PGS.TS. Phùng Chí Sỹ: Cần có kênh thông tin riêng để những nhà khoa học chuyên ngành TN&MT có thể tham gia trao đổi, góp ý
05/02/2024TN&MTNgày 21/1, tại trụ sở Khu liên cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức gặp mặt Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực miền Trung và miền Nam. Tại buổi gặp mặt, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đang công tác trong và ngoài Bộ đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu ý kiến đóng góp của PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ Môi trường Việt Nam.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ Môi trường Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt
Tham gia buổi gặp mặt Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ tại khu vực miền Nam, tôi rất vinh dự và cảm ơn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi gặp mặt này, tôi hy vọng buổi gặp mặt sẽ được tổ chức hàng năm để có thêm nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực góp phần xây dựng ngành ngày càng vững mạnh.
Ngành Tài nguyên và Môi trường có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước, tuy nhiên thực tế còn tồn tại những bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa quy định pháp luật của ngành Tài nguyên và Môi trường với các ngành khác. Việc thiếu đồng bộ trong quản lý về tài nguyên và môi trường, trong đó có vấn đề môi trường dẫn đến nhiều khó khăn cho khâu tổ chức thực hiện. Cụ thể, hiện nay nước ta đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khuyến khích lựa chọn công nghệ đồng bộ, tiên tiến cho hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải rắn để tạo ra nguyên liệu và năng lượng. Xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt rác thải phát điện là một trong những phương pháp kinh tế tuần hoàn, tiên tiến nhất hiện nay, được sử dụng rộng rãi trên thế giới và được đánh giá là phương pháp tối ưu nhất ở Việt Nam.
Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này, các địa phương yêu cầu phải có Quy hoạch điện VIII để chủ đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện hoạt động và có thể bán điện vào mạng lưới điện quốc gia. Thực tế Quy hoạch điện VIII mới được Chính phủ phê duyệt, trong khi quy định về ưu đãi cho các hoạt động tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn còn thiếu, chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng rất nhiều doanh nghiệp vướng mắc và chuyển sang ký hợp đồng thu gom chôn lấp rác thải.
Vì vậy, tôi mong muốn thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định và các văn bản hướng dẫn thi hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ cần tăng cường sự tham vấn của các tổ chức, đặc biệt các Hiệp hội khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học tham gia tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, đóng góp tâm sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, phát triển Ngành theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có kênh thông tin riêng để những nhà khoa học có thể tham giá trực tiếp trao đổi, góp ý và có cơ chế khuyến khích để duy trì những hoạt động ý nghĩa này.
Hồng Loan