Phân cấp mạnh cho cấp huyện
05/02/2024TN&MTTheo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký chứng thực, có 8 cơ chế, chính sách đặc thù.
HĐND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 – 2025.
Đây là những cơ chế, chính sách áp dụng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Nội dung đáng lưu ý trong nghị quyết là Quốc hội cho phép thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 – 2025.
Khoản 7 Điều 4 của nghị quyết nêu rõ: HĐND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. UBND cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm.
HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
Việc quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của huyện thực hiện cơ chế thí điểm được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được HĐND huyện điều chỉnh theo quy định tại điểm b khoản này.
Bên cạnh đó, nghị quyết còn quy định các cơ chế, chính sách đặc thù về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm; về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm; về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất.
Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2026 hoặc cùng thời điểm đề xuất chủ trương đầu tư liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2026 - 2030.
Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, tức ngày 18-1-2024.
Theo sggp.org.vn