Phân vùng các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch bền vững trên nền mô hình số địa hình ở Mỹ Đức - Hà Nội
28/10/2024TN&MTHuyện Mỹ Đức nằm ở phía Nam của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 52 km. Huyện có 2 di tích Quốc gia là Khu thắng cảnh Chùa Hương và Khu du lịch Hồ Quan Sơn, hàng năm có khoảng 1,4 triệu lượt khách thăm quan. Huyện có nhiều làng nghề truyền thống như dệt, may Phùng Xá, trồng dâu nuôi tằm,… Đây là lợi thể để kết hợp du lịch thăm quan thắng cảnh với làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên cho đến nay, các thế mạnh của vùng cũng như của huyện Mỹ Đức chưa được phát triển đồng bộ, chưa phát huy được thế mạnh về du lịch và kết quả chưa tương xứng với tiềm năng của từng vùng; theo đó, hạn chế sự phát triển của Huyện, chưa đáp ứng được kỳ vọng, chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội. Bài báo này, đề xuất giải pháp phân vùng các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch trên nền mô hình số địa hình ở Mỹ Đức - Hà Nội.
Nội dung thực hiện
Khái quát về địa lý tự nhiên
Huyện Mỹ Đức nằm ở phía nam của Thủ đô Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 52 km theo đường Quốc lộ 21B, có vị trí địa lý: từ 200 33’ 42” đến 200 49’ 51” vĩ độ Bắc, từ 1050 39’ 16” đến 1050 48’ 35” kinh độ Đông.
Huyện Mỹ Đức nằm ở phía nam của Thủ đô Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 52 km theo đường Quốc lộ 21B, có vị trí địa lý: từ 200 33’ 42” đến 200 49’ 51” vĩ độ Bắc, từ 1050 39’ 16” đến 1050 48’ 35” kinh độ Đông.
Phía đông giáp huyện Ứng Hòa; Phía tây giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; Phía nam giáp huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; Phía bắc giáp huyện Chương Mỹ.
Địa hình khu vực tương đối bằng phẳng, vùng núi chỉ chiếm xấp xỉ khoảng 1/3 diện tích.
Trong vùng có 02 con sông chảy qua là sông Đáy và Mỹ Hà. Có khá nhiều hồ nước, hồ lớn nhất là Quan Sơn.
Huyện thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, chia thành 02 mùa: Mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10 (chiếm 70 - 80% lượng mưa cả năm). Mùa khô từ tháng 11 đếm tháng 6 năm sau. Nhiệt độ: trung bình năm khoảng 230C, thấp nhất 6,80C, cao nhất 280C. Độ ẩm trung bình 84%, thấp nhất 21%, cao nhất 75%. Lượng bốc hơi: Trung bình khoảng 900mm/năm, cao nhất 100mm/tháng (tháng 5, 6, 8). Chế độ gió: Giao Đông Nam từ tháng 4 đến tháng 9, Gió Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Bão: Thường xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
Hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch
Huyện Mỹ Đức có diện tích 22.625,08 ha; dân số khoảng 20,58 vạn người. Về hành chính, huyện Mỹ Đức gồm 22 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Đại Nghĩa (huyện lỵ) và 21 xã: An Mỹ, An Phú, An Tiến, Bột Xuyên, Đại Hưng, Đốc Tín, Đồng Tâm, Hồng Sơn, Hợp Thanh, Hợp Tiến, Hùng Tiến, Hương Sơn, Lê Thanh, Mỹ Thành, Phù Lưu Tế, Phúc Lâm, Phùng Xá, Thượng Lâm, Tuy Lai, Vạn Kim, Xuy Xá. Trong đó có 01 xã miền núi là xã An Phú. Trong huyện có 02 di tích Quốc gia hàng năm trung bình đón khoảng 1,4 triệu lượt khách đó là:
Khu thắng cảnh chùa Hương (suối Yến, đền Trình, chùa Thiên Trù, đền Giải Oan, đền Cửa Võng, động Hương Tích, chùa Long Vân, động Hinh Bồng, chùa Thanh Sơn, Hương Đài...), nằm ở rìa phía tây nam huyện, ở địa phận xã Hương Sơn, giáp ranh giới với huyện Lạc Thủy.
Khu du lịch hồ Quan Sơn và nhiều hang động đẹp, đền, chùa mang tính chất lịch sử được nhân dân tôn tạo như chùa Hàm Rồng, chùa Cao,...
Bên cạnh đó, huyện còn có khu thắng cảnh chùa Cao (Chùa hàm rồng...), nằm ở rìa phía tây huyện, ở địa phận xã Hồng Sơn, giáp ranh giới với huyện Kim Bôi; khu di tích đền thờ Đinh Tiên Hoàng Đế ở xã Hợp Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội là nơi Đinh Bộ Lĩnh từng về tuyển quân lính để đánh dẹp loạn 12 sứ quân.
Về làng nghề, Mỹ Đức trước đây thuộc tỉnh Hà Tây cũ, mảnh đất trăm nghề. Là một huyện tuy nằm khá xa trung tâm Hà Nội (cách khoảng 52 km) nhưng cũng có rất nhiều làng nghề. Tuy nhiên hoạt động của các làng nghề ở huyện hiện nay không ổn định, giá trị thấp nên chưa thu hút được lao động và có nguy cơ mai một. Chỉ có hai xã là Phùng Xá và Hương Sơn hiện nay có nghề dệt nhuộm, kinh doanh dịch vụ và làm dịch vụ du lịch cho thu nhập khá nổi trội hẳn không chỉ trong huyện mà cả trong vùng. Các xã còn lại vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi (lợn, gia cầm, dê núi).
Mỹ Đức có nhiều danh lam thắng cảnh và là cơ sở để phát triển mô hình du lịch kết hợp giữa tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử với làng nghề truyền thống. Do đó có thể thấy, tiềm năng phát triển du lịch của huyện Mỹ Đức là tương đối lớn. Ngoài ra, do địa hình đặc trưng của huyện là một vùng bán sơn địa phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, nơi có nhiều hang động Karst, nhiều hồ nước lớn và có hai con sông chảy qua (là sông Đáy và sông Mỹ Hà) nên còn có thể phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch leo núi… hiện đang rất được ưa chuộng.
Đến nay, hệ thống đường giao thông của huyện có 115,7/115,7 km đường trục xã, liên xã; có 369,9/369,9 km đường trục thôn, liên thôn; 452,1km đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 100%; có 350,94 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt 100%.
100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, đảm bảo việc đi lại thuận tiện cư dân sinh sống trên địa bàn; số km Kênh tưới cấp 3 đã kiên cố hoá 515,34/1.716,1 km, đạt 30,03%; kênh tưới cấp 2 đã kiên cố được 14,5 km bằng 14,4%.
Để phát triển tiềm năng du lịch đòi hỏi hệ thống đường trục chính trong toàn huyện phải phát triển ngang tầm. Thực tế theo số liệu thống kê chi tiết về hạ tầng giao thông của huyện cho thấy, hệ thống đường bộ bao gồm các quốc lộ như 21, 21B, 38 và các tuyến tỉnh lộ 498C, 431, 447, 429, 429B, 429C 419, 424, 425, 426, 428, đường huyện 80, 03, 12B, TY1, TX2 kết nối các xã, thị trấn cũng như kết nối với huyện Ứng Hoà, huyện Kim Bảng (Hà Nam) và huyện Lương Sơn, Lạc Thủy (Hòa Bình). Đường sông có sông Đáy và sông Mỹ Hà.
Hình 1. Bản đồ quy hoạch huyện Mỹ Đức, Hà Nội đến năm 2030 (nguồn https://dandautu.vn/quy-hoach/ban-do-quy-hoach-huyen-my-duc-ha-noi)
Quy hoạch tổng thể đến năm 2030 liên quan đến phát triển du lịch
Theo Quyết định số 4465/QĐ-UBND ngày 27/8/2014 của ủy ban nhân dân TP. Hà Nội của về việc quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức tỷ lệ 1:10.000 đến năm 2030: Tổng diện tích đất theo địa giới hành chính của huyện Mỹ Đức chiếm khoảng 22.619,93ha, bao gồm: Đất tự nhiên đô thị khoảng 495,06ha (chiếm khoảng 2,19% diện tích đất tự nhiên), trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 239,5ha, chỉ tiêu khoảng 199,58m2/người, đất ngoài phạm vi xây dựng đô thị khoảng 255,56ha; Đất tự nhiên nông thôn khoảng 22.124,87ha, trong đó đất phục vụ đô thị khoảng 3.265,80 ha, đất xây dựng điểm dân cư nông thôn khoảng 2.708,90 ha, chỉ tiêu khoảng 138,9 m2/người, đất khác khoảng 16.150,17 ha.
Về định hướng phát triển du lịch, quy mô các khu du lịch huyện Mỹ Đức theo dự báo khoảng 3.554ha, trong đó đất xây dựng các khu du lịch khoảng 1.890 ha còn lại là đất đồi núi, rừng và mặt nước thuộc ranh giới khu du lịch. Du lịch huyện Mỹ Đức phát triển theo các mô hình “Cộng đồng” và “Các cơ sở du lịch được đầu tư đồng bộ”. Khuyến khích cộng đồng và nguồn lực từ cộng đồng đầu tư cho du lịch - chủ yếu gắn với du lịch lễ hội (lễ hội Hương Sơn và lễ hội Festival Hoa sen), du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm... Phát triển du lịch dựa trên các cơ sở du lịch được đầu tư đồng bộ. Trong đó, các loại hình du lịch khai thác tại Mỹ Đức có thể bao gồm:
Du lịch lễ hội: ngoài mùa lễ hội chính “Trẩy hội động Hương Tích” được tiến hành từ tháng từ 02 Tết đến 15/03 âm lịch hàng năm sẽ phát triển một lễ hội mới là Festival Hoa Sen tại Hương Sơn và An Phú kéo dài từ tháng 6-7 hàng năm. Du lịch văn hóa, làng nghề: Tham quan các di tích đình chùa, miếu mạo và làng nghề truyền thống; Lấy động lực từ du lịch chùa Hương tổ chức thêm một số điểm du lịch văn hóa tâm linh như khu đình chùa Tứ Xã, đình Bột Xuyên, đình - đền Phúc Khê ở Bột Xuyên; đền Kim Bôi xã Vạn Kim,... Du lịch nghỉ dưỡng, an dưỡng: Phát triển các khu nghỉ dưỡng đặc biệt như khu an dưỡng đường, khu trị liệu thẩm mỹ... ở khu vực hồ Quan Sơn - Tuy Lai, phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng của thủ đô Hà Nội. Du lịch khám phá thiên nhiên, mạo hiểm: Với tiềm năng vùng rừng đa dạng sinh học của dãy Nương Ngái - Hương Sơn, đặc biệt là khu vực Hương Sơn, có thể tổ chức loại hình thám hiểm, khám phá thiên nhiên hướng dẫn du khách về tiềm năng rừng tự nhiên của huyện. Du lịch SEACANOE; Du lịch - MICE (Meeting-Incentive-Conference-Event); Du lịch câu cá trên các sông, các hồ lớn: Hồ Quan Sơn, Tuy Lai, sông Thanh Hà, Mỹ Hà, sông Đáy.
Trung tâm lễ hội, khu du lịch và chức năng hỗ trợ du lịch: Khu du lịch văn hóa lễ hội và cảnh quan Hương Sơn, quy mô khoảng 322ha bao gồm: Trung tâm Festival Hoa sen Hương Sơn (172 ha) và khu du lịch văn hóa tâm linh tín ngưỡng Hương Sơn (150 ha). Hệ thống khu du lịch, lễ hội khu vực Hương Sơn được phát triển gắn với bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương, không gian cảnh quan đồi núi - mặt nước - hồ sen và các không gian văn hóa tín ngưỡng truyền thống khác. Trung tâm Festival Hoa sen An Phú, quy mô khoảng 237ha (xã An Phú), là nơi diễn ra một phần của các hoạt động lễ hội Festival Hoa Sen hàng năm gắn với hoạt động lễ hội chính ở Hương Sơn. Vị trí gắn với đường Hồ Chí Minh và khu vực cửa ngõ phía Tây Nam của huyện. Khu du lịch hồ Thượng Lâm (xã Thượng Lâm), quy mô khoảng 160ha là khu du lịch sinh thái thuộc chuỗi các khu du lịch trên hồ Tuy Lai - Hương Sơn với các chức năng nghỉ dưỡng sinh thái, cắm trại, picnic, dịch vụ nghỉ dưỡng,... Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai (xã Tuy Lai), bao gồm Khu làng dưỡng sinh Tuy Lai quy mô khoảng 931 ha; Khu nghỉ dưỡng Tuy Lai quy mô 429 ha. Với các chức năng nghỉ dưỡng như an dưỡng đường, khu điều dưỡng (dạng an dưỡng trị liệu bằng phương pháp cổ truyền, khu trị liệu thẩm mỹ, các khu vui chơi giải trí sinh thái với những hoạt động tĩnh nghỉ ngơi ngắm cảnh, bơi thuyền, câu cá, các khu vui chơi giải trí công cộng, các không gian mở,...). Khu du lịch sinh thái tổng hợp Hồ Quan Sơn: là khu du lịch tổng hợp với các chức năng chính là hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao (sân golf). Quy mô dự kiến khoảng 1.465 ha (đã trừ diện tích trùng lặp với khu phòng thủ quân sự). Nghiên cứu xây dựng khu vực đáp ứng các nhu cầu hội họp của các cấp lãnh đạo thành phố, quốc gia và quốc tế trong khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn. Khu du lịch sinh thái An Phú: Hình thành sau khi chuyển đổi chức năng của nhà máy xi măng Mỹ Đức (khi có đủ điều kiện), quy mô khoảng 55ha, chủ yếu phát triển du lịch sinh thái và khôi phục văn hóa Mường.
Đáng lưu ý, về định hướng phát triển đô thị tập trung vào 01 đô thị loại V - Thị trấn Đại Nghĩa tuân thủ theo các định hướng chính là: Lấy không gian cây xanh, mặt nước làm trung tâm; phát triển không gian đô thị có tính truyền thống, thân thiện, ấm cúng, cố sức thu hút và lưu giữ khách du lịch. Tổ chức không gian ven sông Đáy thành không gian cảnh quan quan trọng của đô thị.
Về định hướng phát triển nông thôn tuân thủ theo Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt. Phát triển theo đặc trưng riêng của nông thôn trong Thủ đô về mọi phương diện; Phát triển cân bằng, hài hòa giữa đô thị và nông thôn, hạn chế phân hóa giàu nghèo. Từng bước chuyển dịch nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, cung ứng sản phẩm cho nhu cầu thủ đô; Phát triển và bảo tồn các giá trị cảnh quan, lối sống, di sản, di tích trong vùng nông thôn, khắc phục các vấn đề môi trường. Xây dựng 03 cụm đổi mới (cụm An Mỹ, An Phú, Hương Sơn) gắn với các khu vực kinh tế. Cụm đổi mới được xác định bao gồm các chức năng: Dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch, đất hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tiểu thủ công nghiệp làng nghề, nghề sen,... và các chức năng hỗ trợ du lịch, dịch vụ đường cao tốc khác. Trong ranh giới cụm đổi mới không bố trí dân cư.
Khu tái định cư Quan Sơn thuộc xã Hồng Sơn, Hợp Tiến, Lê Thanh là dự án tái định cư và đất dịch vụ cho dự án đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn - Hương Sơn, dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái Hồ Quan Sơn và các dự án khác trên địa bàn huyện Mỹ Đức, phát triển theo mô hình nhà ở sinh thái nông thôn, quy mô 152 ha, dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 10.000 người, phát triển theo một số định hướng sau: Khuyến khích phát triển mô hình nhà ở theo dạng nhà vườn nông thôn, nhà ở sinh thái, tầng cao không quá 3 tầng; khuyến khích bố trí vườn cây trên mái, cây leo tường, sân trước và sau nhà, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Các khu vực nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại khuyến khích xây lùi tầng một tối thiểu 2 m để tạo nên không gian đi bộ thông suốt có mái che. Khuyến khích trồng cây xanh, thảm cỏ, trồng hoa có chủ đề theo các tuyến phố, tạo nên hình ảnh hấp dẫn du lịch và đặc trưng riêng, tạo được gắn kết không gian cảnh quan với khu du lịch hồ Quan Sơn.
Như vậy, với mục tiêu phát triển tiềm lực dịch vụ, du lịch thì việc chỉnh trang các khu dân cư đô thị (239,5ha), khu dân cư nông thôn (2.708,90ha) là công việc mang ý nghĩa then chốt, tuy nhiên cần bám sát các định hướng phát triển của các lĩnh vực có liên quan như phát triển đô thị, nông thôn, Nông-Lâm-Ngư nghiệp, hạ tầng xã hội, bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể,…
Tính đến tháng 10-2022, 21/21 xã (100% số xã trên địa bàn) đạt chuẩn nông thôn mới theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Huyện cũng đã tập trung chú trọng đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường liên xã, liên thôn, đường làng cơ bản được bê tông hóa 99%. Về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Mỹ Đức có 31 làng nghề, làng có nghề truyền thống, trong đó có 6 làng nghề đã được công nhận. Toàn huyện có 24 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP…
Hình 2. Minh họa phân vùng các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch trên nền mô hình số địa hình ở Mỹ Đức, Hà Nội
3. Kết luận
Theo tinh thần của Quyết định số 4465/QĐ-UBND ngày 27/08/2014 của UBND TP. Hà Nội về việc quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức đến năm 2030 và tiềm năng hiện trạng của huyện Mỹ Đức, cần có những đột phá về việc triển khai phát huy lợi thế về du lịch và du lịch tâm linh để vừa phát triển về kinh tế, vừa phát huy và nhân rộng bản sắc văn hoá của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực. Có nhiều giải pháp để đáp ứng và hoàn thành nhiệm vụ của thành phố, trong đó có giải pháp phân vùng các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch trên nền mô hình số địa hình ở Mỹ Đức - Hà Nội. Để đạt được điều đó, cần có sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng của người dân để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả kinh tế gắn với du lịch của địa bàn Mỹ Đức - Hà Nội.
Tài liệu tham khảo
1. QCXDVN 01:2008/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng;
2. https://hethongphapluat.com/quyet-dinh-4465-qd-ubnd-nam-2014-phe-duyet-quy-hoach-chung-xay-dung-huyen-my-duc-thanh-pho-ha-noi-den-nam-2030-ty-le-1-10-000.html;
3. https://dandautu.vn/quy-hoach/ban-do-quy-hoach-huyen-my-duc-ha-noi;
https://cafeland.vn/thong-tin-quy-hoach/my-duc-88.html;
4. https://lawnet.vn/vb/Quyet-dinh-380-QD-TTg-2023-lap-Quy-hoach-phuc-hoi-di-tich-lich-su-Chua-Huong-huyen-My-Duc-Ha-Noi-89801.html.
TS. ĐINH THỊ THU HIỀN, TS. LÊ THANH TOÀN
Trường Đại học Điện lực Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 14 (Kỳ 2 tháng 7) năm 2024