu hòa giải tiền tố tụng tại Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự mà không nghiên cứu việc tự hòa giải của các bên và hòa giải cơ sở.
Tìm hiểu thực tiễn thi hành pháp luật về hòa giải TCĐĐ trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, luận văn đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sau đây: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin; phương pháp bình luận, diễn giải, phương pháp lịch sử; phương pháp so sánh luật học, phương pháp đánh giá; phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp.
Tình hình tranh chấp đất đai và hòa giải tranh chấp tại huyện Hóc Môn
Huyện Hóc Môn có diện tích đất tự nhiên (DTTN) là 10.943,38 ha, gồm 1 thị trấn và 11 xã: Thị trấn Hóc Môn, các xã: Đông Thạnh, Bà Điểm, Nhị Bình, Tân Thới Nhì, Tân Hiệp, Tân Xuân, Thới Tam Thôn, Trung Chánh, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Đông. Tổng diện tích tự nhiên của huyện Hóc Môn là 10.943,38 ha. Tỷ lệ đất đã đưa vào sử dụng của huyện rất cao: 10.900,21 ha, chiếm 99,61% DTTN. Trong đó: Đất phi nông nghiệp có 4044,65 ha, chiếm 36,96% DTTN, đất nông nghiệp 6.855,56 ha chiếm 62,65% DTTN, đất chưa sử dụng chỉ còn 43,17 ha, chiếm 0,39% DTTN.
Có điều kiện để phát triển KT-XH thuận lợi, nhưng huyện Hóc Môn cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có diễn biến phức tạp về quá trình đô thị hóa. Việc gia tăng về số vụ có liên quan đến TCĐĐ cơ bản đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Mặt khác, khi quy hoạch công bố làm cho giá đất tăng cao, đặc biệt là dự án quy hoạch đường giao thông là nguyên nhân xảy ra tranh chấp và trong khi thực hiện công tác đền bù giải tỏa làm phát sinh tranh chấp về ranh đất, tranh chấp về QSDĐ. Tranh chấp về giải toả mặt bằng phục vụ các công trình công cộng, lợi ích quốc gia và mức đền bù khi thực hiện giải tỏa. Tranh chấp loại này chủ yếu là khiếu kiện về giá đất đền bù, diện tích đất được đền bù, giá cả đất tái định cư và đền bù. Hoặc trong việc cấp GCN QSDĐ mà đo đạc không chính xác sẽ dẫn đến tranh chấp ranh giới. Loại tranh chấp này xảy ra là do lỗi của các cơ quan nhà nước, đó là, khi cấp đất, cơ quan cấp đất có ghi diện tích nhưng không đo đạc cụ thể khi giao đất chỉ căn cứ vào giấy cấp đất và đơn kê khai diện tích của người dân. Sau này, khi người dân đo lại thấy diện tích đất ít hơn so với GCN QSDĐ hoặc khi cấp GCN QSDĐ có phần diện tích chồng lên nhau, do đó cũng gây nên tranh chấp giữa các hộ liền kề nhau.
Tình hình tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện Hóc Môn
Theo kết quả thống kê của UBND huyện Hóc Môn, từ năm 2017 đến tháng 6/2020 trên địa bàn huyện đã xảy ra 32 vụ TCĐĐ. Số liệu cho thấy, tình hình TCĐĐ trên địa huyện có xu hướng giảm nhẹ. Năm 2017, xảy ra 11 vụ, đến 6 tháng đầu năm 2020 tổng hợp được 5 vụ. Trong đó, xã Thới Tam Thôn tuy diện tích nhỏ nhưng có số vụ TCĐĐ xảy ra nhiều nhất với 9 vụ, xã này cũng được ghi nhận là tình hình vi phạm trong lĩnh vực đất đai khá nghiêm trọng, đặc biệt, trong 3 năm qua có các đơn vị như thị trấn Hóc Môn, xã Tân Thới Nhì, xã Xuân Thới Đông không xảy ra TCĐĐ.
Biểu đồ 1. Cơ cấu sử dụng đất của huyện Hóc Môn
Theo bảng số liệu và biểu đồ nêu trên phản ánh tính chất phức tạp của TCĐĐ, trong đó, chủ yếu là tranh chấp về quyền SDĐ, do lấn chiếm đất đai, lối đi chung giữa các hộ liền kề, tranh chấp quyền thừa kế nhà đất giữa các thành viên trong cùng một gia đình, đòi lại đất. Trên thực tế, nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, đánh mất tình cảm gia đình, làng xóm, gây mất trật tự an ninh chung, nhiều trường hợp dân sự chuyển thành hình sự. Do đó, việc giải quyết TCĐĐ đang là vấn đề nóng đòi hỏi sự quan tâm kịp thời đúng lúc của các cấp, chính quyền.
Qua bảng và biểu đồ trên cho thấy, số lượng đơn TCĐĐ thuộc thẩm quyền của UBND qua mỗi năm không cao, tăng giảm và không đồng đều. Trong đó, QSDĐ có lượng đơn cao nhất với 10 đơn, các dạng tranh chấp khác chỉ chiếm 2 đơn. Năm có số lượng đơn tranh chấp nhiều nhất là năm 2018 (10 đơn). Năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 có xu hướng giảm (năm 2019: 5 đơn; 6 tháng đầu năm 2020: 3 đơn). Tuy số lượng đơn tranh chấp của mỗi dạng từ năm 2017 đến nay không cao, nhưng nội dung tranh chấp thì khá phức tạp, khó giải quyết do nguồn gốc đất không rõ ràng, qua nhiều chủ sử dụng, vì vậy mà lượng đơn tồn qua các năm không giải quyết dứt điểm được,...
Tình hình hòa giải tại cấp chính quyền cơ sở trên địa bàn huyện Hóc Môn
Tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp chính quyền cơ sở
Bảng 1. Thống kê TCĐĐ của huyện Hóc Môn (2017-2020)
Trên địa bàn huyện Hóc Môn, đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ QLNN về hòa giải ở cơ sở được phân công như sau: Cấp huyện (3 cán bộ, chuyên viên): 1 Phó Chủ tịch UBND huyện, 1 lãnh đạo Phòng Tư pháp và 1 chuyên viên Phòng Tư pháp; cấp xã (24 cán bộ, công chức): 1 lãnh đạo UBND xã, thị trấn và 1 công chức tư pháp - hộ tịch xã - thị trấn.
Trong 5 năm qua, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn huyện chưa đạt 80% trở lên theo định hướng của Bộ Tư pháp và Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 9/12/2016 của UBND TP. Hồ Chí Minh; tuy nhiên, số vụ việc tiếp nhận hòa giải giảm, tỷ lệ hòa giải thành tăng đều hàng năm.
Bảng 2. Bảng số liệu về tổ hòa giải trên địa bàn huyện Hóc Môn từ năm 2014-2018
Qua bảng số liệu thống kê nhận thấy, số tổ hòa giải viên và số liệu về hòa giải viên trên địa bàn huyện Hóc Môn giai đoạn 2014-2018 có sự thay đổi: Số lượng tổ hòa giải và số liệu về hòa giải viên tăng qua các năm. Ngoài ra, đa phần các vụ hòa giải TCĐĐ đều thực hiện thông qua hoạt động hòa giải cấp chính quyền cơ sở. Điều này, khẳng định sự quan tâm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác giải quyết TCĐĐ thông qua biện pháp hòa giải tại cấp chính quyền cơ sở là hòa giải tại các tổ dân phố nói chung.
Biểu đồ 2. Số lượng đơn tranh chấp đất đai
Giải quyết tranh chấp đất đai tại tòa án nhân dân huyện Hóc Môn
Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác hòa giải tại Tòa và hoạt động tố tụng. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Trong những năm qua, công tác hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp trong các vụ án dân sự luôn được TAND huyện Hóc Môn chú trọng và thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vụ án, giảm được số vụ án dân sự phải đưa ra xét xử,... Trong suốt quá trình hòa giải, đội ngũ Thẩm phán phụ trách vụ án luôn thể hiện sự gần gũi, tôn trọng sự tự nguyện của các bên liên quan. Luôn tôn trọng ý kiến của các bên đương sự, dành thời gian cho các bên nói rõ quan điểm, ý kiến, tâm tư nguyện vọng, sau đó, hỏi từng bên xem họ có tự nguyện giải quyết mâu thuẫn hay không. Phân tích rõ cho các đương sự biết được lợi ích mà họ sẽ có nếu thỏa thuận giữa hai bên thành công tại phiên hòa giải. Tùy theo tính chất của từng vụ án cụ thể, quá trình hòa giải được TAND huyện tiến hành kịp thời, chủ động, nhằm tạo điều kiện cho các đương sự hiểu rõ các vấn đề liên quan đến tranh chấp.
Đội ngũ Thẩm phán của TAND huyện luôn thể hiện sự kiên trì trong quá trình hòa giải, chỉ khi nào không còn khả năng hòa giải mới đưa vụ án ra xét xử. Thực tế, có nhiều vụ án tranh chấp dân sự chủ yếu là án tranh chấp quyền SDĐ,... TAND huyện phải thực hiện công tác hòa giải nhiều lần và trong thời gian dài bởi các đương sự không thỏa thuận được các vấn đề để giải quyết vụ án.
Với những giải pháp tích cực đã thực hiện, tỷ lệ các vụ việc thuộc lĩnh vực án dân sự được hòa giải thành tại TAND huyện huyện Hóc Môn tăng dần theo báo cáo tổng kết công tác xét xử của đơn vị qua 5 năm (từ 2015-2019), theo Bảng 3 dưới đây:
Bảng 3. Thống kê kết quả xét xử tranh chấp đất đai của TAND huyện Hóc Môn
Kết luận
Thông qua việc nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về hòa giải TCĐĐ từ những mặt đạt được và những bất cập, luận văn đã đưa ra được một số kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện pháp luật về hòa giải TCĐĐ.
Việc tìm hiểu thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về hòa giải TCĐĐ, Đề tài đã đánh giá được những kết quả đạt được trong công tác hòa giải nói chung, hòa giải TCĐĐ nói riêng đồng thời với những bất cập trong các quy định về hòa giải tiền tố tụng và việc thực hiện thủ tục hòa giải TCĐĐ tại Tòa án.
Đề tài nghiên cứu phân tích và chú trọng tới mặt bất cập qua những vụ việc thực tiễn, qua đó đưa ra cái nhìn toàn diện về hòa giải TCĐĐ qua thực tế áp dụng pháp luật.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả nghiên cứu, luận văn đưa ra kiến nghị về xây dựng và hoàn thiện pháp luật để phần nào giúp cho việc giải quyết TCĐĐ thông qua hòa giải được thuận lợi, tạo điều kiện cho các bên tranh chấp hiểu và vận dụng tốt hơn quy định của pháp luật, giúp cho các cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm được tính khả thi và hợp lý của các quy định pháp luật.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo về “Hòa giải tranh chấp đất đai tại Việt Nam phần tích pháp luật hiện hành, các thực tiễn và khuyến nghị cho cải cách” - Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (FDL) tháng 10/2013;
2. Chính phủ (2004), Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, Hà Nội. Hòa giải tranh chấp đất đai tại Việt Nam - Phân tích pháp luật hiện hành, các thực tiễn và khuyến nghị cho cải cách - do Quỹ châu Á và Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID), Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) phát hành, Hà Nội, tháng 10/2013;
3. Vũ Trung Hòa (2012), Một số vấn đề về chế độ và chính sách đối với hòa giải viên, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề pháp luật về hòa giải;
4. Lương Thị Hợp (2010), “Một số vấn đề trong Bộ luật tố tụng dân sự cần được sửa đổi, hướng dẫn”, Tòa án nhân dân, (21), tr. 9-12; Trần Văn Quảng (2008), Các phương thức thương lượng, hòa giải, trung gian ở Việt Nam, tài liệu tại Hội thảo: Giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng tư pháp - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tư pháp và Tổ chức phát triển quốc tế Canada (Dự án hỗ trợ cải cách pháp luật);
5. Quốc hội (2013), Luật Đất đai, Hà Nội;
6. Quốc hội (2013), Luật Hòa giải ở cơ sở, Hà Nội;
7. Trường Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội;
8. Trần Anh Tuấn (2009), “Thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất”, Nghiên cứu lập pháp, số 7, tr. 52-57;
9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1989), Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Hà Nội;
10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1998), Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, Hà Nội;
11. Kimberlee K.Kovach, Mediation in a Nutshell (Texas, Thomson West, 2003), p 1 (Tạm dịch: Tổng quan về trung gian hòa giải);
12. Luật mẫu về hòa giải do Hiệp hội Luật sư Mỹ xây dựng;
13. M Davies và Tác giả Tạp chí Nghiên cứu thúc đẩy trung gian hòa giải (1996), Cơ quan kế hoạch chính sách và nghiên cứu, Báo cáo nghiên cứu về chương trình trung gian hòa giải của Hội luật học Briston trong giai đoạn đầu, Hội Luật học, số 21.
ĐỖ THANH HÒA
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh